Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững

05:11, 03/11/2020

Trước yêu cầu phát triển toàn diện và thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện...

Trước yêu cầu phát triển toàn diện và thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, xác định nông nghiệp là thế mạnh của huyện, Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh đã cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh; từ đó, sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả”.
 
Người dân Đạ Tẻh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao
Người dân Đạ Tẻh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất sang trồng cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao
 
Trên cơ sở nghị quyết, kế hoạch của Huyện ủy, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 30/3/2016 để tổ chức thực hiện, tập trung chuyển đổi cây điều, cây mì hiệu quả thấp, đất vườn tạp, đất cuối nguồn nước thủy lợi; định hướng nhóm cây trồng ưu tiên, gồm: dâu tằm, cao su, tre tầm vông, tràm lấy gỗ, cây ăn trái; vận dụng cơ chế hỗ trợ từ 4 - 5 triệu đồng/ha và hỗ trợ khuyến khích thêm 2 triệu đồng/ha đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.
 
Từ sự chủ động và linh hoạt khi sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ, ngành nông nghiệp huyện Đạ Tẻh đã đạt được những thành công vượt bậc.
 
Cơ cấu cây trồng chuyển dịch mạnh theo hướng tăng diện tích cây trồng hiệu quả kinh tế cao, thị trường ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu; giảm nhanh diện tích cây trồng hiệu quả thấp, trong đó, diện tích cây điều giảm 2.284 ha, chuyển sang trồng: dâu tằm 390 ha, cao su 350 ha, tre tầm vông 85 ha, tràm lấy gỗ 375 ha, cây ăn quả 790 ha, các loại cây khác 294 ha; tỷ lệ cây trồng hiệu quả thấp giảm 52,3%. Đồng thời, đã định hình rõ các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa và liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng. Vùng trồng lúa chất lượng cao và đặc sản Nếp Quýt 1.600 ha, cơ giới hóa làm đất và thu hoạch đạt 100%, hơn 700 hộ hợp đồng tiêu thụ 2.000 tấn/năm; Vùng trồng dâu tằm 1.527 ha, cơ giới hóa khâu làm đất 85%, thu hoạch 12,7%, ứng dụng tưới tiết kiệm đạt 45,3%, sản lượng tiêu thụ qua hợp đồng đạt trên 40%; Vùng trồng cây ăn trái diện tích 1.656 ha.
 
Công tác chỉ đạo sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông sản Đạ Tẻh được chú trọng thực hiện. Diện tích cấp giấy chứng nhận VietGAP đạt 420 ha, GlobalGAP, hữu cơ 15 ha; nông dân từng bước tiếp cận thực hiện quy trình canh tác sinh học, hữu cơ, nhận thức về cấp mã số vùng trồng để hướng tới thị trường xuất khẩu. Hầu hết nông sản của huyện Đạ Tẻh có chất lượng cao, trong đó Nếp Quýt là nhãn hiệu duy nhất khu vực miền Trung và Tây Nguyên trên bản đồ các loại gạo đặc sản Việt Nam; năm 2019 Nếp Quýt, tơ lụa được UBND tỉnh quyết định công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. 
 
Thu hút đầu tư phát triển chăn nuôi phát triển mạnh. Trên địa bàn huyện có 10 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với tổng đàn trên 40.000 con, quy trình chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh môi trường; một số mô hình nuôi chim yến, chăn nuôi gia cầm theo mô hình gia trại, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học phát triển mạnh. Tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 32% trong cơ cấu ngành nông nghiệp.
 
Đến nay, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích đạt 97 triệu đồng. Trong đó, thu nhập bình quân của cây dâu tằm 200 triệu/ha/năm, cây ăn trái khoảng 700 triệu/ha/năm,... Nhiều mô hình kinh tế trang trại của hộ gia đình có diện tích từ 2 - 10 ha, đạt doanh thu trên 5 tỷ/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1,3%, góp phần đưa Đạ Tẻh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
 
Để đưa ngành nông nghiệp huyện có những bước phát triển vượt bậc, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, trong đó giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên đơn vị diện tích đạt 125 triệu đồng vào năm 2025, Đảng bộ huyện Đạ Tẻh đã tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền, vận động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp; phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, mạnh dạn thực hiện các mô hình kinh tế mới, nổi bật, có hiệu quả cao để nhân rộng.
 
Tiếp tục rà soát diện tích các loại cây trồng hiệu quả thấp, đánh giá điều kiện địa hình, thổ nhưỡng, hạ tầng thủy lợi để hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phù hợp. Phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản diện tích cây trồng kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng hiệu quả cao. 
 
Đồng thời, phát triển mở rộng các vùng sản xuất tập trung đối với cây trồng chủ lực của huyện, gồm: Nếp Quýt và lúa chất lượng cao, dâu tằm, cây ăn trái, tre tầm vông, cao su; từng bước xây dựng vùng trồng cây dược liệu; mở rộng diện tích thực hiện quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với cây lương thực, thực phẩm và cây ăn trái. 
 
Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các thiết bị IoT để theo dõi, điều hành, quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản. Đồng thời, cũng như đưa ra nhiều chính sách để thu hút đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng trang trại quy mô lớn, xa khu dân cư, áp dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; không chăn nuôi trong khu vực thị trấn. 
 
Đặc biệt, tập trung phát triển các sản phẩm OCOP từ nông sản của Đạ Tẻh đạt 3 sao trở lên gắn với tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại về thương hiệu và chất lượng các loại nông sản được sản xuất tại Đạ Tẻh.
 
ĐĂNG LỘ