(LĐ online) - Ngày 12/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội nghị triển khai Đề án "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030 ".
(LĐ online) - Ngày 12/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S chủ trì hội nghị triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030 ”.
Quang cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành chức năng, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thành trong tỉnh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn trình bày 7 nhóm nôi dung Đề án. Thứ nhất, kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững trong năm 2020. Thứ hai, tăng cường lực lượng tuần tra, bám sát địa bàn để sớm phát hiện vi phạm, đối tượng vi phạm để ngăn chặn, xử lý. Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng; giải tỏa trồng lại rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 trở lại đây. Thứ tư, hoàn thành và rà soát quy hoạch 3 loại rừng; sắp xếp lại việc giao, thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp. Thứ năm, ổn định dân di cư tự do. Thứ sáu, hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý. Thứ bảy, xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, lãnh đạo huyện Đức Trọng ý kiến nên trao quyền cho cơ quan chuyên trách địa phương tham mưu UBND huyện, thành trồng phủ xanh các loại cây đa mục đích phù hợp trên đất lâm nghiệp, đáp ứng nhu cầu người dân. Lãnh đạo huyện Lâm Hà đề xuất chuyển nguồn kinh phí cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp lấn chiếm sản xuất nông nghiệp sang lập bản đồ công bố công khai. Đồng thời, giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp trồng cây đa mục đích dài hạn để người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, lãnh đạo các huyện Di Linh đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng sớm ban hành quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm chủ rừng ngoài ngân sách khi để xảy ra mất rừng. Huyện Lạc Dương nêu khó khăn về chế độ đãi ngộ đối với lực lượng làm công tác bảo vệ rừng. Huyện Bảo Lâm đề nghị tăng kinh phí trồng cây phân tán hàng năm. Huyện Đam Rông kiến nghị xem xét sớm giải quyết diện tích đất lâm nghiệp của dân di cự do đang sản xuất nông nghiệp…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn trình bày Đề án |
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã hoàn thành Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; khôi phục và phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020- 2025, định hướng đến năm 2030” đầu tiên của khu vực Tây Nguyên. Trong đó, phân công cụ thể trách nhiệm từng sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng bổ sung vào Đề án các nội dung như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững trước ngày 10/12/2020; giải tỏa 334 ha đất lâm nghiệp lấn chiếm từ năm 2016 đến nay để hoàn thành hồ sơ, triển khai trồng rừng vào quý 2/2021; đề xuất Trung ương giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp thành rừng thời hạn 50 năm cho người dân…
VĂN VIỆT