Tiên phong hướng bà con làm theo

06:11, 20/11/2020

"Luôn nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm trong công việc và tích cực với hoạt động của địa phương, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi", đó là lời nhận xét của ông Phạm Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận đánh giá về anh K' Brao...

“Luôn nhiệt tình, năng nổ, trách nhiệm trong công việc và tích cực với hoạt động của địa phương, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi”, đó là lời nhận xét của ông Phạm Văn Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Bảo Thuận đánh giá về anh K’ Brao - Khuyến Nông viên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi Bảo Thuận, Bí thư Chi bộ thôn Hàng Ùng.
 
Thỏ và gà là loài vật nuôi đang được bà con xã Bảo Thuận quan tâm phát triển
Thỏ và gà là loài vật nuôi đang được bà con xã Bảo Thuận quan tâm phát triển
 
Đảm nhận công tác khuyến nông đã nhiều năm và hưởng ứng cuộc vận động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2019, anh K’Brao được tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX chăn nuôi Bảo Thuận và luôn làm tốt công tác nông nghiệp tại địa phương. Trong năm 2020, Bảo thuận đã hoàn thành vượt kế hoạch chương trình tái canh cà phê (đạt 104%), diện tích trồng xen cây ăn quả các loại gồm sầu riêng, bơ, mắc ca, mít được 137 ha. “Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đầu tư hỗ trợ 1.800 con giống gà lạc thủy cho 5 hộ dân tham gia, qui mô từ 300 con/mô hình, với tổng kinh phí thực hiện trên 180 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ trên 130 triệu đồng, số tiền còn lại do Nhân dân đối ứng. Sau khi thực hiện thành công, hiện nay nhiều hộ duy trì và phát triển nuôi gà, đồng thời nhân rộng mô hình nuôi thỏ”, anh K’Brao cho biết.
 
Hiện nay, trên địa bàn xã Bảo Thuận, thỏ và gà là loài vật nuôi đang được bà con quan tâm phát triển so với đàn gia súc như: trâu, bò và dê. Bởi đây là loài vật nuôi khá phù hợp với người dân nghèo, có vốn đầu tư ít. Theo thống kê, trên địa bàn xã Bảo Thuận đã có trên 55 hộ nuôi thỏ với tổng đàn trên 5.500 con và có trên 2.000 con gà lạc thủy nuôi theo qui mô từ 200 con trở lên/hộ.
 
Anh K’Brao cho biết thêm, là cán bộ khuyến nông, mình thường xuyên gần gũi, tìm hiểu để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con trên địa bàn về những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp, từ đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã. Bên cạnh đó, mình phải đi đầu trong mọi công việc để bà con thấy được hiệu quả, từ đó bà con sẽ làm theo. 
 
Song song với việc phát triển nuôi 600 con gà lạc thủy, hiện anh K’Brao cũng đã phát triển 12 thỏ cái, 150 thỏ giống để cung cấp cho bà con trên địa bàn. Đồng thời, anh K’Brao đã mở rộng thêm chuồng trại để chuẩn bị nuôi giống gà Ai Cập lấy trứng.
 
Thấy mô hình chăn nuôi gà, nuôi thỏ của HTX chăn nuôi Bảo Thuận từng bước mang lại hiệu quả, nhiều người dân trên địa bàn xã đã đến tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và được anh K’ Brao tận tình chia sẻ, với mong muốn giúp đỡ những hộ đặc biệt khó khăn có thêm nguồn thu nhập, tìm lối thoát nghèo. 
 
Là hộ nghèo, gia đình đông người, đất đai sản xuất hạn chế, nên gia đình anh K’Bil ở thôn Hàng Piơr đã mạnh dạn dựng chuồng trại nuôi thỏ để có thêm nguồn thu nhập. Đến nay, gia đình anh K’Bil đã phát triển lên 9 con thỏ cái và gần 90 con thỏ thương phẩm.
 
Tương tự, trước đây gia đình ông K’Klụi ở thôn Ta Ly nuôi heo, nhưng từ khi xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi ông đã đến HTX để tìm hiểu và chuyển sang mô hình nuôi thỏ. “Thấy thỏ là loài vật nuôi dễ tính, tăng đàn nhanh và phát triển tốt, giá cả và đầu ra trên thị trường khá ổn định, nguồn thức ăn cũng khá đơn giản, dồi dào. Sau một thời gian nuôi, từ 10 thỏ cái ban đầu hiện gia đình tôi đã nhân giống lên đến 35 thỏ cái.”, ông K’Klụi cho biết.
 
Với mong muốn giúp bà con thoát nghèo, ổn định đời sống, anh K’Brao luôn nhiệt tình truyền đạt lại kiến thức khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất mà mình đã tích lũy được để chia sẻ với bà con. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, lạc hậu để tăng thêm nguồn thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
 
“Trong thời gian tới, HTX sẽ mời chuyên gia về tập huấn khoa học - kỹ thuật chăn nuôi, nhất là nuôi thỏ cho bà con xã viên và người dân. Đồng thời sẽ cung cấp nguyên vật liệu, thuốc thú y cho bà con có nhu cầu; tổ chức liên kết với các thương lái, doanh nghiệp, ký kết hợp đồng nhận thu mua, bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo ổn định giá cả cho người chăn nuôi...”, anh K’Brao cho biết. 
 
NDONG BRỪM