Thông lệ thì mỗi tác giả sau khi hoàn thành một tác phẩm sẽ ký hoặc gắn, khắc tên mình vào tác phẩm đó, ngầm ý rằng "nó do tôi khai sinh"...
Thông lệ thì mỗi tác giả sau khi hoàn thành một tác phẩm sẽ ký hoặc gắn, khắc tên mình vào tác phẩm đó, ngầm ý rằng “nó do tôi khai sinh”. Nhưng trên thực tế cũng gặp những ngoại lệ, như bức tượng Lang Biang ở Khu Du lịch Lang Biang, tác giả không gắn tên mình vào tượng, thành ra ai là tác giả bức tượng vẫn còn bí ẩn với rất nhiều người.
|
Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bên bức tượng Lang Biang của tác giả Văn Phong |
Năm 2012, trong một lần dẫn nhóm du khách TP Hồ Chí Minh tham quan núi Lang Biang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương), nơi có tượng chàng Lang và nàng Biang nổi tiếng, tôi thấy du khách Lê Thị Mai tỏ ra khá quan tâm đến bức tượng. Bà lặng ngắm bức tượng đôi trai gái người K’Ho đặt trên đỉnh núi khá lâu, rồi đột nhiên quay sang tôi và hỏi: “Anh có biết ai là người tạc bức tượng này không? Tượng khá đẹp đấy!”. Giải thích thêm cho câu hỏi của bà Mai, bà Đỗ Thị Nga, người cùng nhóm du khách, nói chêm vào: “Bà Mai là họa sĩ thiết kế sân khấu, trước đây công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghỉ hưu, bà vào TP Hồ Chí Minh sống cùng con cháu”.
Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe một người hỏi về tác giả bức tượng Lang Biang. Tôi cũng không biết ai là tác giả của bức tượng này nhưng cũng liều hứa với bà Mai sẽ cố gắng tìm hiểu để có câu trả lời. Sau đó, hễ gặp người trong giới mỹ thuật, tôi đều gắng hỏi tác giả tượng. Và, kết quả thu được chỉ là những cái lắc đầu.
Bẵng đi một thời gian dài, nửa đầu tháng 4 năm 2020, tôi tình cờ đọc trên trang Facebook cá nhân của họa sĩ Vi Quốc Hiệp (hội viên Hội Mĩ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng) kể lại câu chuyện liên quan đến nhà điêu khắc đã tạc bức tượng huyền thoại chàng Lang và nàng Biang. Tôi như gỡ được gánh nặng đeo đẳng suốt 8 năm mà chưa tìm ra đáp án nên lập tức liên hệ với họa sĩ Vi Quốc Hiệp. Ông cho biết: “Tác giả bức tượng Lang Biang là Văn Phong, một người làm điêu khắc tài tử, chủ nhân cửa hàng điêu khắc và thạch cao ở Chợ La Sơn Phu Tử, TP Đà Lạt. Tôi không nhớ chính xác là năm 1997 hay năm 1998, chỉ biết trong khoảng thời gian đó, Văn Phong đã đến Sở Văn hóa và Thông tin Lâm Đồng nhờ tôi lên đỉnh núi Lang Biang xem bức tượng, nếu cần chỉnh sửa gì thì góp ý để tác giả chỉnh sửa. Thời điểm ấy, tôi đang là Ủy viên Thường trực Ban Giám khảo tượng đài của tỉnh Lâm Đồng”.
Theo họa sĩ Vi Quốc Hiệp kể, khi ông cùng tác giả Văn Phong lên đến đỉnh núi Lang Biang thì đã thấy bức tượng chàng Lang và nàng Biang gần hoàn chỉnh. “Cải tạo dáng tượng lúc này là điều không thể vì tượng đã làm gần xong. Tôi chỉ góp ý với tác giả Văn Phong về một số chi tiết sai như xương tay, dáng các bắp tay, chi tiết mặt của hai nhân vật, dáng váy, v.v... May là Văn Phong có tay nghề đắp tượng khá vững nên hình khối tượng không đến nỗi nào. Và, đó cũng là lần góp ý duy nhất của tôi về bức tượng Lang Biang”, họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho hay.
Thật vậy, kể từ thời điểm họa sĩ Vi Quốc Hiệp góp ý chỉnh sửa một số chi tiết của bức tượng Lang Biang cho đến nay, ai đến Khu Du lịch Lang Biang cũng đều thừa nhận, tượng chàng Lang và nàng Biang là một điểm nhấn ấn tượng, cho thấy đánh giá của họa sĩ Vi Quốc Hiệp về tay nghề Văn Phong hoàn toàn có cơ sở. Nhưng tác giả làm ra bức tượng này, giờ đây đang ở đâu thì không một ai rõ đã đi đâu, kể cả họa sĩ Vi Quốc Hiệp. Tôi cũng nhiều lần đến Chợ La Sơn Phu Tử ở TP Đà Lạt hỏi thăm chủ nhân cửa hàng điêu khắc và thạch cao Văn Phong nhưng người dân ở đây cho biết ông đã chuyển đi nơi khác. Họa sĩ Vi Quốc Hiệp bảo: “Hiện tại, tôi không biết Văn Phong đang sống ở đâu. Bởi vì nếu tính từ thời điểm tôi góp ý cho Văn Phong chỉnh sửa một số chi tiết của bức tượng Lang Biang đến nay đã hơn 20 năm rồi còn gì!”.
Như việc không gắn tên mình vào tượng Lang Biang khiến nhiều người không thể biết tác giả của bức tượng là ai, cũng vậy họa sĩ tài tử Văn Phong nay đang ở đâu vẫn là một... bí ẩn!
TRỊNH CHU