Luôn sống gần gũi, hòa đồng và rất khiêm tốn, ông K' Đép - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn B'Kọ, xã Lộc An (Bảo Lâm) còn được biết đến là đảng viên gương mẫu, tận tụy trong hoạt động xã hội...
Luôn sống gần gũi, hòa đồng và rất khiêm tốn, ông K’ Đép - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn B’Kọ, xã Lộc An (Bảo Lâm) còn được biết đến là đảng viên gương mẫu, tận tụy trong hoạt động xã hội, là một trong những gương điển hình tiêu biểu làm “điểm tựa” cho người dân của bon trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
|
Ông K’ Đép ghép và kiểm tra giống cây sầu riêng để cung cấp cho thị trường trong mùa vụ tới |
Là đảng viên đã có thâm niên trên 30 năm làm Trưởng thôn rồi Trưởng ban Công tác Mặt trận và hiện ông K’Đép được tín nhiệm tiếp tục bầu giữ chức Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn B’Kọ. Ông K’ Đép bày tỏ, với trách nhiệm của người đảng viên làm công tác vận động quần chúng, để bà con noi theo, việc đầu tiên bản thân và gia đình luôn gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương.
Có lẽ, với suy nghĩ đó nên sau khi về hưu không còn tiếp tục gắn bó với nghề giáo, ông K’ Đép cùng gia đình tập trung phát triển kinh tế. Ông K’Đép bộc bạch: “Diện tích đất đai rất hạn chế, nên phải có tư duy trong phát triển kinh tế để định hướng cho bà con. Vì vậy, chúng tôi chọn giải pháp đa canh các loại cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, bơ, mít để nâng cao về chất và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Với cách làm này không chỉ riêng gia đình tôi, mà các gia đình khác trong thôn cũng đã có cuộc sống khá ổn định”.
Sau khi chia cho con cái mỗi người vài sào đất, hiện ông K’Đép chỉ còn lại 1,2 ha. Số diện tích này đến nay đã được gia đình ông thực hiện chuyển đổi bằng hình thức ghép chồi và tái canh giống cà phê cao sản kết hợp trồng xen canh 50 cây sầu riêng và bơ 40 cây.
Theo ông K’ Đép, muốn làm kinh tế hiệu quả đòi hỏi người nông dân phải biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, nhất là đối với cây sầu riêng. Trong khâu chăm sóc cần áp dụng đúng quy trình KHKT theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây. Đồng thời, cần chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh gây hại… Để cây trồng đạt năng suất cao, ngoài tưới nước hợp lý, sử dụng các loại phân vi sinh, phân sinh học bón trực tiếp cho cây hoặc bón qua lá để tạo rễ xanh cây...; hàng năm phải thường xuyên bón phân chuồng cho cây để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển. “Trước đây, ông K’ Đép học ở Trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc nên ngoài kiến thức học được ông còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm những người đi trước, người chuyên ngành nông nghiệp để vận dụng vào vườn cây trồng của gia đình. Vì vậy, cây trồng đều cho năng suất cao. Năm 2016, từ nguồn thu sầu riêng gia đình ông K’Đép đã xây dựng nhà cửa khang trang trị giá khoảng 700 triệu đồng”, ông K’Béo - Trưởng thôn B’Kọ cho biết.
Với 1,2 ha đất sản xuất, mỗi năm bình quân gia đình ông K’Đép thu 6 tấn cà phê nhân, bơ cũng bắt đầu cho thu bói. Riêng từ 20 cây sầu riêng đã cho kinh doanh thu từ 130 - 250 triệu đồng/năm. Thấy hiệu quả từ trồng sầu riêng và nhu cầu về cây giống tại địa phương, những năm qua ông K’Đép đã mở cơ sở sản xuất và cung ứng cây giống có chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu về cây giống tốt, giúp cho bà con lựa chọn cây giống phù hợp và giá cả hợp lý. Riêng năm 2019, gia đình ông đã cung cấp 8.000 cây sầu riêng giống, bơ, cà phê ghép có chất lượng không chỉ cho bà con dân tộc thiểu số (DTTS) trong thôn mà còn cung cấp cho một số địa phương khác như: huyện Đạ Huoai, Di Linh, Đơn Dương và tỉnh Đắk Nông.
Là một trong những người làm “đầu tàu” phát triển kinh tế ở địa phương, ngoài hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, KHKT canh tác, nhất là đối với cây sầu riêng, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, ông K’ Đép còn hỗ trợ những hộ khó khăn bằng cách bán cây giống theo hình thức trả chậm... Đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS ở B’Kọ đã mạnh dạn chuyển đổi giống mới có giá trị kinh tế cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng ứng dụng KHKT vào sản xuất; từng bước tìm hiểu, học kinh nghiệm ông K’Đép cho sầu riêng ra hoa và cho trái nghịch vụ để bán được giá. Nhờ sản xuất đa canh, đến nay nhiều gia đình đồng bào DTTS ở bon B’Kọ đã cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giả, số hộ nghèo và cận nghèo đã giảm đáng kể. Có được kết quả đó ngoài sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương thì một phần cũng nhờ công lao của ông K’Đép và tập thể Chi bộ, Ban Nhân dân thôn B’Kọ.
NDONG BRỪM