Đưa mắc ca xen vườn cà phê

06:12, 14/12/2020

Năm 2020, bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai mô hình "Trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (741, 800, 695, 900) vùng Tây Bắc và Tây Nguyên"...

Năm 2020, bằng nguồn vốn của Trung tâm Khuyến nông quốc gia; Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông lâm sản chế biến phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai mô hình “ Trồng thâm canh cây mắc ca bằng các giống tiến bộ kỹ thuật (741, 800, 695, 900) vùng Tây Bắc và Tây Nguyên” tại huyện Lâm Hà. Trên 50 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở hai xã Gia Lâm, Mê Linh đã được tiếp cận với giống cây trồng này.
 
Giao cây mắc ca giống cho bà con
Giao cây mắc ca giống cho bà con
 
Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, người trực tiếp thực hiện dự án cho biết, bà con được hỗ trợ 100% giá trị cây giống, phân bón và do nông hộ chưa quen chăm sóc cây mắc ca nên cán bộ kỹ thuật đã bám sát địa bàn hướng dẫn nông dân trồng, chăm sóc cây mắc ca. Mô hình chủ yếu là trồng mắc ca xen trong vườn cà phê với diện tích xấp xỉ 30 ha.
 
Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà, chính quyền địa phương hai xã Gia Lâm, Mê Linh kiểm tra vườn cà phê để trồng xen cây mắc ca, chọn hộ, cấp cây giống, vật tư cho các nông hộ tham gia mô hình. Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, thu hoạch bảo quản hạt mắc ca cho 30 người dân tham gia mô hình. Trong quá trình tập huấn đã hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca theo từng giai đoạn. Nông dân được đi tham quan mô hình trồng cây mắc ca năm 2013 đang cho thu hoạch tại địa phương. Bà con trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mắc ca, thu hoạch bảo quản hạt mắc ca với chủ vườn; tận mắt thấy cây mắc ca và hiệu quả kinh tế của mô hình. Qua hướng dẫn “đầu bờ”, bà con nông dân tham gia mô hình đã nắm bắt kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca; nhận thức được khi trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giảm rủi ro về thị trường, tăng độ che phủ đất, trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê còn góp phần canh tác cà phê bền vững.
 
Trong quá trình triển khai, chính quyền các cấp kết hợp với Hội Nông dân đồng hành rất gắn bó với nông dân. Và với sự tích cực của các nông hộ tham gia mô hình, đến nay mô hình đã đạt kết quả tốt. Mô hình cây mắc ca có tỷ lệ sống 98%, cây cao 1,2 m. Nhìn chung cây mắc ca ít bị sâu bệnh hại, một số cây bị rệp ở lá ngọn non gây hại, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn phòng trừ kịp thời nên không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây mắc ca. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp, cùng với sự đầu tư chăm sóc của bà con nên cây mắc ca sinh trưởng tốt. Khó khăn là trình độ của bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên việc tiếp thu kiến thức còn chậm.
 
Tại Lâm Hà nói riêng, Lâm Đồng nói chung có nhiều diện tích mắc ca đã cho năng suất khoảng 30 - 40 kg hạt/cây, chứng tỏ cây mắc ca thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Tại Lâm Hà đã có Công ty TNHH Nông sản Huy Hiếu và nhiều cơ sở thu mua, chế biến hạt mắc ca; đây sẽ là thuận lợi để bà con yên tâm về đầu ra trong sản xuất mắc ca. Sản phẩm là nhân mắc ca giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao và thời gian trồng, cho thu hoạch dài trong khoảng 40 - 60 năm, công việc chăm sóc cũng đơn giản hơn so với các loại cây trồng khác. Việc trồng cây mắc ca xen trong vườn cà phê sẽ mở ra hướng làm ăn mới, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, vừa góp phần tăng độ che phủ đất vì cây mắc ca có tán lớn và xanh quanh năm. Hiện nay, diện tích vườn cà phê để trồng xen cây mắc ca còn nhiều, bà con nông dân có nhu cầu trồng cây mắc ca; bà con đề nghị Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng hỗ trợ mô hình trồng cây mắc ca vào năm 2021, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
 
Ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ kỹ thuật TTKN Lâm Đồng cho biết, cây mắc ca là giống cây lâm nghiệp mới đa tác dụng, khi trồng cần chú ý tới quy trình canh tác từ khi xuống giống cho tới khi tỉa cành tạo tán. Chủ động phòng ngừa, trừ sâu bệnh hại cho cây bằng các biện pháp sinh học như dùng bẫy đèn, treo miếng có keo dính màu vàng để dẫn dụ côn trùng; treo chất xua đuổi côn trùng, dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để cây mắc ca phát triển tốt.
 
DIỆP QUỲNH