Đó là hợp tác xã của tập thể những người phụ nữ vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên sản xuất kinh doanh. HTX Đan len Quý Anh đã và đang trưởng thành giữa đất B'Lao, mang lại thu nhập ổn định cho những người phụ nữ với đôi bàn tay khéo léo.
Đó là hợp tác xã (HTX) của tập thể những người phụ nữ vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên sản xuất kinh doanh. HTX Đan len Quý Anh đã và đang trưởng thành giữa đất B’Lao, mang lại thu nhập ổn định cho những người phụ nữ với đôi bàn tay khéo léo.
|
Bà Trần Thị Diện (bên trái) và người lao động HTX Quý Anh |
Bà Trần Thị Diện, Giám đốc HTX Đan len Quý Anh nhớ lại những ngày đầu thành lập. Năm 2015, 20 chị em từng làm việc tại các công ty may mặc trên địa bàn thành phố Bảo Lộc tập hợp nhau lại, thành lập HTX Đan len Quý Anh. Hoạt động chủ yếu của HTX là sản xuất, gia công các mặt hàng len, sợi. Ban đầu, chỉ mong sản xuất được 10 ngàn sản phẩm/năm, mang lại chút thu nhập cho chị em đang thiếu việc làm. Cùng thời gian, từ bàn tay chăm chỉ và vài chiếc máy dệt đơn giản, HTX Quý Anh đã thay da đổi thịt, trở thành một tập thể mạnh mẽ.
Bà Trần Thị Diện nhớ lại, ban đầu HTX chỉ có một vài máy dệt, máy ghép mối đơn giản. Bà và chị em tìm mọi mối hàng, nhận gia công các mặt hàng len, sợi. Từ hàng trong nước tới hàng ngoại, chị em của HTX chăm chỉ làm việc, đảm bảo thời gian thực hiện hợp đồng chặt chẽ, chất lượng hàng hóa bảo đảm. Từng đường chỉ, mối nối được chăm chút, được khách hàng tin tưởng. Bà Diện chia sẻ: “Dệt len là công việc rất phù hợp với bàn tay của người phụ nữ. Vì vậy chúng tôi đã phát triển rất ổn định, hàng hóa ngày càng nhiều, đối tác ngày càng mở rộng trong và ngoài nước”. Và hôm nay, HTX đan len Quý Anh đã trở thành một đơn vị hoạt động ổn định và hiệu quả. Đơn hàng ngày càng nhiều, HTX tăng cường đào tạo nghề vùng nông thôn, dạy nghề cho chị em để chị em tham gia sản xuất. Tất cả chị em có nhu cầu đều được dạy nghề, tận dụng thời gian rảnh rỗi tham gia sản xuất. Thành viên tham gia lao động trong HTX có thể nhận sản phẩm mang về gia công tại nhà giúp chị em tận dụng thời gian nhàn rỗi; một số công đoạn như dệt, linking, thành viên tập trung sản xuất tại xưởng của HTX. Ngoài ra, 5 năm qua, HTX đã phát triển mạng lưới đi các huyện thông qua hình thức thành lập tổ hợp tác như Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đức Trọng, Đà Lạt, Bảo Lộc. Các tổ trưởng tổ hợp tác có trách nhiệm nhận sản phẩm, kiểm tra và giao nhận. Hàng hóa của HTX đi khắp nơi, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động. Năm 2019, HTX sản xuất ra 370 ngàn sản phẩm xuất đi các thị trường trong nước. Năm 2020, dù gặp khó khăn do dịch COVID -19, HTX vẫn sản xuất được trên 300 ngàn sản phẩm, trong đó có tham gia xuất khẩu.
Từ ban đầu rất đơn sơ, hiện tổng tài sản của HTX đến nay gồm 2 xe ô tô, 50 máy dệt linking các loại, 5 máy vắt sổ, 3 máy may công nghiệp...; tổng vốn hoạt động 5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Từ ban đầu 20 thành viên, sau gần 5 năm đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả, đến nay HTX đang giải quyết cho hơn 100 công nhân lao động tại thành phố Bảo Lộc và các huyện lân cận. Trong quá trình hoạt động, HTX không khỏi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng đồng hành cùng với đội ngũ Ban giám đốc, tinh thần đoàn kết của thành viên, sự tin tưởng của lao độngđã giúp HTX vượt qua mọi khó khăn trong để đạt được kết quả. Năm 2019, doanh thu đạt 10 tỷ đồng tăng 50 % so với cuối năm 2015, HTX nộp ngân sách nhà nước trong 05 năm là 4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động tham gia trong HTX 7 triệu đồng/ tháng, HTX tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho 16 thành viên đồng thời là lao động trong HTX.
Ông Bùi Quang Tùng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh đánh giá rất cao HTX Đan len Quý Anh. Ông nhận xét, Ban giám đốc HTX và toàn thể thành viên rất đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhạy bén trong tìm kiếm thị trường, đào tạo công nhân lao động. Từ sự nỗ lực của Ban Giám đốc, HTX đã trở thành đơn vị làm ăn hiệu quả, là điểm sáng trong kinh tế tập thể Lâm Đồng.
DIỆP QUỲNH