Ngoài việc đa dạng cây trồng, vật nuôi, những năm qua, bà con nông dân xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) đã chú trọng sản xuất mặt hàng nông sản "sạch", an toàn để xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của địa phương.
Ngoài việc đa dạng cây trồng, vật nuôi, những năm qua, bà con nông dân xã Đinh Lạc (huyện Di Linh) đã chú trọng sản xuất mặt hàng nông sản “sạch”, an toàn để xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường, từng bước nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm của địa phương.
|
Sầu riêng là nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Văn Hóa |
Đinh Lạc được biết đến là một trong những địa phương của huyện Di Linh thực hiện tốt việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao nguồn thu nhập. Cùng với các sản phẩm từ chăn nuôi bò sữa (HTX bò sữa), bò thịt, lợn và gia cầm, đến nay địa phương đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Trái cây sạch Đinh Lạc để từng bước hướng bà con nông dân thay đổi tư duy canh tác thân thiện với môi trường và sản xuất theo quy chuẩn VietGAP, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Văn Hóa - Giám đốc HTX Trái cây sạch Đinh Lạc: “Việc thành lập HTX nhằm hướng đến đích là thúc đẩy sản xuất và giải quyết được những khó khăn về thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản sầu riêng, bơ… Chúng tôi hướng tới mục tiêu phát triển nông sản “sạch”, bền vững, theo quy chuẩn của VietGAP, nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Từ đó, không những giúp bà con nông dân yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập mà còn giải quyết được những vấn đề nhức nhối về sản phẩm không rõ xuất xứ, nguồn gốc, không đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, là địa phương có thế mạnh cây cà phê, nhưng do giá cả cà phê trên thị trường không ổn định; một số mặt hàng nông sản trái cây như sầu riêng, bơ, mắc ca phát triển và cho năng suất tốt, giá cả ổn định ở mức khá cao, đảm bảo cuộc sống cho người nông dân. Mặt khác, trước thực trạng một số mặt hàng nông sản không rõ ràng về nguồn gốc, thương hiệu được bày bán trên thị trường, thì việc thành lập HTX, xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá giá trị sản phẩm nông sản có thế mạnh của địa phương đến với thị trường là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, địa phương đã chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia và đi đến thành lập HTX. “Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nông dân trên địa bàn xã cũng như qua nhiều đợt gặp gỡ, tuyên truyền, vận động xây dựng nông sản sạch, an toàn, chúng tôi thấy họ rất quan tâm và nhu cầu của bà con nông dân muốn vào HTX là rất lớn. Tuy nhiên, qua các bước, dựa trên các tiêu chí tuyển chọn hiện HTX chúng tôi chỉ mới kết nạp được 13 thành viên”, ông Trương Văn Huyền - Phó Giám đốc HTX Trái cây sạch Đinh Lạc cho biết.
Với 13 thành viên hiện tại, vùng nguyên liệu của HTX có gần 30 ha chủ yếu là cây sầu riêng, bơ và mắc ca, trong đó đã có 10 ha của 9 thành viên đã được công nhận sản xuất áp dụng theo quy trình VietGAP. Ngoài số diện tích còn xen canh với cà phê, có một số hộ đã phát triển chuyên canh cây ăn trái.
Do diện tích đất sản xuất khá lớn (khoảng 10 ha), nên khi chuẩn bị thành lập HTX, ông Nguyễn Văn Hóa đã bán bớt 5 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh để có thời gian chuyên tâm vào vườn cây ăn trái. Với 4 ha chuyên canh cây sầu riêng, bơ, bình quân ông Hóa cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn quả/năm. Ông Nguyễn Văn Hóa - Giám đốc HTX Trái cây sạch Đinh Lạc, chia sẻ: “Trước khi thành lập HTX thì tôi đã sản xuất theo hướng hữu cơ. Nguồn phân và thuốc phòng trừ bệnh cho cây trồng tôi dùng chủ yếu phân hữu cơ, sinh học và hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân vô cơ, sản phẩm cung cấp cho thị trường phải đảm bảo sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng”.
Còn ông Ngô Văn Chung, thành viên của HTX Trái cây sạch Đinh Lạc bộc bạch, hiện nay nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được người tiêu dùng, xã hội quan tâm. Vì vậy, xác định vào HTX là để gia đình và bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác cũ, từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật, hướng đến sản xuất theo quy chuẩn VietGAP. Làm được như vậy mới xây dựng được sản phẩm nông sản sạch, có chất lượng. Bên cạnh đó, giúp nâng cao nguồn thu nhập, ổn định đời sống của người nông dân. Hiện với diện tích trên 1 ha, gia đình ông Ngô Văn Chung đã trồng 200 cây bơ và 150 cây sầu riêng, trong đó đã có trên 60 cây trồng cho thu hoạch ổn định.
Trao đổi về chiến lược phát triển của HTX trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hóa cho biết: Với khoảng 30 ha đất sản xuất, dự tính, trong năm 2021, đơn vị sẽ thu khoảng 100 tấn quả, trong đó có sầu riêng đạt từ 60 - 70 tấn, còn lại là bơ. Định hướng sau này khi vùng nguyên liệu phát triển lên đến 40 ha cho thu hoạch ổn định (với khoảng 21 thành viên tham gia), mỗi năm ước tính HTX sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 260 tấn quả, trong đó sầu riêng đạt khoảng 200 tấn, còn lại bơ khoảng 60 tấn. Để đạt được mục tiêu trên, cùng với việc từng bước tháo gỡ những khó khăn nhất là về kiến thức khoa học - kỹ thuật chăm sóc cây trồng và đầu ra cho sản phẩm, HTX Trái cây sạch Đinh Lạc đang tập trung tổ chức cơ cấu sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu theo hướng quy mô; đồng thời đẩy mạnh tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; kết hợp với ngành nông nghiệp địa phương, các chuyên gia về sản xuất nông nghiệp sẽ tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ để kịp thời chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cho các thành viên, xã viên; cung cấp các sản phẩm dịch vụ đảm bảo chất lượng, an toàn hướng theo quy chuẩn chất lượng VietGAP. Qua đó, tất cả các sản phẩm nông sản làm ra luôn được thị trường đón nhận, từng bước nâng cao thu nhập cho các gia đình xã viên và người lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
NDONG BRỪM