Lưu giữ văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số

06:12, 28/12/2020

Ở thôn Đưng Trang, xã Đưng K'Nớ, huyện Lạc Dương, trong mỗi nếp nhà, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn truyền tay nhau gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.

Ở thôn Đưng Trang, xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương, trong mỗi nếp nhà, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn truyền tay nhau gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
 
Tại thôn Đưng Trang, xã Đưng K’Nớ, người dân vùng đồng bào vẫn truyền nhau gìn giữ và phát huy văn hóa nấu rượu cần, dệt thổ cẩm của dân tộc mình
Tại thôn Đưng Trang, xã Đưng K’Nớ, người dân vùng đồng bào vẫn truyền nhau gìn giữ và phát huy văn hóa nấu rượu cần, dệt thổ cẩm của dân tộc mình
 
Duy trì nghề dệt thổ cẩm
 
Với những người phụ nữ ở thôn Đưng Trang, ngoài việc lên rẫy làm cà phê, thì thời gian nhàn rỗi họ bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để phục vụ cho gia đình hoặc kiếm thêm thu nhập. Tại đây, có những bàn tay tài hoa đang ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình, giữ màu cho nghề dệt truyền thống của người K’Ho trên mảnh đất này.
 
Theo tục lệ, các cô gái K’Ho đều được bà và mẹ chỉ cho cách dệt vải thổ cẩm từ lúc 12 - 13 tuổi để khi đi lấy chồng, các cô phải tự dệt cho mình một bộ y phục thật đẹp ra mắt mọi người. Và đó cũng là cách thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người con gái K’Ho.
 
Bên khung dệt, mặc dù sức đã yếu, mắt đã mờ nhưng đôi bàn tay thoăn thoắt của bà Bon Niêng K’Glàng (80 tuổi) vẫn “chuyên nghiệp” luồn con thoi qua những tấm thổ cẩm với những đường dệt cầu kỳ, đầy sắc sảo. Bà K’Glàng tâm sự: “Lúc trước con gái trong làng ai cũng học và biết dệt thổ cẩm. Muốn dệt được một tấm vải đẹp, một chiếc khăn, hay áo đẹp cần phải có đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Những ngày đầu dệt mình làm sai và hỏng họa tiết rất nhiều, vì thế để làm được một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh cần phải có thời gian. Quen dần, tôi bắt đầu tự sáng tạo họa tiết khác nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của người K’Ho”.
 
Cũng giống như bà K’Glàng, trong căn nhà nhỏ, chị Bon Niêng K’Nghe (40 tuổi) dành riêng một góc nhà để lưu giữ lại nghề truyền thống của mẹ để lại. Bên khung cửi, chị K’Nghe cho hay: “Bố mẹ mất từ khi còn nhỏ, nên chị ở với dì ruột. Dì tôi là người đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ lâu và dì cũng chính là người đã truyền cảm hứng để tôi có thể gắn bó với nghề dệt cho tới bây giờ. Mặc dù nhiều lúc tôi không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng tranh thủ vào những lúc nhàn rỗi tôi vẫn được dì hướng dẫn thêm để lên tay nghề. Bởi, bản thân tôi vẫn luôn suy nghĩ về một điều xa xôi hơn rằng khi các bà, các mẹ, các dì không còn đủ sức để tiếp tục nghề dệt, thì chúng tôi - những thế hệ trẻ phải là người duy trì và tiếp nối nghề truyền thống ấy”. 
 
Từ xưa đến nay, những tấm thổ cẩm là thứ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc K’Ho nói riêng. Trưởng thôn Bon Niêng Ha Liêng cho biết: “Hầu hết phụ nữ trong thôn đều biết dệt thổ cẩm và nhiều năm qua, đó cũng là một trong những nghề giúp bà con có thêm thu nhập. Để nghề phát huy và lưu giữ nghề truyền thống, bà con trong vùng tranh thủ thời gian rảnh họ sẽ ngồi lại cùng nhau và truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ con cháu với tâm nguyện sẽ có người tiếp nối, gìn giữ và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình”.
 
“Giữ lửa” nấu rượu cần
 
Gần nửa đời người gắn bó với nghề nấu rượu cần gia truyền của dòng họ, ông Bon Niêng Ha Ời (60 tuổi) vẫn tự nấu rượu cần để phục vụ cho gia đình vào các dịp lễ Giáng sinh hay Tết Nguyên đán. Được chế biến theo công thức truyền thống độc đáo của đồng bào K’Ho với những nguyên liệu chọn lọc trong tự nhiên nên rượu cần của gia đình ông được biết đến là loại rượu thơm ngon. 
 
Rượu cần truyền thống của người K’Ho được làm từ cơm gạo lúa rẫy, ủ bằng men làm từ củ, thân, lá cây rừng, có độ cồn thấp, mùi thơm, tinh khiết. Để có chất lượng rượu ngon, ông Ha Ời luôn giữ bí quyết mà ông học được từ bố mẹ, bên cạnh đó phải giữ nghiêm ngặt các công đoạn, theo một quy trình nhất định, đó là làm men và ủ rượu. 
 
Ông Ha Ời bật mí: Rượu ngon thì điều cốt yếu phải có men tốt. Men truyền thống ủ rượu cần được làm từ củ, thân, lá của 3 loại cây rừng như loại lấy bằng thân cao, lá to như lá mít, hái lấy lá hoặc bằng củ rễ hay lấy vỏ ở thân cây. Tất cả được lấy về, xắt nhỏ, phơi khô, sau đó giã nhuyễn thành bột trộn với bột gạo ngâm, làm thành nắm nhỏ, phơi sấy khô thành men, rồi dùng dần. 
 
Công đoạn làm cơm rượu cũng rất quan trọng. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, cách làm rượu cần truyền thống là nấu cơm gạo, trộn một ít gạo nếp, cơm chín để nguội, trộn men rừng, vỏ trấu và cho vào ché ủ, ủ hơn một tháng là uống được. Cách làm là vậy, nhưng để có được ché rượu ngon thì cần một người có tay nghề cao để đo đúng liều lượng của các loại nguyên liệu, sao cho tất cả vừa đủ. 
 
Theo ông Liêng Hot Ha Mal - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đưng K’Nớ: Để gìn giữ, phát triển văn hóa truyền thống của người K’Ho, thời gian qua, xã đã tạo điều kiện để có các lớp dạy, tổ chức các ngày lễ để người dân gặp gỡ, truyền cảm hứng cho nhau trong lưu giữ văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tại khu vực thôn Đưng Trang, mặc dù là thôn nằm tách biệt với 3 thôn còn lại nhưng việc lưu giữ văn hóa truyền thống của bà con trong đó ít nhiều đã và đang tạo ra nguồn thu nhập trong gia đình. Địa phương cũng đã nắm bắt được tình hình và chủ động thành lập một nhóm người tại đấy để phát huy hiệu quả văn hóa của người dân bản địa. 
 
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương Cao Anh Tú cho biết: Với mục đích góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phục hồi các giá trị văn hóa của các dân tộc gốc Tây Nguyên; trong những năm qua, huyện Lạc Dương đã thành lập nhóm, mở các lớp học truyền dạy nghề, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, mở rộng các hoạt động để giao lưu văn hóa, thu hút một lượng lớn khách du lịch đến địa phương, góp phần phát triển các loại hình dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện nói chung và người dân xã Đưng K’Nớ nói riêng.
 
THÂN HIỀN