Khái niệm về những bến xe thân thiện này được hình thành từ chủ trương xã hội hóa bến xe khách của Chính phủ. Quyết định 12/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 12) đã có tác động rất lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào khai thác bến xe khách...
Khái niệm về những bến xe thân thiện này được hình thành từ chủ trương xã hội hóa bến xe khách của Chính phủ. Quyết định 12/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 12) đã có tác động rất lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tư nhân vào khai thác bến xe khách. Ở Lâm Đồng, ban đầu thực hiện chủ trương này cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đến nay tỉnh đã triển khai khá tốt và tạo ra được những bến xe khách thân thiện trên khắp các huyện, thành của tỉnh.
|
Bến xe Đa Thiện, Đà Lạt. Ảnh: Lê Tiến |
Chủ trương đúng
Theo Quyết định 12, về cơ chế, chính sách thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe khách cho phép hỗ trợ tối thiểu 20% lãi suất vay các tổ chức tín dụng đối với dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng bến xe khách theo hình thức xã hội hóa. Đây được coi là nhân tố chính, là đòn bẩy giúp nhiều nhà đầu tư mạnh dạn hơn để đầu tư vào xây dựng bến xe đạt chuẩn.
Quá trình tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà đầu tư bến xe đều cho rằng, việc Nhà nước quy định chi tiết về chính sách ưu đãi xã hội hóa khai thác bến xe khách, cụ thể như miễn tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích bến xe khách tại các huyện nghèo; hay như đối với các bến xe khách ở khu vực khác thì được miễn tiền thuê đất cho phần diện tích của các hạng mục công trình dịch vụ bắt buộc như là khu vực đón, trả khách, bãi đỗ xe ô tô chờ vào vị trí đón khách, phòng chờ cho hành khách, khu vực làm việc của bộ máy quản lý, khu vực bán vé, khu vệ sinh, đường xe ra, vào, đường nội bộ bên trong bến xe khách, đất dành cho cây xanh, vườn hoa…; Đặc biệt, thu nhập của nhà đầu tư phát sinh từ dự án đầu tư mới bến xe khách ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm… đã hỗ trợ và là những điều kiện hấp dẫn để các nhà đầu tư có niềm tin đầu tư xây dựng bến xe đạt chuẩn, hiện đại ngay cả ở những địa phương xa, địa phương kinh tế còn khó khăn.
Mặc dù, để được hưởng các cơ chế, chính sách nêu trên, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và khai thác bến xe khách theo hình thức xã hội hóa phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, nhưng nhiều địa phương trong tỉnh cũng đều đã kêu gọi và phát triển được mạng lưới bến xe khách khang trang, đảm bảo yêu cầu. Các bến xe xã hội hóa trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư bài bản và đáp ứng được nhu cầu của cả người dân địa phương và của nhà xe kinh doanh dịch vụ vận chuyển.
Ông Võ Quang Vũ - Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông vận tải cho biết: Sau một thời gian thực hiện chủ trương xã hội hóa bến xe khách, đến nay tỉnh Lâm Đồng có 11 bến xe khách thì tất cả số này đều đã được xã hội hóa. Trong đó có địa phương có đến 2 bến xe như Đà Lạt và Lâm Hà. Chỉ còn lại huyện Đạ Huoai hiện tại do vướng về vị trí đất đai nên chưa thực hiện được. Hai huyện là Di Linh và Bảo Lâm thì đang hoàn thiện và cũng sắp đưa vào hoạt động.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Trở lại thời gian trước đây không lâu thôi, ở các huyện vùng sâu, vùng xa, các huyện xa tuyến quốc lộ, việc tìm kiếm địa điểm để mua vé xe, hay bắt xe đi Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh hay một số địa phương khác trong tỉnh khá khó khăn, thì nay ở những vùng này đều đã có bến xe được tư nhân đầu tư khang trang, hợp lý. Chủ trương xã hội hóa bến xe thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo được nề nếp và sự ổn định bến bãi, tour tuyến trong hoạt động vận tải hành khách ở các địa phương, đặc biệt là ở những thành phố lớn.
Nếu như trước đây, nhắc đến bến xe là thường trực với những mối lo lắng về tình hình mất an ninh trật tự, mất vệ sinh,… thì theo ghi nhận của phóng viên ở một số bến xe do tư nhân đầu tư mới đây cho thấy, hầu hết các bến xe đều có dịch vụ dành cho hành khách cũng như dịch vụ dành cho hoạt động của các nhà xe chất lượng và khang trang hơn hẳn. Việc quy hoạch chỗ đậu đỗ, ra vào khá bài bản, hợp lý. Công tác quản lý an ninh trật tự cũng khá tốt. Tại các bến xe, để thu hút khách hàng, các bến xe còn đưa ra nhiều hình thức kinh doanh đa dạng, đi kèm nhiều dịch vụ hợp lý.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, thì việc hình thành các bến xe khách với chất lượng được nâng lên như thời gian qua đã góp phần rất lớn vào việc giữ gìn an ninh trật tự đô thị, kéo giảm đáng kể tình trạng xe dù, bến cóc, hoạt động chèo kéo, tranh giành khách. Bên cạnh đó, cũng gần như xóa bỏ hoàn toàn hình ảnh của những bến xe nhếch nhác, không thân thiện. Điều này cho thấy hiệu quả rất lớn của chủ trương xã hội hóa bến xe mang lại đối với công tác quản lý của nhà nước và xã hội.
NGUYỄN NGHĨA