Thoát nghèo bền vững nhờ nuôi bò sinh sản

04:12, 25/12/2020

Với mong muốn tạo sinh kế giúp người nghèo phát triển sản xuất, Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng đã triển khai mô hình "Nuôi bò sinh sản xóa nghèo"...

Với mong muốn tạo sinh kế giúp người nghèo phát triển sản xuất, Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng đã triển khai mô hình “Nuôi bò sinh sản xóa nghèo”. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình đã giúp không ít hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo của địa phương.
 
Gia đình bà Dạ là một trong số rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản xóa nghèo”
Gia đình bà Dạ là một trong số rất nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản xóa nghèo”
 
Trao “cần câu” giảm nghèo bền vững 
 
Theo chân Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Dạ (62 tuổi), thôn Finôm. Trong ngôi nhà mùi sơn còn mới, bà Dạ mừng rỡ khoe căn nhà vừa mới xây hết 180 triệu đồng, điều mà trước đây có mơ bà cũng không dám nghĩ tới. 
 
Gia đình bà Dạ những năm về trước thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, ai thuê gì thì làm đó, gia đình 4 người chỉ sống chen chúc trong căn nhà cũ tạm bợ. Thấu hiểu được hoàn cảnh của gia đình, năm 2018, Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh đã giúp gia đình 10 triệu đồng, không tính lãi từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nuôi bò sinh sản xóa nghèo. Từ số vốn đó, bà Dạ vay mượn thêm 11 triệu đồng để mua 2 con bò giống làm kinh tế.
 
Hỏi thăm về bò, bà Dạ phấn khởi kể, từ 2 con bò giống ban đầu gia đình bà đã gây được 5 con bê, mỗi con bán được 15 triệu đồng, kèm thêm mỗi tháng bà có 900 nghìn đồng thu được từ tiền bán phân bò, cuộc sống nhờ đó mà ổn định hơn trước.
 
Niềm vui luôn hiện hữu trên khuôn mặt, bà Dạ cười khoe với mọi người 2 con bò cái ở nhà chuẩn bị sinh, bà dự định để lại 1 con bê để làm giống. Vừa rồi, gia đình bà Dạ cũng đã trả đúng hạn 10 triệu đồng cho Hội Chữ thập đỏ để hộ khó khăn khác được vay xoay vòng. “Phấn khởi lắm, từ ngày được hỗ trợ mua bò cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều, thu nhập ổn định hơn. Không có Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ, không biết khi nào gia đình tôi mới thoát được nghèo” - bà Dạ cười. 
 
Ông Lê Văn Hoàng - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Trọng cho biết, mô hình “Nuôi bò sinh sản xóa nghèo” được Hội Chữ thập đỏ huyện phát động với mong muốn trao “cần câu” để người nghèo tự lực vươn lên thoát nghèo, với phương thức mỗi hộ nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản. Đúng thời hạn 2 năm, khi bò mẹ sinh bê con, hộ sẽ trả lại bò cho hộ nghèo khác nuôi luân phiên. 
 
Theo đánh giá của Hội Chữ thập đỏ huyện, Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh là một trong những cấp Hội cơ sở triển khai hiệu quả mô hình. Bà Nguyễn Thị Chờ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh cho biết, mô hình được Hội triển khai từ năm 2000, nguồn quỹ bò giống được trích từ nguồn vốn tín dụng Liên Hiệp và nguồn quỹ nuôi heo đất. Mỗi đợt đập heo đất, Hội sẽ trích ra 20% để mua bò giống giúp đỡ cho hộ nghèo nuôi không lấy lãi. Những hộ có nhu cầu vay thêm để làm chuồng trại, phát triển chăn nuôi, Hội sẽ đứng ra tín chấp vay vốn tại Quỹ tín dụng Liên Hiệp giúp gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. 
 
Sau nhiều năm triển khai, từ 3 con bò giống ban đầu, đến nay Hội đã gây được 25 con, trị giá gần 400 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại đã có 40 lượt luân phiên hộ nghèo được nhận nuôi bò. Cũng nhờ đó nhiều hộ thoát được nghèo, có điều kiện phát triển sản xuất, một số hộ còn gây được đàn bò, có được thu nhập cao. 
 
Để mô hình thực sự hiệu quả
 
Ông Hoàng cho biết, mô hình “Hỗ trợ bò sinh sản xóa nghèo” được các cấp hội cơ sở triển khai hiệu quả nhất tại xã Hiệp Thạnh, Ninh Loan, Tân Hội… Sau nhiều năm triển khai, mô hình thực sự cho thấy hiệu quả, tác động tích cực đến công tác xóa nghèo bền vững ở địa phương. 
 
Để mô hình thực sự hiệu quả, Huyện Hội và các cấp Hội Chữ thập đỏ thường xuyên giám sát, theo dõi quá trình nuôi bò của gia đình, đồng thời hỗ trợ kiến thức về nuôi bò sinh sản đảm bảo hộ chăm sóc tốt. Gia đình nhận nuôi bò phải làm hợp đồng cam kết chăm sóc tốt cho bò, không bán hay làm thịt. Nếu hộ nuôi không đảm bảo cam kết, Hội sẽ thu bò về hoặc yêu cầu đền bù. Với phương thức hỗ trợ hộ nghèo nuôi bò giống xoay vòng, theo thời gian số lượng bò giống càng tăng đồng nghĩa với việc nhiều hộ nghèo được hưởng lợi, có được nguồn sinh kế để phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo. 
 
Riêng đối với Hội Chữ thập đỏ xã Hiệp Thạnh, để bò giống được chất lượng, những năm gần đây, Hội đã chuyển hướng hỗ trợ tiền mặt 10 triệu đồng, không tính lãi cho hộ nghèo mua bò thay vì hỗ trợ bò giống như trước đó. Sau 2 năm, hộ cam kết gây số lượng bò và hoàn tiền để hộ nghèo khác được vay. “Để mô hình thiết thực hơn, nay các hộ nghèo không nhất thiết phải nuôi bò, họ có thể nuôi heo hoặc những vật nuôi khác nếu thấy có giá trị kinh tế cao” - bà Chờ cho hay. 
 
Tuy nhiên, theo ông Hoàng, bên cạnh những xã triển khai tốt mô hình vẫn còn một số vấn đề phát sinh tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, một số hộ không giữ đúng cam kết, tình trạng giết bò vẫn diễn ra khiến mô hình khó duy trì ở những xã này. Do đó, tổng số lượng bò của Huyện hội khá khiêm tốn, chỉ có 32 con. 
 
Vì vậy, trước mắt để mô hình thực sự hiệu quả và được nhân rộng, Hội Chữ thập đỏ huyện sẽ lấy xã Hiệp Thạnh làm điểm, sau đó nhân rộng ra các xã, xây dựng quy trình chặt chẽ, rà soát, lựa chọn đúng người, đúng đối tượng. “Đặc biệt, đối với những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho bà con, tận dụng cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tránh tâm thế ỷ lại, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững” - ông Hoàng cho biết thêm.
 
NHẬT QUỲNH