Trong những năm gần đây, Đạ Tẻh là một trong những địa phương gánh chịu nhiều ảnh hưởng về sản xuất, đời sống do tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô...
Trong những năm gần đây, Đạ Tẻh là một trong những địa phương gánh chịu nhiều ảnh hưởng về sản xuất, đời sống do tình trạng hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra, UBND huyện Đạ Tẻh chỉ đạo ngành chức năng sớm tập trung thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống khô hạn cho cây trồng.
|
Nhiều diện tích trồng cây ăn quả đã được người dân xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; tủ gốc giữ ẩm cho cây, kết hợp tỉa cành tạo tán hợp lý |
Gần 1.500 ha cây trồng có nguy cơ thiếu nước tưới
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Tẻh, tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn trong năm 2021 trên địa bàn huyện được dự báo sẽ hết sức phức tạp, không thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt của Nhân dân.
Đến hết năm 2020, tổng lượng mưa đo được trong khu vực huyện Đạ Tẻh đạt khoảng 2.250 mm, bằng khoảng 80% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm của khu vực. Hiện, trên địa bàn huyện còn 3 hồ chứa nước thủy lợi chưa tích đủ nước đến mực nước thiết kế bao gồm: hồ Thách Thất (xã Đạ Kho), hồ Tố Lan (xã An Nhơn) và hồ thôn 10 (xã Đạ Kho).
Từ thời điểm cuối tháng 11/2020 đến nay, tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Đạ Tẻh đã có những diễn biến phức tạp, nhất là các khu vực không có công trình thủy lợi. Đặc biệt, trong các tháng 1, 2, 3, 4/2021, nắng nóng sẽ bắt đầu diễn ra gay gắt, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, trong đó 400 ha lúa Hè Thu sớm tại xã Đạ Lây phải ngưng sản xuất; khoảng 600 ha cà phê tại khu vực Tôn K’Long bị hạn, giảm năng suất trên 30%; khoảng 100 ha cà phê dưới tán rừng tại Tiểu khu 538 xã Quốc Oai sẽ thiếu nguồn nước để bơm tưới. Đến thời điểm các tháng 3, 4, 5/2021, dự báo hệ thống các suối, khe lạch tại khu vực Tôn K’Long sẽ cạn kiệt không đủ nguồn nước dùng cho nước sinh hoạt của một số hộ dân.
Tại một số các khu vực có các công trình thủy lợi, tình trạng khô hạn cục bộ, thiếu nước tưới cũng được dự báo sẽ diễn ra. Đơn cử, tại khu tưới của công trình thủy lợi Hồ chứa nước Đạ Tẻh, nguy cơ hạn cao sẽ diễn ra ở cánh đồng thuộc khu vực TDP 3A, 3B, 7 thị trấn Đạ Tẻh với khoảng diện tích 340 ha. Còn tại xã An Nhơn, diện tích gieo trồng có nguy cơ hạn cao khoảng 31 ha; xã Quảng Trị ở khu vực Thôn 7 diện tích khoảng 40 ha; xã Triệu Hải ở khu vực Thôn 1, 2 với diện tích khoảng 50 ha. Tại khu tưới của công trình thủy lợi Đạ Hàm, 110 ha diện tích cây trồng của người dân tại khu vực B5, Thôn 1, 2 có nguy cơ cao bị hạn. Khu tưới hồ Tố Lan, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 20 ha.
Chủ động sớm các phương án phòng, chống hạn
Ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đạ Tẻh cho biết: Nhằm chủ động đối phó với hạn hán, ngay từ đầu năm, Phòng NN&PTNT huyện đã hướng dẫn các địa phương vận động người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo cấy cho từng khu vực một cách hợp lý để hạn chế thấp nhất những tác động do hạn hán gây ra. Phòng cũng phối hợp với các xã, thị trấn rà soát những diện tích thường có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ để hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây ngắn ngày, ít cần nước tưới.
Chỉ đạo, tuyên truyền Nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích đất trồng lúa 3 vụ sang trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp vụ Đông Xuân 2020-2021 khoảng 1.145 ha. Sử dụng nước tưới trên nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí nước tưới, ưu tiên dành nước sinh hoạt cho người và gia súc. Tăng cường huy động máy bơm, sức dân trong công tác chống hạn. Không tổ chức gieo trồng ở các khu vực có nguy cơ cao về hạn hán. Chỉ gieo trồng khi có mưa, đất đủ độ ẩm và có nguồn nước chủ động để bơm tưới kết hợp.
Theo ông Tiện, hiện tại, thời tiết bắt đầu bước vào cao điểm của mùa khô, hàng ngàn ha trồng dâu phục vụ nuôi tằm của người dân rất cần được tưới thường xuyên. Do đó, giải pháp quan trọng nhất được các địa phương trên địa bàn huyện triển khai là huy động lực lượng thủy nông nội đồng và đôn đốc người dân thăm nom đồng thường xuyên, kịp thời phát hiện những diện tích trồng dâu có khả năng thiếu nước để có sự điều tiết, bổ sung nguồn nước.
Với những diện tích trồng lúa ở những khu vực ở cuối nguồn, nhận nước trực tiếp từ các hồ chứa, kênh mương thì cán bộ thủy nông tích cực điều tiết, phân phối nước đảm bảo hợp lý, tiết kiệm; thực hiện tốt biện pháp tưới luân phiên. Tuy nhiên, khi mực nước xuống mức thấp, việc thực hiện quy trình tưới luân phiên không đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng phát triển bình thường thì ngành nông nghiệp sẽ ưu tiên dành nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi cho những khu vực có diện tích lúa lớn, còn những diện tích nhỏ hẹp sẽ bố trí các máy bơm dã chiến để bơm nước từ các khe, dòng chảy lên tưới, hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước.
Riêng đối với cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê, huyện Đạ Tẻh đã và đang tiếp tục hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình tưới nước tiết kiệm; tủ gốc giữ ẩm cho cây, kết hợp tỉa cành tạo tán hợp lý. Tích cực tận dụng các nguồn nước tưới từ suối, khe, lạch để ngăn đập tạm, đào ao hồ trữ nước để sử dụng bơm tưới. Nạo vét, sửa chữa giếng đào, giếng khoan trong Nhân dân để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và chăn nuôi.
UBND huyện Đạ Tẻh cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng công trình công cộng, Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Đạ Tẻh, Trung tâm Nông nghiệp phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, UBND các xã, thị trấn để điều tiết nước cho các tuyến kênh, phân chia nước tưới phù hợp với diện tích canh tác của các xã, thị trấn trên nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra tình trạng tranh giành nước tưới trên các khu vực sản xuất. Không điều tiết nước tưới tự chảy cho những diện tích có địa hình cao cục bộ so với cao trình khống chế tưới tự chảy của kênh để lưu thông dòng chảy và tránh thất thoát nước tưới. Đẩy nhanh tiến độ thi công công trình kênh dẫn nước từ kênh Nam hồ Đạ Tẻh tưới cho khu vực Thôn 1 và Thôn 6 xã An Nhơn sớm hoàn thành theo tiến độ dự án...
HOÀNG SA