Krông Nô - dòng sông vọng mãi

04:01, 03/01/2021

Sông Krông Nô có một hành trình dài trên mảnh đất Tây Nguyên khi vượt ghềnh đá của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, uốn lượn trên các bản làng của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên...

Sông Krông Nô có một hành trình dài trên mảnh đất Tây Nguyên khi vượt ghềnh đá của 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, uốn lượn trên các bản làng của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Và, tại địa phận huyện Đam Rông (Lâm Đồng), con sông là mạch nguồn chính của đồng bào K’Ho, M’Nông và các dân tộc anh em khác. 
 
Trồng dâu nuôi tằm trở thành một nghề mang lại thu nhập thường xuyên cho bà con xã Đạ M’Rông
Trồng dâu nuôi tằm trở thành một nghề mang lại thu nhập thường xuyên cho bà con xã Đạ M’Rông
 
Chắt chiu từng hạt phù sa
 
Tôi ghé vào các xã Đầm Ròn xưa, là tên gọi của 3 xã Đạ Long, Đạ M’Rông, Đạ Tông bây giờ. Dẫu còn một số đoạn vẫn đang thi công do sạt lở nhưng căn bản đường vào 3 xã đã được trải nhựa khá phẳng phiu. Đứng trên cầu là địa phận giữa 2 xã Đạ M’Rông, Đạ Tông phóng tầm mắt ra xa là từng bãi bồi của dòng sông Krông Nô, hai bên người dân đã tận dụng nguồn phù sa quý báu đó để canh tác cây lương thực ngắn ngày và cây dâu tằm.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông - Trần Văn Dũng là người sâu sát với bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã, nói như vậy là có cơ sở vì anh chính là một trí thức trẻ tình nguyện về công tác theo Đề án 30A, tháng 3 năm 2010 anh Dũng được tăng cường về Đạ Tông. Anh Dũng nhớ lại khoảng thời gian 10 năm trước: Tất cả đều khó khăn, từ đường sá đến cuộc sống của người dân, đói nghèo đeo bám bà con. Nhưng sau 10 năm thì diện mạo thay đổi từng ngày, nhất là từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Bây giờ đời sống người dân đã tương đối ổn định, biết phương pháp làm ăn. Tận dụng từng thửa đất phù sa của con sông Krông Nô để canh tác nông nghiệp, chắt chiu từng hạt phù sa quý báu mà khó khăn lắm dòng sông mới chuyên chở đến đất này.
 
Xã Đạ Tông có 1.638 hộ dân, đa phần đời sống bà con dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Toàn xã có 2.168 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó cây hàng năm là lúa nước có khoảng 320 ha, diện tích lúa nước này đều nằm ở các vùng thấp và liên quan mật thiết đến dòng sông Krông Nô. Đây là sông mẹ cho nước, chất chứa phù sa cho cây lúa chín nặng hạt mùa vàng. Những năm gần đây, một phần nhỏ diện tích lúa nước đã được chuyển đổi sang trồng dâu tằm, đây là phần đất nằm cao hơn, thường xuyên khô hạn với cây lúa nước nhưng lại thích hợp với cây dâu tằm. Khoảng 22 ha dâu tằm đã được triển khai thực hiện đối với 10 hộ dân trực tiếp cho tằm nhả tơ. Đến cuối năm 2020, cơ bản xã Đạ Tông đã đạt được 16 tiêu chí nông thôn mới và tiếp tục duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt được. 
 
Điều quý giá nhất mà dòng Krông Nô khi ngang qua các xã Đầm Ròn mang lại cho bà con người K’Ho, M’Nông chính là những hạt phù sa quý báu ở hai bên bãi bồi của dòng sông. Phía bên kia cầu là xã Đạ M’Rông, hai Phó Chủ tịch UBND xã Đạ M’Rông là ông Đa Cát Krêm, phụ trách văn hóa xã hội và Võ Văn Bền, phụ trách kinh tế sẵn sàng đưa phóng viên đến tận từng nhà của người dân. 
 
Chỉ cần nhắc đến dòng sông chảy ngang qua địa phận xã mình, hai Phó Chủ tịch UBND xã hồ hởi hẳn lên khi nói về những dự định du lịch về nguồn trên dòng sông này. Ông Võ Văn Bền cho biết về những dự định của UBND xã nhằm khôi phục lại thuyền độc mộc, tổ chức những đêm lễ hội cồng chiêng với đồng bào địa phương. Nhưng cái khó nhất vẫn là tìm được nhà đầu tư, vì tiềm năng về du lịch mang sắc thái của người dân tộc thiểu số đã có sẵn như: cồng chiêng đã có, lớp trẻ đánh cũng được mà lớp già càng điệu nghệ hơn, dệt thổ cẩm cũng có với các lớp dạy nghề rồi bà con bắt đầu trồng dâu nuôi tằm nữa, còn khách du lịch muốn lênh đênh trên dòng sông thì đã có những thanh niên M’Nông vững tay chèo chống. 
 
Dòng Krông Nô chắt chiu từng hạt phù sa mặn mòi, khó khăn thì bà con Đạ M’Rông cũng trân trọng từng hạt như những hạt vàng mười quý báu của núi rừng. Phù sa cho hạt lúa nảy mầm, hạt nặng cúi đầu, từng bắp ngô tròn trắng, hoa trái bốn mùa. Rồi một nghề mới ở địa phương chính là trồng dâu nuôi tằm, phát huy thế mạnh nông nghiệp, làng nghề mà dòng Krông Nô ban tặng. 
 
Chị Pang Pế K’Mai vui mừng khi có khách ghé thăm từng nong tằm của mình. Chị bảo rằng mỗi năm nhờ trồng dâu nuôi tằm cũng thu được trên 10 triệu đồng. Hơn 10 triệu đồng không phải là lớn đối với thị thành, nhưng ở vùng sâu, vùng xa thì đây là một số tiền lớn để trang trải cuộc sống gia đình. Theo các hộ trồng dâu nuôi tằm ở Đạ M’Rông thì trồng dâu nuôi tằm tạo được đồng tiền quay vốn khá nhanh. Vì tằm nhả tơ là có tiền chứ không như trồng các loại cây trái khác phải chờ mỗi năm một vụ mới có được đồng tiền. 
 
Nông dân xã Đạ Rsal được hướng dẫn để tái canh cà phê
Nông dân xã Đạ Rsal được hướng dẫn để tái canh cà phê
 
Miệt cà phê, cây trái giữa núi rừng
 
Rời vùng Đầm Ròn xưa, những vườn cây trái trĩu quả ở Đạ Rsal như mời gọi khách phương xa. Một miệt cây trái thơm ngọt nằm bên dòng Krông Nô. Xã Đạ Sar có những điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để cây trái nở hoa và cũng có điều kiện để giao thương kinh tế khi giáp ranh là địa bàn Đắk Lắk. Đến nay, diện tích cây ăn trái của bà con vùng Đạ Rsal khoảng trên 200 ha, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 nông dân ở Đạ Rsal đã phát triển thêm được 18 ha cây ăn quả, chủ yếu là trồng xen cà phê. Nhiều nông dân ở Đạ Rsal đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây ăn quả mà ở đây là cây sầu riêng. 
 
Nhắc đến Đạ Rsal, người ta thường nhớ đến một xã có diện tích trồng cà phê khá lớn của huyện Đam Rông, khoảng trên 2.100 ha. Trong những năm gần đây, việc tái canh cà phê được chính quyền địa phương tuyên truyền bà con thực hiện mạnh mẽ cùng với đó là việc trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm… để tạo thu nhập ổn định. 
 
Tôi đến thôn Phi Jut, một trong 3 thôn đặc biệt khó khăn của xã, có trên 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2019, Đảng ủy xã Đạ Rsal đã ra nghị quyết để tập trung xây dựng hệ thống chính trị và kinh tế tại thôn đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Riêng trong thôn Phi Jut có một khu vực gọi là Bãi Mía, những năm qua, cuộc sống bà con đã dần được thay đổi, ổn định. Bước đầu một số hộ dân ở thôn Phi Jut và khu vực Bãi Mía đã thực hiện tái canh cà phê. Anh K’Móc Vinh, một hộ dân tại thôn Phi Jut cho biết: Những năm gần đây, cuộc sống của bà con dần được thay đổi, tình trạng đói ăn không còn nữa, bà con tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người dân đã nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. 
 
Là một xã nằm bên dòng Krông Nô, Đạ Rsal cũng được hưởng những ưu đãi từ dòng sông, nhất là về những bãi bồi ven sông. Đến nay, diện tích trồng dâu nuôi tằm của xã đã hơn 65 ha, đây là một nghề mới của bà con mang lại nguồn thu nhập ổn định.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Lộc - Bí thư Huyện ủy Đam Rông cho biết: Để phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đam Rông nói chung và các xã bên dòng Krông Nô nói riêng, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể. Trong đó, ưu tiên tái canh cây cà phê, phát triển trồng dâu nuôi tằm ở các bãi bồi ven sông, tìm thị trường cho cây ăn quả. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghề phù hợp với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, chú trọng tới việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp như cồng chiêng, thổ cẩm, đặc biệt là việc truyền dạy cồng chiêng và thổ cẩm đến thế hệ trẻ.
 
Dòng Krông Nô uốn lượn qua địa bàn các xã vùng Đầm Ròn
Dòng Krông Nô uốn lượn qua địa bàn các xã vùng Đầm Ròn
 
ĐỨC TÚ