20 năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" không ngừng phát triển sâu rộng, khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng...
20 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” không ngừng phát triển sâu rộng, khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng các dân tộc Lâm Đồng. Những thành tựu của phong trào là “cái gốc” vững chắc tạo nên sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như một luồng gió lành bồi đắp giá trị văn hóa, tinh thần của Nhân dân. |
Năm 2000, thôn Bồng Lai (xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng) là khu dân cư đầu tiên của tỉnh phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ đây, ngọn gió mới không ngừng thổi mạnh, lan rộng khắp nơi. Với 5 nội dung gồm: đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật, xây dựng môi trường văn hoá, xây dựng thiết chế văn hóa TDTT, xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; và 7 phong trào cụ thể: xây dựng người tốt, việc tốt và các điển hình tiên tiến, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường - thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, phong trào học tập, lao động sáng tạo; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã trở thành một cuộc vận động rộng lớn, toàn dân, toàn diện, đưa giá trị văn hóa thấm sâu vào từng cộng động dân cư, từng người, từng nhà.
Đời sống của Nhân dân từng bước đổi thay, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, tình làng nghĩa xóm gắn kết, phong tục tập quán tốt đẹp được bảo tồn và phát huy, kinh tế tăng trưởng ổn định, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các tiêu chí xây dựng nếp sống văn hóa được đưa vào hương ước, quy ước và trở thành một trong những tiêu chí để bình xét gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, đơn vị văn hóa nhận được sự đồng tình thực hiện của Nhân dân. Từ đó, đã hình thành nếp sống mới, thói quen tốt đẹp, giữ gìn, bồi đắp và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa luôn được chú trọng, bảo tồn, đã khơi dậy truyền thống, lòng tự hào tự tôn của cộng đồng các dân tộc. Nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được đầu tư tôn tạo, một số lễ hội truyền thống được quan tâm khôi phục; hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào thể dục thể thao được mở rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; từng bước loại dần các yếu tố lạc hậu, hủ tục mê tín dị đoan, xây dựng những mô hình, điển hình tiên tiến ngày càng nhiều.
Nhiều gia đình đã hiến đất để làm công trình phúc lợi, đường giao thông như: gia đình ông Kơ Sa Ha Sếp, Krajan Ha Tem (Đạ Sar - Lạc Dương), Đăng Birol (Đinh Lạc, Di Linh), Nguyễn Đăng Biện (Đam Rông), K’Đình (Đạ Huoai), Đỗ Văn Thành (Phú Sơn, Lâm Hà). Nhiều tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực như: bà Nguyễn Thị Dung (Cát Tiên) mỗi năm ủng hộ 40 triệu đồng vào các hoạt động văn hóa của huyện; già làng Ya Bá (Đạ Quyn, Đức Trọng) đi đầu trong việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Churu; bác sĩ Moul Thoàn (Bệnh viện II Lâm Đồng) hết lòng vì người bệnh; bà Nguyễn Thị Hường (Bảo Lộc) hết mực yêu thương con người đã nhận nuôi dưỡng, dạy dỗ 107 trẻ mồ côi ở Mái ấm Tín Thác; cựu chiến binh Ngô Văn Vượng (Rô Men, Đam Rông) tích cực làm giàu và giúp đỡ đồng đội xóa đói giảm nghèo. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như mô hình “không rải vàng mã trên đường đưa tang” (Quảng Lập, Đơn Dương); mô hình xã hội hóa các hoạt động thể thao (Lộc An, Bảo Lâm); khu dân cư không có người vi phạm pháp luật, khu dân cư kiểu mẫu... Phong trào tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe ngày càng có sức lan toả mạnh mẽ với tinh thần “Khỏe để kiến thiết quê hương và bảo vệ Tổ quốc”. Hàng năm, tỉnh tổ chức trên 1.300 giải TDTT quần chúng, thu hút gần 200 ngàn vận động viên tham gia, tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên đạt 40%. Toàn tỉnh hiện có 1.135 CLB thể dục thể thao, 170 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, 63 sân quần vợt, 285 sân bóng chuyền, 200 sân bóng chuyền hơi, 120 sân cầu lông, 53 sân bóng rổ, 52 bể bơi, hồ bơi, bể lắp ghép, 12 liên đoàn và 4 hội thể thao cấp tỉnh.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy |
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, buôn, tổ dân phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đạt chuẩn văn hóa đã thực sự trở thành cuộc vận động quần chúng rộng lớn và mang tính xã hội sâu sắc. Từ đó, các hoạt động như đền ơn đáp nghĩa, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, nhân đạo từ thiện được mọi người thực hiện một cách tự nguyện và đạt được kết quả đáng tự hào. Qua 20 năm thực hiện, tỷ lệ gia đình văn hóa; thôn buôn, tổ dân phố văn hóa không ngừng tăng lên. Năm 2000, toàn tỉnh mới chỉ có 56.437 gia đình văn hóa (26,8%), có 33 thôn, buôn, tổ dân phố phát động xây dựng khu dân cư văn hóa; thì năm 2020, toàn tỉnh có 281.921 gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa/309.563 gia đình (91%), tăng gấp 5 lần; 1.501/1.541 thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận là khu dân cư văn hóa (97,4%); có 131/142 xã, phường, thị trấn được công nhận văn hóa (92,2%); 1.487/1.557 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (95,5%).
Thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, sinh hoạt cộng đồng ở cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng; số lượng nhà văn hóa xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố từng bước được sửa chữa, nâng cấp, xây mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, sáng tạo văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt, hội họp, vui chơi giải trí của Nhân dân. Nếu năm 2008, toàn tỉnh mới có 658 thôn, buôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng; 62 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa thì đến nay đã có 1.321/1.376 thôn, buôn, tổ dân phố đã có nhà sinh hoạt cộng đồng (96%), 139/142 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cấp xã (98%); 1.143 sân tập thể thao, 12 thư viện huyện, 18 thư viện xã… Bên cạnh đó, 45 công trình văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh được xây dựng với kinh phí gần 1.300 tỷ đồng như: Quảng trường Lâm Viên, Quảng trường các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Trung tâm Văn hóa Thể thao các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Lạc Dương…
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Những thành tựu đạt được trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang góp phần thắp sáng mảnh đất, con người Lâm Đồng, là động lực to lớn tạo sức mạnh nội sinh cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp, no ấm. Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, rất cần sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm cho phong trào thêm phong phú, đa dạng về nội dung và hình thức. Mỗi khu dân cư phải xây dựng được nếp sống văn hóa thực sự lành mạnh, trong đó mỗi gia đình là một tổ ấm, cộng đồng dân cư đùm bọc lẫn nhau. Cổ vũ toàn dân tham gia phong trào làm cho mọi người, mọi nhà đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, cùng nhau tích cực thực hiện các quy ước cộng đồng. Cần xây dựng các chỉ tiêu sát thực, có định tính, định lượng, thích hợp với điều kiện của từng địa phương, từng đơn vị, từng doanh nghiệp, phù hợp với khả năng từng cộng đồng khu dân cư để phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như ngọn gió lành thổi mãi.
QUỲNH UYỂN