Nỗ lực giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở huyện vùng xa

05:01, 12/01/2021

Cát Tiên là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá cao so với các huyện trên địa bàn tỉnh, do vậy, những năm qua, mục tiêu giảm nghèo, kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) luôn được địa phương đặc biệt quan tâm...

Cát Tiên là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá cao so với các huyện trên địa bàn tỉnh, do vậy, những năm qua, mục tiêu giảm nghèo, kéo giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. Với những nỗ lực không ngừng, những năm gần đây, đời sống của người dân các vùng DTTS dần được cải thiện, kéo theo đó tỷ lệ trẻ SDD được giảm đáng kể. 
 
Đội ngũ y tế thường xuyên đến thăm hỏi, tư vấn, giúp đỡ các bà mẹ đang mang thai và có con nhỏ
Đội ngũ y tế thường xuyên đến thăm hỏi, tư vấn, giúp đỡ các bà mẹ đang mang thai và có con nhỏ
 
Tỷ lệ trẻ SDD giảm còn 15,9%
 
Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cát Tiên với gần 100% người dân là đồng bào Mạ, địa hình cách trở, điều kiện cuộc sống nhiều thiếu thốn, nhận thức người dân còn hạn chế khiến công tác giảm tỷ lệ trẻ SDD của đội ngũ y tế địa phương gặp không ít khó khăn.
 
Chị Nguyễn Thị Tâm - Phụ trách dân số Trạm Y tế xã Đồng Nai Thượng cho biết: 5 năm trước, tỷ lệ trẻ SDD ở địa phương khá cao, chiếm 17%. Nhiều bà mẹ vẫn sử dụng rượu, thuốc lá trong quá trình mang thai hoặc cho con ăn thức ăn thô sớm. “Trước kia, nhiều phụ nữ ở đây còn có tập tục lên rừng sinh con nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con. Nhiều gia đình cũng không kế hoạch, họ nghĩ sinh đông con thì càng được hỗ trợ nhiều, không có điều kiện cộng với thiếu kiến thức dinh dưỡng khiến nhiều đứa trẻ bị SDD nặng” - Chị Tâm chia sẻ. 
 
Thời gian qua, Trạm Y tế xã phối hợp cùng đội ngũ y tế thôn, bản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức sinh sản, dinh dưỡng cho bà con. “Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi để bà con có thêm kiến thức chăm sóc con và khi mang thai”, chị Tâm nói. Cùng với đó, đội ngũ y tế địa phương cũng thường xuyên giám sát, nắm thông tin các gia đình có bà mẹ mang thai; theo dõi bà mẹ từ 3 tháng đầu đến lúc sinh, tư vấn tiêm chủng, nắm bắt những thai có nguy cơ SDD, từ đó, có biện pháp hỗ trợ kịp thời. 
 
Chị Linh (21 tuổi) tại thôn Bi Nao, xã Đồng Nai Thượng là một trong số rất nhiều bà mẹ có con bị SDD may mắn được y tế thôn, bản phát hiện và can thiệp kịp thời. Ở giai đoạn 8 tháng tuổi, con trai chị thể trạng yếu, bị sốt, tiêu chảy, cân nặng khi đó chỉ có 6 kg, nguy cơ SDD cao. Nắm được thông tin này, y tế thôn, bản thôn Bi Nao đã kịp thời đến thăm hỏi và đưa trẻ đến trạm y tế khám và theo dõi. Cộng tác viên y tế cũng đến tận nhà tư vấn, hướng dẫn bà mẹ nấu bữa ăn dinh dưỡng và theo dõi cân nặng, sức khỏe của trẻ. Sau 4 tháng, cân nặng của con chị Linh được cải thiện, không còn tình trạng SDD. “Con khỏe mạnh trở lại tôi rất vui, nghe lời cán bộ y tế, khi có thai đứa con thứ 2 tôi chủ động đến trạm y tế để khám thai, tiêm phòng, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết để con được khỏe mạnh”, Chị Linh cười nói.
 
Có thể nói, đội ngũ y tế thôn, bản là cánh tay phải đắc lực giúp trạm y tế xã rất nhiều trong công tác tuyên truyền, vận động các bà mẹ đến trạm thăm khám và tiêm phòng đúng định kỳ. Đối với những bà mẹ đang mang thai, chăm sóc con nhỏ không có đủ thức ăn đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng, trạm khuyến khích gia đình tự trồng rau, nuôi gà, cá ở nhà để có lượng thức ăn dinh dưỡng cần thiết. 
 
Năm 2020, tỷ lệ trẻ SDD tại xã Đồng Nai Thượng giảm còn 15,9%, con số này cho thấy những nỗ lực không ngừng của chính quyền, đoàn thể cùng đội ngũ y tế xã, huyện. 
 
Tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trẻ SDD
 
Bác sĩ Trần Dương Ngọc - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cát Tiên cho biết: Ở Cát Tiên, trẻ SDD phần lớn ở các xã Nam Ninh, Phước Cát 2, Gia Viễn...  Thực tế cho thấy tỷ lệ trẻ SDD tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống. Ngoài các nguyên nhân do sinh đẻ không có kế hoạch, hôn nhân cận huyết thì những hạn chế về kiến thức dinh dưỡng của bà con cũng dẫn đến tỷ lệ trẻ SDD cao. 
 
Để phòng, chống SDD cho trẻ dưới 5 tuổi, nhất là SDD thể thấp còi, các cấp ngành ở địa phương luôn theo dõi, can thiệp kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị SDD. Đồng thời, phối hợp tổ chức nhiều chương trình, hoạt động như các buổi trình diễn bữa ăn dinh dưỡng và hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách; trạm y tế xã hàng tháng theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ SDD và có nguy cơ bị SDD; cấp phát sản phẩm dinh dưỡng hỗ trợ bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ... Ngoài ra, Phòng Y tế huyện cũng phối hợp thực hiện Chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng, chống SDD bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam”. 
 
Nhờ đó, tỷ lệ trẻ SDD của huyện giảm rõ theo từng năm. So với năm 2015, năm 2020, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD (cân nặng theo tuổi) là 11,8%, giảm 1,3%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD (theo chiều cao) là 13,4%, giảm 3,2%. 
 
Song, theo bác sĩ Ngọc, tỷ lệ trẻ SDD ở một số xã trên địa bàn huyện vẫn còn cao, giảm chưa ổn định. Do đó, để tiếp tục kéo giảm tỷ lệ trẻ SDD, Trung tâm Y tế huyện tập trung cho công tác truyền thông, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS bổ sung kiến thức về sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ sơ sinh cho các bậc cha, mẹ. Mặt khác, Trung tâm cũng tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên trách và cộng tác viên y tế thôn, bản. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các chương trình nâng cao kiến thức cho các bà mẹ khi mang thai và nuôi con nhỏ... Ngoài ra, bác sĩ Ngọc cũng nhận định: “Để công tác giảm tỷ lệ trẻ SDD thực sự hiệu quả còn có sự tham gia của nhiều ban, ngành; qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân trên nhiều lĩnh vực”. 
 
NHẬT QUỲNH