Cảnh quan môi trường vùng nông thôn kiểu mẫu

08:02, 11/02/2021

Hầu như tất cả những con đường liên xã, liên thôn nơi đây đều sạch sẽ, hai bên đường với rất nhiều loại hoa, rồi nữa hàng rào xanh, sum suê cây trái thanh bình trải dài theo lối đi... 

Hầu như tất cả những con đường liên xã, liên thôn nơi đây đều sạch sẽ, hai bên đường với rất nhiều loại hoa, rồi nữa hàng rào xanh, sum suê cây trái thanh bình trải dài theo lối đi... Để có những vùng nông thôn xanh - sạch - đẹp như thế, Đạ Tẻh đã dày công kiến thiết trong những năm qua.
 
Trên con đường xanh sạch của xã Quảng Trị
Trên con đường xanh sạch của xã Quảng Trị
 
Những con đường sạch đẹp
 
Trên các con đường liên xã của huyện Đạ Tẻh hôm nay, đâu đâu ven đường cũng có hoa, không ít thì nhiều, từ Quảng Trị vào Triệu Hải, từ Hà Đông qua Mỹ Đức hay rẽ vào Quốc Oai, từ An Nhơn vào Đạ Lây... Đó là hàng hoa vàng tươi ven đường với cái tên khá mỹ miều “Hoàng Yến”, là hoa trang đỏ, hoa mào gà, hoa mười giờ, là cây hồng lộc lá xanh lá đỏ, là cỏ lạc “hoa vàng trên cỏ xanh, là màu sắc tươi vui của các loại cây có lá xanh đỏ. Những con đường liên thôn cũng vậy, cũng thắm những sắc hoa dọc theo những bước chân.
 
Đặc biệt, những con đường liên xã liên thôn đó không chỉ có hoa mà còn rất sạch. Sẽ rất ít thấy nếu không nói là không thấy rác, không thấy cái cảnh túi ni lông vất vưởng ven đường, không thấy những ngôi nhà để ứ rác trước nhà, không nước thải chảy tràn ra đường… Dọc các con đường đó là các thùng rác, các điểm bỏ rác công cộng với những câu khẩu hiệu “hành động nhỏ ý nghĩa lớn” vận động người dân bỏ rác vào thùng vì một địa phương không rác.
 
Để có những con đường hoa không rác thải như hôm nay, Đạ Tẻh đã phải qua một quá trình vận động dân trong rất nhiều năm, bắt đầu từ những phong trào nhỏ ở cơ sở để tiến đến hình thành phong trào chung của huyện với cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc như hôm nay. 
 
Chẳng hạn như các cấp Hội Phụ nữ trong huyện với phong trào chung “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Hội Nông dân các xã với phong trào thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, chăn nuôi hợp vệ sinh; còn Đoàn Thanh niên với việc ra quân phát quang bụi rậm, nạo vét mương thoát nước; Mặt trận Tổ quốc với việc phát huy mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”.
 
Theo bà Hoàng Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Trị, hội viên nơi đây trong gần chục năm nay đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã tổ chức ra quân định kỳ hằng tháng với hàng nghìn lượt người tham gia, để thu gom rác thải dọc tuyến đường liên xã, chăm sóc cỏ lạc ven đường tại các thôn cũng như gần đây vận động hội viên và người dân trong xã thu gom rác thải và phân loại ngay tại hộ gia đình, xử lý rác thải hữu cơ, bỏ rác đúng chỗ. “Hội đã cùng chính quyền tham gia vận động bà con trong nhiều năm nay như mưa dầm thấm lâu, đến nay đã nâng được ý thức người dân trong xã về giữ gìn vệ sinh môi trường, không còn cảnh vứt rác ra đường nữa” - bà Tuyết cho biết. 
 
Còn theo ông Nguyễn Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trị, toàn bộ 9 km con đường nhựa liên xã và trên 15 km đường bê tông liên thôn đều đã được lắp đèn sáng, có trồng hoa, trồng cỏ lạc ven đường. “Xã trong nhiều năm nay đã triển khai con đường hoa và không rác thải, toàn xã đã tham gia phân loại và xử lý rác thải đầu nguồn; vận động xử lý môi trường trong chăn nuôi. Xã hiện nay đang được huyện chọn thí điểm xã kiểu mẫu về môi trường, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Quốc cho biết. 
 
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Đạ Tẻh, ngay từ cuối năm 2015, Mặt trận huyện đã xây dựng mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến tất cả các khu dân cư trong huyện. Có 5 nội dung và 34 tiêu chí cụ thể trong xây dựng mô hình này, trọng tâm là việc vận động dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn, bê tông hóa đường nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng công trình vệ sinh, chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn, khuôn viên, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự.
 
Cho đến nay theo ông Tuyên, huyện đã công nhận 45 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu” và tặng thưởng cho các khu dân cư này 960 triệu đồng từ ngân sách huyện. “Trước đây huyện tổ chức ra quân vì môi trường vào ngày 25 mỗi tháng, nhưng nay toàn huyện theo chỉ đạo chung đã huy động toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tất cả các cơ quan, đơn vị, học sinh các trường, các xã, thị trấn trên địa bàn đồng loạt ra quân vào ngày Chủ nhật tuần đầu mỗi tháng để thu gom rác thải, phát quang bụi rậm, chăm sóc hoa. Mỗi đợt ra quân như vậy có đến cả nghìn người tham gia”- ông Tuyên cho biết.
 
Một đội thanh niên ra quân thu gom rác thải bằng xe đạp tại xã Triệu Hải
Một đội thanh niên ra quân thu gom rác thải bằng xe đạp tại xã Triệu Hải
 
Kiểu mẫu cảnh quan môi trường 
 
Đạ Tẻh cho đến nay là huyện tiên phong tại Lâm Đồng thực hiện chương trình phân loại rác tại nguồn ngay tại hộ gia đình toàn huyện từ năm 2019. 
 
Mục tiêu như bà Nguyễn Thị Hoa Tài, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết, đó là xử lý rác thải hữu cơ tại chỗ; giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường.
 
Việc phân loại rác thải tại hộ gia đình được thực hiện trong toàn huyện, nhưng chú trọng vào vùng nông thôn, vì nhiều gia đình có đất vườn rộng, có thể xử lý rác thải hữu cơ để biến rác thành phân bón phục vụ cho canh tác, giảm tải lượng rác thải đưa vào môi trường. Huyện theo bà Tài, trong 2 năm gần đây đã tổ chức 25 lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải tại gia đình cho người dân ở tất cả các xã với hằng nghìn lượt người tham gia, chủ yếu là phụ nữ. 
 
Tại các lớp tập huấn đơn vị chức năng hướng dẫn người dân cách phân loại, tách rác thải vô cơ ra khỏi rác hữu cơ, đổ vào các hố đào hay thùng bê tông do huyện hỗ trợ, rắc men vi sinh (cũng được huyện hỗ trợ, đến nay đã có 462 gói men vi sinh cấp phát đến dân) và sau đó dùng phân vi sinh này bón cho cây. 
 
Với rác vô cơ gồm chai thủy tinh, nhựa cũng được phân loại để tái chế, tái sử dụng. Hội Nông dân huyện được giao phụ trách công việc này với các chương trình vận động thu gom chai nhựa đổi quà để bán cho các cơ sở tái chế. 
 
Với rác nguy hại từ nguồn sinh hoạt như pin, bóng đèn, bình ắc-qui… huyện khuyến cáo người dân không vứt ra môi trường mà mỗi xã thành lập một điểm thu gom theo hình thức đổi rác lấy quà theo chương trình vận động của huyện, số rác này sau đó được huyện đưa đi xử lý. Tương tự, với lượng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng, từ năm 2017 Đạ Tẻh đã xây dựng các cống hộp đặt ven đường và trên đồng, giao Hội Nông dân chịu trách nhiệm vận động người dân sau khi sử dụng thu gom về các điểm này. Huyện mỗi năm tổ chức 1-2 đợt thu gom đưa nhà lưu chứa sau đó chuyển cho các đơn vị chức năng của tỉnh đưa đi xử lý. Cho đến nay toàn huyện Đạ Tẻh theo bà Tài, đã đặt 445 hộp bê tông trên địa bàn, trung bình mỗi năm thu gom được từ 3,7 - 4 tấn rác thải độc hại này đưa đi xử lý.
 
Về thu gom rác thải, cho đến nay tất cả 9 xã, thị trấn trong huyện đều có tuyến thu gom với các thùng rác công cộng, trong đó huyện đã lắp đặt các thùng rác 3 ngăn để khuyến khích người dân phân loại rác. Huyện gần đây đã hỗ trợ cho người dân các xã, thị trấn trong huyện 360 thùng rác để phân loại rác tại nhà; tỷ lệ thu gom rác tại huyện đến nay theo bà Tài đạt 80%, vùng nông thôn đạt 75%. 
 
Trong năm 2021, huyện vẫn tiếp tục nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở từng gia đình trong toàn huyện, đồng thời sẽ cho cải tạo lại xe thu gom rác thải hiện nay thành 2 loại xe, xe thu gom rác thải dễ phân hủy và xe thu gom rác thải khó phân hủy. Huyện cũng lên kế hoạch đầu tư thêm xe thu gom để nâng số lần thu gom hiện nay tại các vùng nông thôn trong huyện từ 1 ngày trong tuần lên 2 ngày trong tuần. “Với kế hoạch đó, huyện sẽ nâng mức phân loại rác toàn huyện đạt tỷ lệ 30% và nâng dần mỗi năm từ 5-10% để đến năm 2025 đạt tỷ lệ 75% toàn huyện” - bà Tài cho biết.
 
Với những nỗ lực này, Đạ Tẻh đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 huyện sẽ đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về cảnh quan môi trường nông thôn đầu tiên của Lâm Đồng.
 
GIA KHÁNH