(LĐ online) - Sau Tết Nguyên đán là thời điểm mà người trồng đào hối hả với công việc mang đào trở về vườn, bắt đầu một chu kỳ chăm sóc mới để chuẩn bị cho mùa xuân sau. Điều đặc biệt ở mảnh đất Đà Lạt chính là ít có nhà vườn nào bán đào mà chủ yếu là cho thuê.
(LĐ online) - Sau Tết Nguyên đán là thời điểm mà người trồng đào hối hả với công việc mang đào trở về vườn, bắt đầu một chu kỳ chăm sóc mới để chuẩn bị cho mùa xuân sau. Điều đặc biệt ở mảnh đất Đà Lạt chính là ít có nhà vườn nào bán đào mà chủ yếu là cho thuê.
|
Nhiều hộ dân giữ lại cành đào để tiếp tục chơi xuân |
Mờ sáng, chúng tôi theo chân nhóm 3 anh em Hạnh, Ty, Minh trên một chiếc xe tải cỡ nhỏ đi gom đào về vườn. Anh Ty cho biết: Xe nhỏ thì có thể vào các nhà dân ở các hẻm được, xe lớn chỉ gom ở những đường lớn thôi.
Vài năm trở lại đây, 3 anh em đã xem công việc thu gom đào về vườn là việc làm thường niên, cứ từ mùng 10 Tết âm lịch trở đi thì bắt đầu công việc.
Người thuê thì có cả hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Đà Lạt. Bà Lan ở đường Lê Hồng Phong (Phường 4, TP Đà Lạt) cho biết: Vì nhà ở phố nên quỹ đất có hạn, chỉ thuê chừng dăm ba ngày tết thôi chứ đất đâu mà mua hẳn để trồng. Vả lại, nếu yêu cầu cắt lại cành để cắm chơi thêm xuân thì chủ vườn cũng sẵn sàng.
Anh Nguyễn Văn Dũng là chủ của Vườn đào Dũng Tuyền Lâm ở Phường 4 có 200 gốc đào cho thuê. Đa số gốc đào của anh có tuổi đời từ 5 tuổi đến 20 tuổi, nên giá thuê cũng khác nhau từ vài trăm ngàn đồng đến 5 triệu đồng. Anh cho biết chỉ cho thuê chứ không bán, bởi để trồng ghép được một gốc đào ra dáng, ra thế là cả một kỳ công, một quá trình.
Sau Tết Nguyên đán, công việc của người trồng đào lại bắt đầu theo một quy trình: Gom đào về vườn, cắt tỉa cành, vớt gốc ra khỏi chậu, chuẩn bị đất, phân bón, xuống cây, chăm sóc cây… rồi chờ đến xuân mới.
|
Công việc thu gom gốc đào tại nhà dân và cơ quan của 3 anh em Hạnh, Ty, Minh |
Ông Nguyễn Văn An (68 tuổi) là người có thâm niên 15 năm chăm sóc đào cho các vườn đào trên TP Đà Lạt. Người làm của vườn đào Dũng Tuyền Lâm gọi ông là nghệ nhân vì chỉ có ông mới đảm nhiệm trọng trách cắt tỉa cành lúc đào về và chăm sóc cho đến khi đào nở hoa vào mùa sau. Ông An tâm sự: Nghề chơi cũng lắm gian nan, không phải dễ gì để một cây đào giữ được dáng, thế và ra hoa đúng thời điểm như mình mong muốn, cả một nghệ thuật đấy. Tính ra khi cho thuê thì tính tiền triệu nhưng có ai biết đâu mỗi cây là 365 ngày chăm sóc như nuôi con mọn vậy. Già rồi, may mà có cái nghề để kiếm sống qua ngày, tính ra công mỗi ngày cũng 300 ngàn đồng, con cháu khỏi phải lo toan là mừng rồi.
|
Ông An là người duy nhất trong vườn được giao nhiệm vụ tỉa cành đào để trồng lại |
Còn anh Phương Bảo Nhơn (34 tuổi) thì cho biết sau Tết Nguyên đán anh lại có thu nhập khi làm công cho vườn đào. Mỗi ngày khoảng một triệu đồng nhưng công sức bỏ ra thì không hề ít, luôn tay luôn chân vì xe tải không vào được vườn phải kéo bằng xe tự chế, rồi phải trồng ngay vì đào đã được cắt tỉa, không kể thời gian là giữa trưa hay chiều tối.
Ngoài chăm sóc đào của chính vườn mình, các chủ vườn còn có dịch vụ khác đó là chăm sóc cây gửi của khách hàng. Một năm gửi tùy theo cây lớn hay nhỏ mà giá cả khác nhau từ 500 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng. Để phân biệt với cây của mình, nhiều chủ vườn phải gắn thẻ cho cây để phân biệt, mùa tới còn biết để giao trả cho khách; vào sổ sách cây gửi, cây nhà hẳn hoi để quản lý.
Nếu như vùng nông thôn hay ngoại thành thì nhiều gia chủ sẵn sàng bỏ đứt tiền để mua một gốc đào để chơi xuân dài dài thì nơi phố thị phồn hoa lại có một nghề cho thuê đào mỗi dịp tết đến xuân về. Đây cũng là một dịch vụ vừa mang lại thu nhập cho gia chủ vừa tạo công ăn việc làm cho lao động thường niên và thời vụ tại địa phương ngay sau Tết Nguyên đán.
|
Vận chuyển gốc đào trên những cung đường dốc bằng xe tự chế |
|
Người làm vườn thời vụ tiến hành trồng lại đào sau khi được cắt tỉa cành |
ĐỨC TÚ