(LĐ online) - Lần đầu tiên sau nhiều năm đưa vào vận hành, Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt đã tiếp nhận, xử lý trơn tru 100% lượng rác thải của đô thị Đà Lạt.
(LĐ online) - Lần đầu tiên sau nhiều năm đưa vào vận hành, Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt đã tiếp nhận, xử lý trơn tru 100% lượng rác thải của đô thị Đà Lạt.
|
Hoạt động xử lý rác tại nhà máy |
Ngày 23/2, đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, cho biết: Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt đã tiếp nhận 100% lượng rác của TP Đà Lạt. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 5 năm đưa vào vận hành, nhà máy đã tiếp nhận, xử lý khá suôn sẻ lượng rác thải đô thị của Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thu gom, chuyển đến.
Theo ông Cao Văn Bé - Quản lý điều hành Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt, hiện nay, nhà máy đã đưa vào vận hành 2 dây chuyền xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt, hoạt động liên tục 3 ca/ngày đêm với công suất xử lý khoảng 270 tấn rác thải/ngày đêm. Trong số này, trên dưới 220 tấn rác thải của TP Đà Lạt, 10 tấn rác của thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), số còn lại là lượng rác tồn đọng tại nhà máy trong thời qua.
Cũng theo ông Bé, đến thời điểm này, lượng rác cũ còn tồn đọng tại nhà máy chỉ còn khoảng hơn 1.500 tấn. Từ đầu năm 2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đơn giá xử lý 461.000 đồng/tấn rác thải, nhờ đó việc tiếp nhận, xử lý rác của nhà máy vận hành tốt hơn. Trước đó, từ năm 2017, đơn giá xử lý rác chỉ 336.000 đồng/tấn rác thải, sau đó nâng lên 456.000 đồng/tấn rác.
Nhà máy Xử lý chất thải rắn Đà Lạt do Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh làm chủ đầu tư, đóng tại xã Xuân Trường (TP Đà Lạt), với tổng vốn đầu tư trên 381 tỉ đồng, giai đoạn 1 đã đầu tư trên 155 tỉ đồng. Tháng 7/2015, nhà máy được đưa vào hoạt động, nhưng nhiều lần phải tạm ngưng tiếp nhận rác để hoàn chỉnh dây chuyền công nghệ, do đó, một phần rác thải của TP Đà Lạt buộc phải đưa đến bãi rác Cam Ly xử lý chôn lấp.
THỤY TRANG