Đam Rông sau 12 năm 30a

06:02, 05/02/2021

Sau hơn 12 năm được tiếp sức từ Nghị quyết 30a, đã đến lúc huyện nghèo Đam Rông tự bước đi trên đôi chân của mình. Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi "đứa con út" của Nam Tây Nguyên tự lập...

Sau hơn 12 năm được tiếp sức từ Nghị quyết 30a, đã đến lúc huyện nghèo Đam Rông tự bước đi trên đôi chân của mình. Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi “đứa con út” của Nam Tây Nguyên tự lập. Nhưng đó cũng chính là cơ hội để nội lực của con người và cả vùng đất này được kích hoạt, phát huy.
 
Bộ mặt Đam Rông đã có nhiều khởi sắc
Bộ mặt Đam Rông đã có nhiều khởi sắc
 
Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (gọi tắt là Nghị quyết 30a) đối với 62 huyện nghèo trong cả nước, trong đó có Đam Rông. Đây là cơ hội giúp địa bàn khó khăn này thu hẹp khoảng cách về điều kiện sống với các địa phương khác. 
 
Từ năm 2008 đến cuối năm 2020, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ trên 508 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết 30a cho Đam Rông. Trong đó vốn đầu tư phát triển trên 394 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 114 tỷ đồng.
 
 Ngoài ra, tổng nguồn vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể trên 30 tỷ đồng. Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác đã và đang thực hiện trên địa bàn như Chương trình 135, vốn nông thôn mới, ngân sách huyện, vốn ODA... trên 181 tỷ đồng. 
 
Nguồn vốn đầu tư vào Đam Rông rất lớn và thực tế thay đổi cũng đã hiện diện rõ ràng trên vùng đất này. Bởi từ các nguồn vốn trên, các chính sách giảm nghèo đặc thù đã được thực hiện. Cụ thể, sau hơn 12 năm đã có trên 2.600 hộ tham gia trồng trên 3.600 ha rừng; trong đó, trên 400 ha đã khai thác. Đồng thời, cũng có trên 2.600 hộ được nhận khoán QLBV trên 38 ngàn ha rừng. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp độ che phủ rừng của Đam Rông hiện nay đạt trên 65%. Cũng trong thời gian này đã có 65 hộ được khai hoang 60 ha, 862 hộ được tham gia phục hóa trên 300 ha đất sản xuất. Ngoài ra, có 152 mô hình giảm nghèo được thực hiện. Nhiều mô hình đến nay đang cho thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng như trồng dâu nuôi tằm ở khu vực Đầm Ròn, trồng sầu riêng ở khu vực Đạ Rsal... Hiệu quả kinh tế nhờ vậy đã từng bước khởi sắc qua từng năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 24%. Thu nhập bình quân đầu người từ 7,5 triệu đồng/người năm 2009 lên 45 triệu đồng/người năm 2020.
 
Cùng với đầu tư phát triển kinh tế, các chính sách giảm nghèo khác như: hỗ trợ nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ trực tiếp, chính sách định canh định cư, chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số và miền núi được triển khai đã tạo lực đẩy quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững ở Đam Rông. Theo số liệu thống kê từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, theo tiêu chí cũ, hộ nghèo toàn huyện đầu năm 2009 là trên 3.700 hộ, tỷ lệ 46,97%. Nếu như năm 2011, khi hộ nghèo được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí mới, số hộ nghèo ở Đam Rông chiếm trên 4.400 hộ, tương đương tỷ lệ 52,22%; thì đến cuối năm 2020, số hộ nghèo theo tiêu chí mới đã giảm xuống còn 7,04%. 
 
Trẻ em Đam Rông vui vẻ đến trường
Trẻ em Đam Rông vui vẻ đến trường
 
Song song với đầu tư phát triển kinh tế, Nghị quyết 30a đã gần như làm thay đổi hoàn toàn cơ sở hạ tầng ở huyện nghèo Đam Rông. Với kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản trên 417 tỷ đồng, đã có 90 công trình được xây dựng. Diện mạo Đam Rông khởi sắc khi hệ thống giao thông huyết mạch cơ bản được hoàn chỉnh và cứng hóa. 8/8 xã có đường nhựa đến trung tâm xã... Hệ thống thủy lợi được duy trì và mở rộng đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân như hồ Đạ Chao, Đạ Nòng, hồ thủy lợi Phi Liêng, đập dâng Đạ Rsal... Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các đơn vị được Chính phủ phân công giúp đỡ cũng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí trên 157 tỷ đồng. Từ đây 53 hạng mục cơ sở hạ tầng gồm trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thiếu nhi... đã được xây dựng. Điều này góp phần quan trọng trong việc đồng bộ và kiên cố hóa hệ thống mạng lưới trường học ở các cấp học, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên, học sinh. Cơ sở y tế từ huyện đến cơ sở được kiện toàn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. 
 
Sau dặm dài 12 năm, vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, đội ngũ cán bộ có lúc có nơi chưa đủ tâm, đủ tầm và sự trông chờ ỷ lại trong bà con Nhân dân vẫn còn rất nặng nề ở nhiều nơi. Đam Rông chưa thể so sánh với những địa phương khác trong tỉnh, nhưng những con số ở trên và thực tiễn đã khẳng định Đam Rông hôm nay đã đổi thay rất nhiều so với chính mảnh đất này của thời điểm trước Nghị quyết 30a. Và, dù là địa bàn khó khăn nhất trong tỉnh nhưng việc làn sóng di dân vẫn gây áp lực cho địa phương này nhiều năm qua một mặt đã chứng minh cho điều mà những người Mông, Dao, Nùng di cư vào nơi này đã nói, rằng vùng đất khó của Nam Tây Nguyên song là miền đất hứa đối với rất nhiều bà con ở vùng miền núi Tây Bắc của Tổ quốc. Một so sánh đó để chứng minh rằng đến thời điểm hiện tại, khi kỳ hạn của 30a dành cho Đam Rông đã hết, mảnh đất này đã không lỡ hẹn. 
 
12 năm 30a, sự quan tâm đầu tư của tỉnh về cả cơ sở hạ tầng và bộ máy Nhà nước và những định hướng mà Đam Rông đặt ra là hành trang cơ bản để địa phương này bước đi. Khó khăn là điều không tránh khỏi, song Đam Rông về cơ bản đã hội tụ đầy đủ những yếu tố để “tự lập”, “trưởng thành”. Có thể Đam Rông vẫn cần Lâm Đồng tạo một cơ chế đặc thù hậu 30a, nhưng cơ chế ấy cần nằm trong giới hạn nhất định. Và lãnh đạo huyện Đam Rông cũng cần có những sách lược phát triển hợp lý để quyết tâm thực hiện và có sự bảo đảm trước Lâm Đồng về những mục tiêu chắc chắn đạt được nếu có được cơ chế đặc thù. 
 
Và Đam Rông hôm nay đã có thể tự bước đi, nhưng bước đi ấy chỉ chắc chắn và bền vững khi đi lên bằng nội lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên mảnh đất này.
 
NGỌC NGÀ