Lên núi trồng sen đá

06:02, 25/02/2021

Hàng nghìn chậu sen đá nhỏ xinh với hàng trăm loại khác nhau, nằm trong một khu vườn nhỏ ở Trại Mát, Phường 11 - Đó là những gì mà Lê Thị Tuyết Nhung - cô gái đến từ TP Thanh Hóa đã lựa chọn để khởi đầu cho quá trình theo đuổi niềm đam mê với sen đá của mình tại Đà Lạt.

Hàng nghìn chậu sen đá nhỏ xinh với hàng trăm loại khác nhau, nằm trong một khu vườn nhỏ ở Trại Mát, Phường 11 - Đó là những gì mà Lê Thị Tuyết Nhung - cô gái đến từ TP Thanh Hóa đã lựa chọn để khởi đầu cho quá trình theo đuổi niềm đam mê với sen đá của mình tại Đà Lạt.
 
Sản phẩm sen đá của Tuyết Nhung được chăm chút để đưa ra thị trường các tỉnh, thành trong nước
Sản phẩm sen đá của Tuyết Nhung được chăm chút để đưa ra thị trường các tỉnh, thành trong nước
 
Những ngày đầu năm 2021, Tuyết Nhung bận rộn với những đơn hàng đi các tỉnh phục vụ cho dịp tết. Diện tích 1.000 m2 của cô được liên kết với vườn sen đá rộng 3.000 m2 cạnh đó để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường Thanh Hóa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang... Hiện, trung bình mỗi tháng, Nhung xuất đi khoảng 100 vỉ, trên 25.000 cây sen đá với các kích cỡ khác nhau.
 
Vườn sen đá của Nhung tại Đà Lạt chỉ mới được xây dựng từ tháng 10/2020. Nhưng trước đó, tại Thanh Hóa, cô đã có 4 năm gắn bó cùng cây sen đá với cửa hàng cùng khu vườn ươm của mình, trải qua rất nhiều lần thử nghiệm, thất bại, thành công. “Mình không làm gì nếu chưa tìm hiểu kỹ về nó. Và khi làm bất cứ chuyện gì cũng phải đặt cái tâm của mình vào đó. Với sen đá cũng vậy” - Nhung chia sẻ. 
 
Những lần nhập sen đá từ các nơi khác về Thanh Hóa, cây thường xuyên bị chết khiến Nhung trăn trở rất nhiều. Đồng hành cùng những người bạn đến từ Đà Lạt để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp, Nhung dần nuôi giấc mơ về một khu vườn sen đá của chính mình tại thành phố mộng mơ này. Yếu tố môi trường được khắc phục, khu vườn tại Thanh Hóa dần đi vào ổn định, còn Nhung đến với Đà Lạt để hiện thực hóa giấc mơ của riêng mình.
 
Cô bảo rằng mình thích sen đá bởi sức sống mạnh mẽ của nó. Dù chỉ là một chiếc lá vô tình nằm xuống đất, cũng có thể bắt đầu một cuộc sống mới của một cây sen đá - đẹp, giản dị nhưng cũng vô cùng kiêu hãnh.
 
Nhanh nhẹn bưng bê kệ, thùng lên xuống dốc, cẩn thận bọc từng cây sen đá, loay hoay suốt ngày với cây, với đất, ít ai ngờ rằng, cô gái này chỉ mới chính thức bỏ công việc thiết kế để làm nông dân chưa được nửa năm. Từng có 12 năm sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, thêm 6 năm trở về sống ở TP Thanh Hóa, Tuyết Nhung bảo rằng, quyết định bỏ phố lên núi, khởi nghiệp với sen đá là quyết định đúng đắn của mình. Dù quá trình đó gặp không ít khó khăn, vất vả.
 
Nhung tâm sự rằng: Không ai tưởng tượng được một người chưa bao giờ biết làm việc nặng, chưa biết cầm cuốc, xẻng hay đẩy xe rùa lại bỏ tất cả để về làm nông. Vậy mà mình đã làm, đang làm và ngày càng làm tốt hơn. Nhìn lại thì tưởng như rất đơn giản. Nhưng thật sự, để tới được bây giờ là cả một quá trình. 
 
Trong khu vườn của Nhung, việc sắp xếp cây phụ thuộc vào đặc tính của mỗi loại sen đá. Có loại cần nắng, cần gió, có loại lại ưa mát,... Nhung quan sát, nghiên cứu và dần rút kinh nghiệm để xếp chỗ phù hợp, cho cây có điều kiện tốt nhất để sinh trưởng, phát triển. Bên cạnh đó, các vấn đề như công thức đất, kỹ thuật chăm sóc cây, phân loại, nhìn ra bệnh, Nhung nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các cộng sự ở Đà Lạt.
 
Từng là khách hàng, Nhung hiểu rõ cảm giác sen đá mua về trồng nhanh chóng bị chết do xuất bán khi cây còn quá non. Chính vì vậy, cô đặt cái tâm của mình vào từng sản phẩm, để cây đủ tuổi mới cung cấp cho người mua. Thị trường không phải là điều khiến Nhung lo lắng, bởi thông qua nhiều kênh thông tin, Nhung đang từng ngày được kết nối và mở rộng thị trường đến các tỉnh thành khác. Điều khiến Nhung vẫn trăn trở là làm sao để những dòng sen đá cao cấp được ươm và đưa đến tận tay người mua với giá gần như giá sỉ, khi mà sen đá nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn chiếm số lượng lớn trên thị trường.
 
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, Nhung gấp rút hoàn thành 1.000 cây sen đá dành tặng cho phiên chợ xanh tại thị trấn D’Ran (huyện Đơn Dương). Phiên chợ xanh giảm thiểu rác thải và nilon đối với môi trường, nên sen đá được trồng vào “chậu” xơ dừa xinh xắn. Những chậu sen đá này đã được trao tặng cho các giáo viên, công nhân viên và các em học sinh của Trường THCS Lạc Nghiệp như một món quà lộc xanh đầu năm.
 
Khi lựa chọn đánh đổi của mình đã bắt đầu mang lại những thành công xứng đáng, Tuyết Nhung trải lòng: “Cuộc sống làm vườn cho mình nhiều thứ, giúp tâm tĩnh lại, nghĩ ra nhiều cách để bán hàng hơn. Thế nhưng chúng mình chỉ nên bỏ phố để đến những miền đất mới khi đã có định hướng rõ ràng về việc mình muốn làm gì, mình sẽ trồng cây gì, mình sẽ bán hàng cho ai, bán như thế nào. Hãy xác định trước sẽ nhiều khó khăn, và quan trọng nhất là đam mê phải đủ lớn, lúc đó mới dám từ bỏ “phố” để chọn cách thinh lặng riêng mình”.
 
VIỆT QUỲNH