Miền đất Tây Nguyên đã sản sinh hình thái kinh tế rẫy đồi thì cũng chính miền đất ấy tạo ra chiếc plơ, túi đựng cơm, một dấu ấn đặc trưng của địa sinh thái rẫy.
Miền đất Tây Nguyên đã sản sinh hình thái kinh tế rẫy đồi thì cũng chính miền đất ấy tạo ra chiếc plơ, túi đựng cơm, một dấu ấn đặc trưng của địa sinh thái rẫy.
Plơ, vật dụng truyền thống của người K’Ho, ngày càng được nhiều người biết đến như một dấu ấn đặc trưng của địa sinh thái rẫy |
Nét văn hóa của người K’Ho
Thuận theo điều kiện sống là một lựa chọn khôn ngoan. Tôi nhận ra điều đó sau khi chiếc cặp lồng cơm giữ nhiệt bằng chất liệu inox mà tôi cất công mua ở siêu thị bị anh bạn người K’Ho, K’Nuys, trú tại xã Gia Bắc, huyện Di Linh, ý nhị từ chối với lý do... không quen dùng đồ đắt tiền. Thực tế thì chiếc cặp lồng kia chiếm quá nhiều chỗ trong chiếc gùi, dụng cụ bất ly thân của người K’Ho, dùng để đựng thức ăn, nước uống cùng những nhu yếu phẩm khác và các công cụ lao động cho một ngày đi rẫy. Thêm nữa, cơm đựng trong chiếc cặp lồng dễ bị sũng nước dẫn đến nhão, nát và khi ăn sẽ không còn ngon, mà nguyên nhân là do chiếc cặp lồng bằng inox không có chỗ cho hơi nóng của cơm thoát ra ngoài trong quá trình tỏa nhiệt bốc hơi. Plơ thì ngược lại, nó chiếm rất ít chỗ, buổi chiều sau khi ăn hết cơm, chỉ việc cuộn nhỏ lại rồi bỏ nơi đáy gùi, tạo điều kiện thuận lợi cho gùi có thể đựng vài mớ rau rừng, ít trái cà đắng, hay dăm mớ củi khô... trên đường từ rẫy trở về nhà. Plơ lại thông thoáng, thoát hơi nước tốt nên cơm đựng trong đó luôn giữ nguyên vị, ăn sẽ ngon hơn cơm đựng trong chiếc cặp lồng.
Một nguyên do khác, ấy là tập truyền văn hóa rẫy đồi không dễ để chấp nhận những gì khác mình. Plơ ngoài ưu điểm tiện dụng, dễ dàng mang theo mỗi lần đi rẫy, còn có tính năng hỗ trợ công tác rẫy đồi, mà việc người K’Ho dùng loại túi này cất đựng hạt giống là một ví dụ. Nó cho thấy sự ứng biến của sắc dân K’Ho để trở nên phù hợp với môi trường tự nhiên. Bởi vậy, plơ không những giữ vai trò là dấu ấn văn hóa rẫy đồi, người K’Ho còn thông qua nó để khẳng định nền văn hóa của dân tộc mình, một dân tộc chủ yếu sống dựa vào thiên nhiên, nhờ sự che chở của thiên nhiên và sáng tạo nên các vật dụng sinh hoạt từ nguyên liệu thiên nhiên. Qua vật dụng ấy, chúng ta, những người có nền văn hóa khác, cũng phần nào hiểu được tính cách, lối sống, sinh hoạt và cả địa bàn cư trú của người K’Ho.
Ngày nay, plơ còn được người K’Ho sử dụng để đựng cà phê, giới thiệu với du khách về cà phê hữu cơ |
Tạo tác
Bà Ka Phíp, một người đan plơ ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, khẳng định: Mặc dù cuộc sống nơi bon làng K’Ho ngày nay đã có nhiều thay đổi, các vật dụng hiện đại cũng bắt đầu len lỏi và hiện diện trong mỗi nếp nhà, nhưng không vì thế mà người K’Ho chối bỏ chiếc plơ. Thói quen đựng cơm trong plơ mỗi khi đi rẫy vẫn được người K’Ho thường xuyên duy trì. “Ngoài việc dùng để đựng cơm phục vụ đời sống sinh hoạt rẫy đồi, plơ giờ đây còn là một mặt hàng có thể mang bán cho khách du lịch trong và ngoài nước. Thông qua những hoạt động mua bán đó, nét văn hóa đặc trưng của người K’Ho càng ngày càng được nhiều người chú ý và biết đến. Chính từ những sự hiểu biết về văn hóa bản địa, người K’Ho cũng ý thức hơn trong việc lưu giữ, truyền dạy, giáo dục con cháu thêm yêu các giá trị văn hóa của dân tộc mình”, bà Ka Phíp chia sẻ.
Theo người phụ nữ K’Ho này, plơ có nhiều loại, phân biệt qua kích cỡ, hoa văn, công dụng... Có loại plơ đan rất công phu, cầu kỳ, hoa văn rất đẹp. Có loại plơ hoa văn đơn giản hoặc ít hoa văn. Có loại plơ không có hoa văn. Tùy theo mục đích sử dụng, người K’Ho sẽ chọn đan loại plơ tương ứng. Tất nhiên, để làm ra một chiếc plơ, cho dù là đơn giản nhất, cũng phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng và khéo tay. Trước tiên, thợ đan phải tìm cho ra cây cói đặng chặt mang về nhà phơi trong bóng râm cho đến khi cói ngả sang màu hơi vàng, sợi trở nên mềm dẻo là có thể bắt tay vào đan. Tiếp theo, thợ đan tách loại những sợi cói quá già hoặc quá non, chỉ giữ lại những sợi cói có độ già vừa phải, suôn, thẳng rồi dùng một thanh tre cật dài khoảng 30 cm chuốt từng sợi cói cho thật phẳng và đều. Sau đó, thợ đan đem những sợi cói này phơi sương thêm một đêm. Bấy giờ, thợ đan mới tiến hành đan thành chiếc plơ. “Thường thì người K’Ho chọn thời điểm sáng sớm hoặc chiều tối để đan plơ. Bởi ở hai thời điểm trên, sợi cói thường mềm, dẻo, dai rất dễ đan. Nếu đan plơ vào buổi trưa hay buổi chiều thì không thể đan được, vì lúc này sợi cói rất giòn, dễ gãy”, bà Ka Phíp cho biết và nói tiếp: “Còn thời điểm thích hợp nhất cho việc phơi plơ, sau khi đan xong, là từ 9 giờ cho đến 12 giờ. Phơi ở thời điểm đó, plơ mới trắng, bóng mượt, sử dụng mới được lâu”.
TRIỀU KA