(LĐ online) - Thực trạng "cò" đặc sản Đà Lạt quấy nhiễu, lừa du khách tham quan, mua dâu tây giá rẻ nhằm trục lợi so với các năm 2013, 2015 đã giảm mạnh, hầu như vắng bóng thời gian qua.
(LĐ online) - Thực trạng “cò” đặc sản Đà Lạt quấy nhiễu, lừa du khách tham quan, mua dâu tây giá rẻ nhằm trục lợi so với các năm 2013, 2015 đã giảm mạnh, hầu như vắng bóng thời gian qua.
|
Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế phối hợp với Công an Phường 8 đi kiểm tra các vườn dâu tây trên địa bàn ngày đầu năm |
Tuy nhiên, để nạn “cò” dâu tây không còn “đất sống” trên địa bàn thành phố, lực lượng công an địa phương trong những ngày đầu năm 2021 đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, đưa vào hồ sơ quản lý nhóm đối tượng để răn đe, xử lý nghiêm theo quy định.
“Cò” manh nha hoạt động lại
Trung tá Nguyễn Thế Nhật - Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế Công an TP Đà Lạt cho biết, từ đầu năm 2021 tới ngày mùng 6 Tết Nguyên đán, đơn vị chưa ghi nhận trường hợp nào du khách phản ánh bị “cò” đặc sản, cụ thể là “cò” dâu tây quấy nhiễu, lừa đảo. Điều này đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều du khách, tài xế khi lên Đà Lạt du lịch đã biết tới các điểm bán hàng đặc sản uy tín trên địa bàn qua thông tin báo đài, công tác tuyên truyền hiệu quả của cơ quan chức năng sở tại. Do đó, nhóm “cò” và một số cơ sở làm ăn bất chính hoạt động cầm chừng, trở nên ế ẩm thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Trung tá Nhật, một số đối tượng “cò” và lò bán hàng đặc sản trên địa bàn vẫn cấu kết hoạt động lén lút nên công tác đấu tranh, đẩy đuổi đang được đơn vị tập trung thực hiện. “Hoạt động cò đặc sản đã giảm rất nhiều nhưng thời gian sau tết có một số trường hợp manh nha hoạt động lại. Chúng tôi đang đang tăng cường công tác đấu tranh, báo cáo lãnh đạo Công an TP Đà Lạt xử lý quyết liệt, triệt để thực trạng này”- Trung tá Nhật cho hay.
Đơn cử như ngày 20/2, Đội Canh sát Điều tra tội phạm kinh tế cho biết đã nhận được thông tin có một du khách nam tới từ TP Hồ Chí Minh đã mua hơn 1 triệu đồng hàng đặc sản từ 1 cơ sở trên đường Nguyên Tử Lực. Du khách này đi cùng gia đình và một tay “cò” trước khu vực Vườn hoa thành phố dẫn vào với lời mời chào tới tham quan, mua dâu tây tại trên đường Nguyên Tử Lực với giá 30.000 đồng/kg. Khi tới địa điểm trên, khách ngã ngửa là mình bị “cò” của cơ sở bán hàng đặc sản quảng cáo sai vì dâu tại đây bán với giá 150.000 đồng/kg.
Mặc dù đây là thông tin phản ánh qua điện thoại, chưa được kiểm chứng nhưng ngày 22/2, Tổ kiểm tra gồm lãnh đạo Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế và Công an Phường 8 đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế nhiều điểm trồng dâu, cơ sở bán mứt trên đường Nguyên Tử Lực.
Sau khi kiểm tra các địa điểm vườn dâu du khách phản ánh, Trung tá Vũ Ngọc Anh - Trưởng Công an Phường 8 thông tin: Hiện, trên địa bàn có 8 vườn dâu người dân trồng bán, kinh doanh nhưng thời điểm này dâu cho ra trái không nhiều; đồng thời, giá bán các loại dâu người dân trồng đều là dâu hương, dâu ngọt giống Pháp giao động từ 150.000 tới 200.000 đồng/kg, không thể có chuyện dâu bán tại vườn của người dân lại thấp như “cò” chào mời du khách. Đây hoàn toàn là chiêu trò dụ du khách (nếu có), móc hầu bao mua hàng đặc sản của một số cơ sở để được đi tham quan, mua dâu tây gía “siêu rẻ” mà “cò” quảng cáo.
“Qua làm việc với người dân trồng dâu, bước đầu có thể khẳng định người dân bán đúng giá cả, thậm chí nhiều vườn dâu thời điểm này không có dâu để bán nên không có chuyện người dân móc nối với “cò” để dụ du khách” - Trung tá Ngọc Anh thông tin.
|
Tài xế xe 16 chỗ V.V.C (43 tuổi) chở 10 khách tới từ Tây Ninh lên Đà Lạt nói “cò” quảng cáo mua hàng đặc sản và dẫn tới vườn dây tây tham quan, mua với giá thấp nhất 20.000 đồng/kg |
Rà soát, xử lý quyết liệt
Sáng 22/2, cùng đi với Tổ kiểm tra, chúng tôi ghi nhận “cò” đặc sản vẫn lén lút hoạt động. Bằng chứng là khi tới đoạn đường nhánh thuộc Tổ 1, đường Nguyên Tử (Phường 8), lực lượng công an gặp một chiếc xe khách 16 chỗ đi ngược chiều tới một vườn dâu gần đó thì một thanh niên nghi “cò” đi phía trước lập tức quay đầu bỏ chạy.
Làm việc với Tổ kiểm tra, tài xế xe 16 chỗ V.V.C (43 tuổi) cho biết mình chở đoàn khách 10 người từ Tây Ninh lên du lịch thì được 1 “cò” nữ trước khu vực Vườn hoa thành phố Đà Lạt giới thiệu tới tiệm Dâu Tây (trên đường Nguyên Tử Lực) mua hàng đặc sản và dâu tây tại vườn giá thấp nhất 20.000 đồng/kg. Ông C. cho biết lúc 11 giờ cùng ngày đã chở nhóm du khách tới của hàng trên mua hơn 1 triệu đồng tiền nước cốt dâu, túi lọc atiso… và được 1 thanh niên dẫn đi tham quan vườn dâu và bỏ chạy khi gặp lực lượng công an.
Với 2 vụ việc có dấu hiệu “cò” đặc sản hoạt động trên khu vực Phường 8, sáng 23/2, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm kinh tế cho biết đang phối hợp với Công an Phường 8 xử lý nghiêm 2 cơ sở bán hàng đặc sản tại đây.
Thông tin ban đầu, Công an TP Đà Lạt đã làm việc, đang lập hồ sơ xử lý 1 “cò”, hồ sơ vi phạm hành chính của tiệm có bán hàng đặc sản mứt Thuỳ Trang (đường Nguyên Tử Lực, Phường 8). Đây là lò bán hàng đặc sản, có dấu hiệu móc nối với “cò” thông tin sai sự thật cho nhóm du khách tới từ TP Hồ Chí Minh ngày 13/2. Riêng trường hợp tiệm bán đặc sản Dâu Tây có dấu hiệu sử dụng “cò” bán hàng cho nhóm du khách tới từ Tây Ninh ngày 22/2, tới sáng nay, chủ tiệm vẫn đóng của, không hợp tác với cơ quan chức năng, Công an Đà Lạt cho biết sẽ xử lý nghiêm, thậm chí yêu cầu, đề xuất tước giấy phép kinh doanh.
“Công tác phòng, chống tình trạng này sẽ được chúng tôi phối hợp với công an các phường xử lý quyết liệt. Trước tiên là công tác rà soát, yêu cầu các tiệm bán hàng đặc sản làm cam kết không móc nối với “cò” nâng, ép giá. Không quảng cáo sai sự thật bán dâu tây không rõ nguồn gốc, giá cả hiểu lầm cho du khách; đồng thời, quá trình kinh doanh phải có đầy đủ giấy phép về việc bán sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ” - Trung tá Nguyễn Thế Nhật thông tin.
Những năm 2016 và 2017, ngành chức năng TP Đà Lạt; trong đó, lực lượng công an là đơn vị chủ lực đã bắt giữ, xử lý và phạt hành chính gần 60 đối tượng có các hành vi sử dụng người môi giới hoạt động “cò” tiếp thị đặc sản mứt, trực tiếp hoạt động “cò” để chèo kéo, tranh giành và ép buộc du khách; tạm giữ 31 xe gắn máy.
Đến nay, tiếp tục thống kê, lập danh sách theo dõi, sưu tra với hơn 10 đối tượng; lập danh sách quản lý 12 cơ sở kinh doanh đặc sản có dấu hiệu sử dụng “cò”, nếu tái phạm sẽ xử lý nghiêm theo luật định. Lãnh đạo Công an TP Đà Lạt khuyến cáo du khách không tin theo lời chào mời của các đối tượng tiếp thị dưới dạng “cò” đặc sản; kịp thời phản ánh và thông báo về đường dây nóng.
Ngay từ đầu năm 2017, UBND TP Đà Lạt đã công bố các số điện thoại đường dây nóng để Nhân dân và du khách phản ánh các hoạt động của “cò du lịch”, cũng như tình trạng gian lận thương mại trên địa bàn. Đó là các số: 0912.903.178 (Phòng Văn hóa thông tin Đà Lạt), 0912.903.707 (Phòng Kinh tế), Trực ban Công an TP Đà Lạt: 02633.822.032; Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế: 02633.823.475. Các số điện thoại này hoạt động 24/24, được niêm yết công khai tại các cơ sở kinh doanh lưu trú, nhà hàng, các điểm mua bán hàng đặc sản trên địa bàn TP Đà Lạt.
CHÍNH THÀNH