Cảnh giác với sinh vật ngoại lai

06:03, 10/03/2021

Rất nhiều sinh vật ngoại lai, từ cây cỏ đến động vật, đã du nhập vào Việt Nam và vào tỉnh Lâm Đồng bằng nhiều cách...

Rất nhiều sinh vật ngoại lai, từ cây cỏ đến động vật, đã du nhập vào Việt Nam và vào tỉnh Lâm Đồng bằng nhiều cách. Cần cảnh giác với những sinh vật này vì chúng có thể mang lại tác hại rất lớn đến nhiều mặt trong kinh tế lẫn đời sống.
 
Sông Đa Nhim trong mùa khô tại Đơn Dương
Sông Đa Nhim trong mùa khô tại Đơn Dương
 
Cuộc chiến với cây Mai dương 
 
“Thoạt nhìn thì chúng có vẻ vô hại vì mọc ở bờ sông, không ảnh hưởng gì nhiều đến các diện tích hoa màu ven bờ nhưng tác hại của chúng là vô cùng lớn” - bà Nguyễn Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp Đơn Dương bắt đầu với câu chuyện chống cây Mai dương của huyện. 
 
Sông Đa Nhim chảy dọc trên địa bàn Đơn Dương, qua Đức Trọng rồi đổ về dòng Đa Dâng; đây là con sông cung cấp nước chính cho cả 2 thủy điện nổi tiếng của Lâm Đồng là Thủy điện Đa Nhim và Thủy điện Đại Ninh. Con sông cũng mang nước tưới cho nhiều diện tích hoa màu chạy dọc theo 2 bên triền sông của huyện Đơn Dương nhưng cũng là nguồn cơn phá hoại mùa màng khi nước dâng cao trong mùa lũ.
 
Trong rất nhiều năm nay, theo bà Bé, Đơn Dương đã phải rất vất vả để chống lại cây Mai dương - một loài sinh vật ngoại lai (SVNL) vốn mọc tràn lan 2 bên triền sông, tràn xuống các vạt bãi bồi với diện tích cộng lại rất lớn, khoảng 160 ha. Huyện hằng năm đã phải huy động một lực lượng rất lớn về con người, chi ra khoảng 200 triệu đồng từ ngân sách chỉ để diệt trừ loại cây hoang dại có sức sống mãnh liệt này. 
 
Vì sao Đơn Dương phải nỗ lực lớn để diệt trừ Mai dương? Đơn giản, vì chúng ngăn dòng chảy của sông. “Trong mùa mưa bão, khi nước hồ Đơn Dương nâng cao, Thủy điện Đa Nhim buộc phải xả lũ, loài cây này mọc dày đặc dọc triền sông làm thu hẹp dòng chảy. Khi nước bị ngăn lại, dòng chảy sẽ dâng cao, tràn vào các cánh đồng hoa màu 2 bên bờ, tàn phá mùa màng. Đây là nỗi đe dọa người dân Đơn Dương phải đối mặt mùa mưa mỗi năm” - bà Bé cho biết.
 
“Số tiền 200 triệu đồng này được sử dụng để mua hóa chất, hỗ trợ công phun xịt diệt trừ cây. Thuốc phun và tiền hỗ trợ được phân phối xuống các xã, thị trấn cùng các đơn vị trên địa bàn theo danh sách đăng ký trước, địa phận xã nào xã đó chịu trách nhiệm. Thông thường trong nhiều năm nay, các xã, thị trấn tại Đơn Dương huy động các đoàn thể, Đoàn Thanh niên ra quân chặt bớt cây, thuê người phun xịt” - bà Bé nói.
 
Để diệt trừ cây Mai dương, theo bà Bé, huyện sẽ đợi vào đầu mùa mưa, khi loài cây này mọc chừng nửa mét hay cao hơn một chút sẽ phun hóa chất, bởi đây là thời điểm hiệu quả nhất để diệt trừ chúng - điều mà huyện đã rút được kinh nghiệm trong nhiều năm nay. “Có lẽ trong cả tỉnh đến nay Đơn Dương là huyện có cách diệt trừ cây Mai dương bài bản nhất” - bà Bé nhận xét.
 
Bên cạnh dòng Đa Nhim, Đơn Dương còn yêu cầu tất cả các hồ đập thủy lợi trên địa bàn cũng phải ra quân phun thuốc diệt trừ cây Mai dương hằng năm. Riêng hồ Thủy điện Đơn Dương, theo bà Bé, trong nhiều năm nay định kỳ hằng năm đơn vị quản lý tổ chức diệt Mai dương dọc theo các triền hồ. 
 
Cuộc chiến với cây Mai dương này, theo bà Bé, như kéo dài bất tận trong suốt hơn chục năm nay. “Cần có một cuộc nghiên cứu rất kỹ ở cấp độ tỉnh hay quốc gia để đối phó vì mức độ tái sinh của chúng thật ghê gớm. Mai dương có thể mọc từ rễ, từ thân cây, từ hạt trong điều kiện khắc nghiệt nhất, hạt của chúng tồn tại rất lâu trong đất, trong cát, theo dòng sông trôi đi rất xa xuống vùng hạ lưu, khi gặp điều kiện thuận lợi là chúng nảy mầm. Trên các vùng bờ sông này, năm nay diệt sạch, chỉ cần một thời gian là chúng lên lại như mới, như chẳng hề hấn gì” - bà Bé thông tin thêm. 
 
Những loài sinh vật gây hại 
 
Mai dương (Trinh nữ thân gỗ - Mimosa pigra) không phải là SVNL gây hại xuất hiện duy nhất trên đất Lâm Đồng lâu nay. 
 
Một cuộc điều tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng gần đây cho thấy, trên địa bàn tỉnh còn có thêm 5 loài SVNL gây hại khác gồm Bèo tây (Eichhornia crassipes), cỏ Lào (Chromoleana odorata), cây Ngũ sắc (Lantana camara), cây Lược vàng (Callisia fragrans) và Trinh nữ móc (Mimosa diplotricha); cùng 3 loài động vật ngoại lai gây hại là cá Tỳ bà (Hypostomus punctatus), Ốc bươu vàng (Pomacea canaliculata) và Rùa tai đỏ (Trachemys scripta). 
 
Cùng đó, một số loài SVNL khác mang nguy cơ gây hại cũng đã có mặt ở Lâm Đồng lâu nay, trong thực vật có cây Cứt lợn (Ageratum conyzoides), Keo giậu (Leucaena leucocephala), Gừng dại (Hedychium gardnerianum) và cây Sò đo cam (Spathodea campanulata); trong động vật có cá Chim trắng toàn thân (Piaractus brachypomus), cá Rô phi đen (Oreochromis mossambicus), cá Trê phi (Clarias gariepinus), cá Diêu hồng (Oreochromis spp), cá Bảy màu (Poecilia reticulate), cá Mè hoa (Hypophthalmichthys nobilis), cá Trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), cá Chép (Cyprinus carpio) và Cu gáy vằn (Geopelia striata). 
 
Trong quá trình điều tra hiện trường trong tỉnh các nhà nghiên cứu cũng đã ghi nhận còn có mặt thêm 25 loài thực vật có nguy cơ gây hại nếu không có biện pháp quản lý, ngăn chặn hiệu quả. Tiêu biểu trong số này là Bèo cái, Bèo tổ ong, Cà trái vàng, Cây dướng, Chùm bao, Cỏ gừng, Cỏ tranh, Cúc đồng, Điền ma Mỹ, Cúc quỳ, Xấu hổ. Trong số này có các loài Cỏ gừng, Cỏ tranh, Cúc đồng, Điền ma Mỹ, Xấu hổ đang xâm lấn và gây tác hại lâu dài lên các hệ sinh thái tự nhiên của nhiều địa phương trong tỉnh. 
 
Những SVNL này theo các nhà nghiên cứu, vào Việt Nam và đến đất Lâm Đồng theo nhiều con đường như lan truyền qua đường tự nhiên như Bèo tây, cỏ Lào, Trinh nữ móc, Gừng dại, Cu gáy vằn; hay du nhập với chủ đích làm kinh tế, làm cây cảnh như các loài Lược vàng, Sò đo cam, cá Tỳ bà, Ốc bươu vàng, Rùa tai đỏ, cá Diêu hồng hoặc cũng có thể từ việc xâm nhập không chủ đích như cây Mai dương.
 
Các loài SVNL gây hại trên, theo ngành chức năng Lâm Đồng, đã và đang gây tác hại đến đa dạng sinh học, môi trường, sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo nhiều mức độ. Xâm hại mức độ nghiêm trọng nhất hiện nay chính là loài Trinh nữ thân gỗ (Mai dương), Trinh nữ móc, Ốc bươu vàng; mức độ gây hại cao có các loài Bèo tây, cây Ngũ sắc, cỏ Lào, cá Tỳ bà, cá Bảy màu...; còn gây hại ở mức độ thấp có cây Lược vàng, Sò đo cam, Rùa tai đỏ. 
 
Cần ngăn chặn sớm
 
Như ngành chức năng tỉnh đánh giá, quản lý SVNL xâm hại đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp trong nước và trong tỉnh. Do tính chất phức tạp và mức độ gây hại nghiêm trọng của các loài SVNL, việc phòng trừ cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua nhiều biện pháp như kiểm dịch thực vật, đánh giá nguy cơ dịch hại, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, giáo dục kiến thức bảo vệ đa dạng sinh học và quản lý SVNL.
 
Tại Lâm Đồng, một bản đồ phân bố đi kèm cơ sở dữ liệu về các SVNL gây hại và có nguy cơ gây hại trên địa bàn đã được ngành chức năng tỉnh xây dựng khá chi tiết. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Lâm Đồng, bản đồ này có thể áp dụng ngay cho công tác quản lý SVNL gây hại tại địa phương. Chỉ riêng với bản đồ mô phỏng các vùng phân bố tiềm năng của các loài động vật ngoại lai gây hại, trong quá trình sử dụng cần bổ sung thêm thông tin các địa điểm phân bố loài để giúp quản lý tốt hơn.
 
Để ngăn ngừa tác hại của các loài SVNL gây hại, các địa phương trong tỉnh theo khuyến cáo, cần vận dụng các phương cách phù hợp theo điều kiện thực tế của địa phương, chú ý đến việc phòng trừ sớm bằng các biện pháp thích hợp với từng vùng sinh thái, đặc điểm loài SVNL và mức độ xâm hại. 
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, tỉnh cần sớm phê duyệt và đưa vào thực thi “Đề án quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát SVNL trên địa bàn toàn tỉnh cho giai đoạn 2021-2030” sắp đến, trong đó có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện.
 
Sở cũng đưa ra yêu cầu sắp đến cần tiếp tục nghiên cứu thêm về 25 loài thực vật và 6 loài động vật có nguy cơ gây hại đang là mối đe dọa tiềm tàng của tỉnh hiện nay; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các mô hình, biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm ngăn ngừa và kiểm soát SVNL xâm hại có hiệu quả, đặc biệt đối với cây Mai dương và loài Ốc bươu vàng; bố trí kinh phí cho các đơn vị chủ rừng triển khai các biện pháp phòng trừ SVNL xâm hại.
 
Tỉnh cũng cần thực hiện các biện pháp kiểm soát, áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch; kiểm soát chặt chẽ và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của SVNL; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của SVNL. 
 
Trước mắt, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các khu vực mới bị xâm nhiễm hoặc tái nhiễm. Đối với thực vật là SVNL gây hại, tận dụng mọi khả năng có thể để phủ kín mặt đất bằng các loài thực vật thích hợp vì đa số các loài thực vật ngoại lai đều ưa sáng; chủ động trồng các loại thực vật phù hợp để lấn át sự xâm nhiễm của thực vật ngoại lai ngay từ đầu. Các loài thực vật hay cây trồng được lựa chọn để sử dụng làm cây cạnh tranh phải phù hợp với từng vùng sinh thái. Với các loài động vật ngoại lai gây hại, cần huy động lực lượng cộng đồng để tìm diệt sớm, có thể khuyến khích thu bắt để làm thức ăn cho người hay gia súc hoặc áp dụng các biện pháp bẫy bắt khi mật độ còn thấp.
 
VIẾT TRỌNG