Huyện Cát Tiên bắt đầu triển khai Đề án "Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"...
Huyện Cát Tiên bắt đầu triển khai Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định 1836, ngày 25/8/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Đề án 1836). Mục tiêu của đề án đặt ra hàng năm giảm 10-15% số vụ vi phạm, diện tích rừng và lâm sản thiệt hại.
|
Vườn Quốc gia Cát Tiên hoàn thành rà soát hiện trạng sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trong quý 2/2021 |
Theo kết quả điều chỉnh quy hoạch và cơ cấu 3 loại rừng giai đoạn năm 2016-2025, huyện Cát Tiên có 21.832 ha rừng đặc dụng do Vườn Quốc gia Cát Tiên quản lý và 5.835 ha rừng sản xuất do Hạt Kiểm lâm huyện Cát Tiên, UBND xã Nam Ninh, các hộ gia đình nhận khoán quản lý, bảo vệ. Qua theo dõi diễn biến rừng từ năm 2019, độ che phủ rừng huyện Cát Tiên đạt 64%; đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp có 44/48 ha. Ngoài ra, có hơn 3 ha rừng bị phá trong năm 2016 và 2018 tại Tiểu khu 534, 530, thuộc địa bàn xã Nam Ninh, huyện Cát Tiên.
Trước hiện trạng rừng nói trên, Đề án 1836 của huyện Cát Tiên xác định giải pháp thường xuyên, liên tục tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư sống ven rừng ký cam kết tham gia bảo vệ rừng, không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Đối với chủ rừng nhà nước phải hoàn thành xây dựng và triển khai phương án quản lý rừng bền vững được cấp thẩm quyền phê duyệt trong năm 2021. Tương tự chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân xây dựng và nhân rộng các mô hình tuần tra chung; khuyến khích liên kết xây dựng và tổ chức thực hiện theo phương án quản lý rừng bền vững. Cụ thể, huyện Cát Tiên kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; các tổ, đội tuần tra, kiểm tra rừng của Hạt Kiểm lâm, Đội 12 của huyện, đơn vị chủ rừng tổ chức phối hợp tuần tra theo nhóm, tổ tại hiện trường rừng, mở sổ theo dõi về thời gian, địa điểm, thành phần lực lượng tham gia.
“Đơn vị chủ rừng, UBND xã được giao trách nhiệm quản lý rừng, chủ rừng là các hộ gia đình phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Tùy theo mức độ thiệt hại và tính chất vi phạm của vụ việc, chủ rừng nhà nước chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định...”, Đề án 1836 của UBND huyện Cát Tiên nhấn mạnh. Riêng các hộ nhận khoán bảo vệ rừng nhưng để mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp thì phải kiên quyết thu hồi lại toàn bộ diện tích rừng đã giao.
Với giải pháp khôi phục và phát triển rừng, Đề án 1836 của huyện Cát Tiên xác định nhiệm vụ của các đơn vị chủ rừng phải kiên quyết giải tỏa diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm từ năm 2016 đến nay, đồng thời tổ chức trồng lại rừng ngay trong năm 2021. Đối với diện tích hơn 3 ha rừng bị phá năm 2016, 2018 tại Tiểu khu 530, 534, xã Nam Ninh cần thống kê lại hiện trạng để triển khai trồng rừng hoặc khôi phục rừng trong năm 2021 nếu là đất đang trồng cây nông nghiệp. Riêng việc khôi phục 44/48 ha đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, trong đó gồm 35 ha diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên cần hoàn thành việc điều tra, rà soát hiện trạng đang sản xuất nông nghiệp trong quý II/2021. Qua đó, giải quyết theo 2 hình thức: di dân, tái định canh, định cư ra khỏi khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; khôi phục diện tích rừng chưa đảm bảo độ che phủ. Còn lại 9 ha đất lâm nghiệp đang được người dân sản xuất nông nghiệp, các chủ rừng, UBND xã Nam Ninh cần rà soát hiện trạng, vận động người dân tổ chức trồng thêm các loại cây điều, keo, sao, mít... nhằm tăng tỷ lệ độ che phủ rừng... Sau khi hoàn thành việc trồng xen cây lâm nghiệp, cây đa mục đích để phục hồi và tăng độ che phủ của rừng trên diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, Đề án 1836 của huyện Cát Tiên nêu rõ đơn vị chủ rừng lập hồ sơ giao khoán cho các hộ theo quy định hiện hành. Các hộ nhận khoán được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...
Từ nay đến năm 2025, định hướng năm 2030, Đề án 1836 của huyện Cát Tiên với mục tiêu cần thực hiện “quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Khôi phục, phát triển rừng bằng các giải pháp trồng mới, khoanh nuôi tái sinh, trồng xen cây lâm nghiệp và cây đa mục đích với mật độ thích hợp, tăng thu nhập cho người dân...”.
VĂN VIỆT