Lần đầu tiên, huyện Lâm Hà ban hành đề án riêng về phát triển du lịch huyện...
Lần đầu tiên, huyện Lâm Hà ban hành đề án riêng về phát triển du lịch huyện. Lộ trình phát triển ngành “công nghiệp không khói” đã được địa phương này xây dựng kế hoạch chi tiết đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm xây dựng ngành du lịch hiệu quả và bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong hành trình phát triển ấy, du lịch phải song song với bảo vệ môi trường. Đồng thời không đánh đổi môi trường để phát triển du lịch.
|
Lâm Hà có nhiều cảnh quan thiên nhiên tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh huyện Lâm Hà cung cấp |
Đánh thức tiềm năng
Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết: Hiện nay, du lịch đang là nhu cầu của xã hội, là một trong những ngành kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế nói chung. Lâm Hà là địa phương hội tụ nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch như: Nằm cạnh thành phố Đà Lạt - trung tâm phát triển du lịch của tỉnh và khu vực, gần Sân bay Liên Khương và có các trục đường giao thông quan trọng nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh. Lâm Hà có khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái tự nhiên phong phú, nền văn hóa đa dạng của các dân tộc... Đó là những tiềm năng rất lớn giúp du lịch Lâm Hà cất cánh trong tương lai.
Những năm trước đây, mặc dù Lâm Hà chưa chú trọng đúng mức trong phát triển du lịch song cũng đã có một số loại hình như: Tham quan các danh lam thắng cảnh, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề... được hình thành. Tuy vậy, giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu ngành du lịch đạt thấp, chiếm 2,1% giá trị ngành dịch vụ. Tỷ lệ khách lưu trú và khách quốc tế đến Lâm Hà còn thấp so với tổng lượt khách. Bên cạnh đó, vấn đề phát triển du lịch theo dạng tự phát, thiếu quy hoạch và kiểm soát nên chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có. Đồng thời đó cũng là lý do việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, Lâm Hà chưa thực sự khẳng định mình trên bản đồ du lịch Nam Tây Nguyên.
Năm 2021, lần đầu tiên huyện Lâm Hà xây dựng Đề án phát triển du lịch trên địa bàn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Lãnh đạo huyện cho rằng, đề án chính là kim chỉ nam để du lịch được phát triển đúng hướng và có quy hoạch. Theo đó, địa phương này xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Phát triển du lịch bền vững gắn liền với sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển thương mại; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bảo đảm hài hòa giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các vùng miền và dân tộc trên địa bàn.
|
Các làng nghề cũng là một trong những thế mạnh của Lâm Hà để phát triển du lịch. Ảnh: Văn Báu |
Không đánh đổi để phát triển du lịch
Việc xây dựng và phát triển du lịch theo đề án là giải pháp góp phần thu hút đầu tư vào địa bàn. Nếu đi đúng hướng, đó sẽ là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra với Lâm Hà hiện nay ở yếu tố đầu tư phát triển du lịch là vấn đề liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp.
Thông tin từ UBND huyện Lâm Hà cho thấy địa phương này hiện có 36.544 ha diện tích đất lâm nghiệp, chiếm 39,28% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng là 22.877 ha, độ che phủ rừng đạt 25%. Rừng Lâm Hà không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của địa phương mà hệ động, thực vật phong phú là tiềm năng rất lớn cho việc phát triển du lịch sinh thái. Bởi vậy, phát triển các khu du lịch sinh thái với những sản phẩm du lịch gần gũi với tự nhiên là hướng đi tất yếu và phù hợp, song đây có thể là cái cớ mà một số đối tượng lợi dụng để tác động vào rừng hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp. Từ đó, có nguy cơ xảy ra tình trạng phân lô, bán nền trái phát luật, phá vỡ cảnh quan môi trường… “Đó là vấn đề hoàn toàn có khả năng xảy ra”, ông Đinh Đức Chí khẳng định. Và thực tế đã có dấu hiệu này tại một số khu vực xã Mê Linh. Đầu tháng 3/2021, UBND huyện Lâm Hà đã thành lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với việc xây dựng các công trình để hoạt động kinh doanh du lịch của 4 hộ tại Thôn 2, 3 và thôn Hang Hớt, xã Mê Linh.
Câu hỏi đặt ra rằng, liệu đi vào thực hiện đề án phát triển du lịch khi vấn đề rừng và đất lâm nghiệp còn quá nóng bỏng như hiện nay ở Lâm Hà thì cần lưu tâm thực hiện như thế nào? Đối với vấn đề này, lãnh đạo huyện Lâm Hà xác định rõ du lịch là hướng đi phù hợp xu thế, có giá trị quan trọng đối với sự phát triển. Còn quản lý tài nguyên và môi trường, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp là một trong những vấn đề trọng tâm hàng đầu hiện nay của Lâm Hà đòi hỏi sự vào cuộc trách nhiệm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Hai vấn đề này cần được thực hiện song hành, không thể vì bảo vệ tài nguyên, môi trường mà không phát triển du lịch và ngược lại không vì phát triển du lịch mà làm ảnh hưởng đến tài nguyên, môi trường. Huyện Lâm Hà xác định rõ phát triển du lịch song tuyệt đối không ồ ạt, không tràn lan. Phát triển du lịch đúng quy hoạch, đúng định hướng để bảo vệ cảnh quan môi trường, hướng tới bền vững. Không đánh đổi phát triển du lịch bằng mọi giá để rồi phải trả những cái giá rất đắt. Để làm được điều này, huyện Lâm Hà cũng đã yêu cầu các ngành và địa phương cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và hiệu quả trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường nói chung, quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp nói riêng. Từ đó, hai nội dung nêu trên được thực hiện hiệu quả và đồng điệu trong sự phát triển chung của địa phương.
NGỌC NGÀ