Là địa phương với địa hình bị chia cắt khá phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối nhỏ và tình trạng thiếu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn rất phổ biến, nên những năm qua huyện Di Linh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ...
Là địa phương với địa hình bị chia cắt khá phức tạp, nhiều đồi núi, sông suối nhỏ và tình trạng thiếu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp còn rất phổ biến, nên những năm qua huyện Di Linh đã tập trung đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Hiện các công trình này đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Người dân xã Đinh Lạc chủ động nước tưới cho 95% diện tích cây trồng |
Với đặc thù là vùng cao nguyên nên Di Linh chủ yếu phát triển cây công nghiệp và lúa nước, với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trên 52 ngàn ha và hàng năm số diện tích gieo trồng đạt trên 55 ngàn ha. Do địa hình bị chia cắt, đồi núi cao, các sông suối, hồ đập còn hạn chế... nên việc tìm nguồn nước tưới là một trong những khó khăn lớn nhất của địa phương trong sản xuất nông nghiệp.
Theo ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh: “Để bà con nông dân có nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, năm 2013, UBND huyện Di Linh đã làm thí điểm đào một số ao, hồ nhỏ để phân bổ nguồn nước gần với vườn cà phê, diện tích cây ăn quả, khu vực sản xuất lúa nước. Đến 2015, thấy hiệu quả, UBND tỉnh về khảo sát, đánh giá và trên cơ sở đó năm 2016 tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ đào ao, hồ vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Qua thống kê, giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện Di Linh đã đào được 597 ao do Nhà nước hỗ trợ và người dân đóng góp. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 53 công trình thủy lợi, khoảng 378 hồ chứa nước, 15 đập dâng, trên 6.238 ao, hồ tích nước và trên 3.500 giếng khoan, cơ bản đã chủ động đáp ứng được nguồn nước tưới tiêu cho trên 65% diện tích. Nhờ đó sản xuất nông nghiệp đã được ổn định và khởi sắc.
Xã Đinh Lạc có 2.409 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2.288,5 ha chủ động nước tưới, đạt tỷ lệ 95%. Ngoài nguồn nước từ công trình thủy lợi Ka La, 2 ao hồ lớn, sông suối tự nhiên, 135 công trình giếng khoan thì những năm qua địa phương đã được đầu tư kinh phí trên 1,1 tỷ đồng đào 250 ao, trong đó Nhà nước hỗ trợ với số tiền gần 530 triệu đồng. Nhìn chung, các công trình sau khi được đưa vào sử dụng, khai thác đã phát huy hiệu quả nguồn nước tưới, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần ổn định đời sống cho nông dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số.
Ông K’Brel, thôn Kao Kuil, xã Đinh Lạc cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 5 ha cà phê. Trước đây, vào những tháng cao điểm của mùa khô, người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về nước tưới do xa hồ đập. Nhưng kể từ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào ao, chúng tôi đã chủ động được nước tưới”. Còn anh K’Tài ở cùng thôn bày tỏ: “Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nên ở khu vực này chúng tôi đã đào được 3 ao với diện tích trên 1 sào, chủ động và chia sẻ được nguồn nước tưới cho các hộ liền kề nên cây trồng phát triển khá ổn định, năng suất được cải thiện”.
Tại xã Gung Ré, nhiều năm nay, bà con nông dân trong xã không còn cảnh phải lo nguồn nước tưới cho cây trồng bởi những nơi xa hồ đập, bà con đã tự xây dựng hệ thống thủy lợi bậc thang, tự đào hàng trăm ao, hồ nhỏ để tích nước chống hạn cho cây trồng.
Ông Phạm Văn Tú, ở thôn Lăng Kú chia sẻ, năm 2020 gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50%, tương đương khoảng 15 triệu đồng cùng với số tiền của gia đình đóng góp đã đào được ao tích nước với diện tích 1.000 m2. Từ nguồn nước này, gia đình ông Phạm Văn Tú không chỉ đảm bảo nguồn nước tưới 8 sào vườn cà phê của gia đình, mà còn hỗ trợ cho các hộ khác tưới khoảng 3,3 ha cà phê và rau màu.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết: “Từ khi có Đề án hỗ trợ đào ao, hồ vừa và nhỏ thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp bà con nông dân có ao tích nước và chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn được thuận lợi hơn”.
Có thể nói, việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vừa và nhỏ đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, nhất là đáp ứng tốt yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay.
LAM PHƯƠNG