Lạc Dương: Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, hiện đại hóa công tác quản lý đất đai

04:03, 31/03/2021

Để hoàn thành Dự án "Hoàn thiện hồ sơ địa chính huyện Lạc Dương" đảm bảo yêu cầu, đúng tiến độ, các ngành chức năng, bộ phận chuyên môn của địa phương đang khẩn trương thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Nhân dân trên địa bàn huyện. 

Để hoàn thành Dự án “Hoàn thiện hồ sơ địa chính huyện Lạc Dương” đảm bảo yêu cầu, đúng tiến độ, các ngành chức năng, bộ phận chuyên môn của địa phương đang khẩn trương thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Nhân dân trên địa bàn huyện. 
 
Người dân Thôn 1, xã Đạ Sar vui mừng, phấn khởi khi được UBND huyện Lạc Dương đo đạc, lập bản đồ địa chính miễn phí
Người dân Thôn 1, xã Đạ Sar vui mừng, phấn khởi khi được UBND huyện Lạc Dương đo đạc, lập bản đồ địa chính miễn phí
 
Theo đó, huyện Lạc Dương đang triển khai Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 2620/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 của UBND tỉnh và Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 21/6/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường. Để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính trên tổng diện tích hơn 14.000 ha; tiến tới cấp GCNQSDĐ cho người dân, huyện Lạc Dương đã thành lập tổ lưu động xuống từng địa phương làm việc cả ngày, kể cả ngày nghỉ cuối tuần để phục vụ người dân.
 
Những ngày này, tại xã Đạ Sar, 4 tổ đo đạc địa chính của Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam đang khẩn trương làm việc ngày đêm để tiến hành các công việc đo đạc địa chính cho người dân. Với diện tích cần đo đạc lên đến 4.200 ha, dự kiến đơn vị sẽ mất khoảng 1 năm để hoàn thiện công việc này. 
 
Anh Lê Ngọc Nga, Đội trưởng Đội đo đạc cho biết: Việc tiến hành đo đạc địa chính của các hộ dân được thực hiện theo các bước: Tiếp nhận hồ sơ của các hộ dân, xác định lại ranh giới và tiến hành tổ chức đo đạc. Trung bình, mỗi hộ gia đình chỉ mất từ 10 - 15 phút, người dân hầu hết đều rất hài lòng trước thái độ phục vụ tận tình của các tổ đo đạc. Sau đó, số liệu thu thập, đo đạc địa chính của từng hộ gia đình sẽ được các tổ nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để thiết lập bản đồ địa chính cho từng khu vực. 
 
Ngoài ra, để việc đo đạc đất đai nhanh chóng, thuận lợi cho người dân, UBND xã Đạ Sar đã tổ chức họp dân nhiều lần để thông báo về chủ trương, quyền lợi của người dân khi được đo đạc, lập bản đồ địa chính để cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, chỉ đạo cho Phòng Địa chính xã, các ban tự quản các thôn, buôn trên địa bàn đi “từng ngõ, gõ từng nhà, đồng thời, tận tình tuyên truyền, thông báo chính xác thời gian, địa điểm qua loa phát thanh đến từng người dân, từng gia đình để người dân bố trí thời gian, sắp xếp công việc, phối hợp với các đơn vị để kê khai, đo đạc một cách nhanh nhất, tránh phải chờ đợi lâu. 
 
Anh Phạm Hoàn Đức, cán bộ địa chính xã Đạ Sar cho biết: Đối với người dân xã Đạ Sar, trước đây các gia đình đều có diện tích đất sản xuất liền mảnh. Tuy nhiên, sau đó họ lần lượt chia nhỏ đất khi các con cái lớn lên, hoặc xây dựng gia đình, thậm chí mua bán, sang nhượng cho người khác. Chính vì vậy, nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân tại địa phương không có ranh giới địa chính, thống kê diện tích rõ ràng. Trong khi đó, người dân muốn đo đạc địa chính thì lại không rành các thủ tục đăng ký, hoặc ngại về các vấn đề chi phí. Nay dự án được triển khai, việc đo đạc sẽ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước, các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đai không phải nộp phí đo đạc nên người dân vô cùng phấn khởi. 
 
Ông Liêng Jrang Ha Be, Trưởng Thôn 1, xã Đạ Sar chia sẻ: Hơn 1 tuần qua, ngày nào tôi cũng cùng các cán bộ đi từng nhà các hộ dân để theo dõi và giám sát công việc đo đạc địa chính. Mặc dù, trên địa bàn Thôn 1, diện tích đất cần kê khai, đo đạc lớn, chưa kể là nhiều thửa đất nhỏ lẻ, nhưng các cán bộ đo đạc nói sẽ tiến hành đo hết, lúc nào xong mới thôi. Điều này khiến tôi và người dân vô cùng vui sướng. 
 
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Dương cho biết: Qua kiểm tra, rà soát tổng thể, hiện mới chỉ có 50% diện tích đất ở, đất sản xuất của người dân trên địa bàn huyện Lạc Dương được đo đạc, làm hồ sơ địa chính. Bên cạnh đó, việc đo đạc này cũng đã thực hiện trước thời điểm năm 2000, do đó trong quá trình quản lý hành chính hiện nay phát sinh nhiều bất cập. 
 
Chính vì vậy, UBND huyện Lạc Dương đang triển khai Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ cho người dân. Dự án hoàn thiện sẽ tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, vướng mắc để hoàn thành mục tiêu của dự án đã đề ra, đảm bảo khắc phục được những vấn đề bất cập trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ trước đây.
 
Đồng thời, cập nhật và chỉnh lý cơ sở dữ liệu địa chính của địa phương vào hệ thống phần mềm quản lý, vận hành của tỉnh và Trung ương. Qua đó, góp phần hiện đại hóa công tác quản lý đất đai. Phần mềm cho phép hiển thị tất cả thông tin về quy hoạch, tình trạng pháp lý, diện tích của thửa đất... chỉ với một vài thao tác. Nhờ đó, việc kiểm tra, thẩm định nhanh hơn hẳn, rút ngắn được 70% đến 80% thời gian so với cách làm thủ công trước đây. Phần mềm cũng cho phép người dân truy xuất dữ liệu trực tuyến về thửa đất, lô đất, dự án, công trình đang thi công, quy hoạch mà họ quan tâm, tạo tính minh bạch trong quá trình thực hiện các thủ tục về đất đai.
 
Dự án đã bắt đầu được triển khai từ tháng 3/2021, dự kiến sẽ hoàn thành trong 24 tháng. Hiện, các đơn vị tiến hành đo đạc, triển khai cụ thể việc thực hiện dự án đến từng khu vực thôn, xã, thị trấn trong huyện.
 
Để việc đo đạc đất đai nhanh chóng, thuận lợi, UBND huyện Lạc Dương yêu cầu UBND các xã, thị trấn có liên quan tăng cường trách nhiệm trong việc phối hợp thực hiện dự án, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình, quy định của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án. Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất xác định ranh giới và cắm mốc tại thực địa, phối hợp với các đơn vị đo đạc chỉ dẫn ranh giới khi có yêu cầu. 
 
HOÀNG SA