Nhiều diện tích trồng rừng 30a sau khai thác ở Đam Rông không trồng lại rừng, hoặc người dân tự ý chuyển đổi mục đích, chính vì vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk xin thanh lý hợp đồng với những diện tích này...
Nhiều diện tích trồng rừng 30a sau khai thác ở Đam Rông không trồng lại rừng, hoặc người dân tự ý chuyển đổi mục đích, chính vì vậy, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk xin thanh lý hợp đồng với những diện tích này để trồng rừng tập trung nhằm đảm bảo công tác phát triển rừng trên địa bàn.
|
Nhiều diện tích rừng 30a người dân tự ý chuyển đổi sang trồng cà phê, rau màu |
Là huyện nghèo được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Đam Rông đã thực hiện chính sách hỗ trợ thông qua việc giao đất để trồng rừng sản xuất (trồng keo). Ban QLRPH Sêrêpốk là đơn vị chủ đầu tư của dự án, được thực hiện từ năm 2009 đến nay.
Theo số liệu thống kê của Ban QLRPH Sêrêpốk, qua 10 năm (2009 - 2018) thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tổng diện tích rừng đã trồng được khoảng 2.872,10 ha/2.622 hộ, đạt bình quân 1,10 ha/hộ. Kết quả này đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Tuy nhiên, với diện tích sau khai thác, các hộ dân để đất trống, lồ ô tái sinh hoặc tự ý chuyển đổi cây trồng trái phép (cà phê, hoa màu). Mặc dù đã được đơn vị kết hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động qua các cuộc họp thôn; tuy nhiên các hộ dân không tiến hành trồng lại rừng theo quy định và đa số các hộ dân không có nhu cầu trồng lại rừng.
Thực hiện việc khảo sát diện tích đất lâm nghiệp được giao trồng rừng sản xuất tại các xã cho thấy, có không ít diện tích rừng keo đã bị chặt bỏ hoặc quá kỳ thu hoạch nhưng bà con không khai thác. Được biết, đây là tình trạng chung ở các xã có diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng theo Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Đam Rông.
Do việc trồng rừng 30a chưa đạt hiệu quả như mong muốn dẫn đến tình trạng người dân tự ý chuyển đổi đất trồng rừng sang các cây trồng khác không đúng mục đích của chương trình là điều làm chính quyền địa phương và đơn vị chức năng lo ngại. Ông Nguyễn Trọng Đức, Phó Trưởng Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết, sau khi có nghị quyết triển khai công tác trồng rừng, huyện Đam Rông đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác trồng rừng để triển khai cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác trồng rừng. Trên thực tế, đơn giá hỗ trợ trồng rừng trong những năm đầu thấp hơn so với các dự án trồng rừng khác trên địa bàn nên vẫn chưa khuyến khích được người dân tham gia và một số người dân vẫn chưa hiểu rõ được lợi ích lâu dài của việc trồng rừng mang lại.
Mặt khác, do diện tích rừng trồng chưa đến tuổi nhưng các hộ dân vẫn tiến hành khai thác nên đạt khối lượng chưa cao và đơn giá còn thấp. Nhiều diện tích rừng nằm sâu, không có đường giao thông nên việc khai thác vận chuyển nguyên liệu khó khăn...
Ông Đức thông tin: Qua kết quả rà soát hiện trạng trồng rừng, để không lãng phí nguồn tài nguyên và đảm bảo công tác phát triển rừng trên địa bàn, Ban QLRPH Sêrêpốk đã đề xuất thanh lý hợp đồng đối với diện tích trồng rừng 30a các năm của các hộ dân không trồng lại rừng hoặc tự ý chuyển đổi sau khai thác để thu hồi trồng lại rừng tập trung. Cụ thể, diện tích hiện trạng cần thanh lý là 1.419,28 ha/1.431 hộ (diện tích khai thác để lồ ô tái sinh 870,53 ha; diện tích để đất trống 369,87 ha; diện tích khai thác xong tự ý chuyển đổi cà phê, hoa màu 178,88 ha).
Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: Việc xử lý diện tích rừng trồng 30a qua các năm đã được Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo nhiều văn bản. Tuy nhiên, Ban QLRPH Sêrêpốk chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để, chưa báo cáo kết quả thực hiện đúng tiến độ. UBND huyện phê bình và yêu cầu lãnh đạo Ban QLRPH Sêrêpốk nghiêm túc chấn chỉnh.
Việc thanh lý hợp đồng trồng rừng, UBND huyện yêu cầu Ban QLRPH Sêrêpốk căn cứ vào hợp đồng trồng rừng theo Nghị quyết 30a giữa đơn vị với các hộ nhận đất trồng rừng và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tiến hành thu hồi và thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật đối với các hộ vi phạm hợp đồng. Đồng thời, với diện tích 178,88 ha người dân tự ý chuyển đổi sang trồng cà phê, hoa màu, cây trồng khác yêu cầu tự giác giải tỏa trồng lại rừng đối với diện tích trồng cây cà phê, hoa màu,... dưới 2 năm; đối với diện tích trồng cà phê, hoa màu,... trên 2 năm yêu cầu trồng xen cây lâm nghiệp đúng chủng loại, mật độ quy định. Nếu hộ nào không thực hiện thì thu hồi đất để đưa vào kế hoạch giải tỏa và trồng rừng của đơn vị trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Diện tích đất trống 369,87 ha đã khai thác chu kỳ I, vận động Nhân dân tiếp tục trồng lại chu kỳ II, trong thực hiện yêu cầu có cam kết trồng rừng, ấn định thời gian cụ thể, nếu không thực hiện đúng cam kết thì thu hồi; còn các hộ khác không có nguyện vọng trồng
rừng thì thu hồi đất để đưa diện tích này vào kế hoạch trồng rừng của đơn vị trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Còn với diện tích 870,53 ha rừng trồng 30a không thành rừng, cần tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng bổ sung, thời gian thực hiện đến hết tháng 8/2020. Nếu các hộ dân không thực hiện thì Ban QLRPH Sêrêpốk thu hồi để đưa diện tích này vào khoanh nuôi tái sinh.
HOÀNG YÊN - HOÀNG MY