Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ

05:04, 27/04/2021

Năm 2021 là năm đầu tiên trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025...

Năm 2021 là năm đầu tiên trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông vận tải đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện ngay các nội dung trọng tâm trong quản lý, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông như: Khẩn trương rà soát quy hoạch của ngành, xác định các công trình giao thông quan trọng, có tính đột phá để đề xuất Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư trong năm 2021 và các năm tiếp theo; tăng cường công tác quản lý đầu tư, chuẩn bị đầu tư đối với các công trình, dự án được giao làm chủ đầu tư, tăng cường công tác quản lý, bảo trì đường bộ đang khai thác...
 
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo ngành giao thông kiểm tra tiến độ thi công nút giao thông Hoàng Văn Thụ
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo ngành giao thông kiểm tra tiến độ thi công nút giao thông Hoàng Văn Thụ
 
Xác định mạng lưới giao thông chính là huyết mạch của nền kinh tế, do đó việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông được đặt làm ưu tiên hàng đầu. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án, đầu tư xây dựng và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông quan trọng. Trong đó, hạ tầng giao thông đã được đầu tư khá đồng bộ, các dự án lớn đã và đang được triển khai và mang lại những hiệu quả tích cực. Mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh đến nay có tổng chiều dài là 9.368,3 km gồm 19,2 km đường cao tốc loại B; 551,1 km đường quốc lộ đã được rải nhựa và láng nhựa. Hệ thống đường quốc lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV đến cấp III miền núi; 663 km đường tỉnh; 651 km đường đô thị; khoảng 7.480 km đường huyện, xã và đường giao thông nông thôn trong đó có khoảng 6.313 km đã được cứng hóa. Những công trình giao thông ấy về cơ bản đáp ứng được yêu cầu kết nối, lưu thông hàng hóa, rút ngắn thời gian và lộ trình đến với tất cả các huyện, thành, xã của tỉnh Lâm Đồng từ khắp nơi.
 
Tuy nhiên, để tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh đang tập trung huy động nguồn lực để tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống giao thông quan trọng, đảm bảo kết nối liên vùng, liên huyện một cách thông suốt, thuận lợi hơn. 
 
Theo đó, về giao thông đối ngoại, Sở Giao thông vận tải cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên địa bàn, cụ thể gồm các dự án: hạng mục tuyến tránh thành phố Bảo Lộc, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0 + Km123-105 dài 15,58 km, dự án xây dựng Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương dài 62 km; nghiên cứu, đề xuất lập chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; tham gia cùng với tỉnh tích cực thúc đẩy triển khai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 27 (đoạn Km83 - Km174) dài 91 km; Quốc lộ 28B (đoạn Km51+000 - Km69+000) dài 18 km; Quốc lộ 55 (đoạn Km205+140 - Km229+140) dài 24 km, nâng cấp đoạn đèo Mimosa và các cầu yếu trên tuyến QL.20 để đề xuất đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
 
Đối với hệ thống đường tỉnh và hạ tầng giao thông quan trọng được giao làm chủ đầu tư, hiện Sở cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm hoàn thành 9 dự án trong năm 2021. Riêng đối với 2 công trình Cải tạo nút giao thông Trần Phú - Hoàng Văn Thụ - Trần Lê - Ba Tháng Hai và xây dựng nút giao Phan Chu Trinh, TP Đà Lạt, đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ 2 công trình để hoàn thành trước ngày 30/4/2021 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Các dự án chuyển tiếp được bố trí nguồn năm 2021 để tổ chức thi công theo tiến độ hợp đồng, là dự án xây dựng 3 cầu trên tuyến đường ĐH.412 - ĐH413, dự án xây dựng cầu Bà Trung và Bà Bống, dự án đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn, dự án xây dựng đường ĐT.725 (đoạn Tân Rai -Lộc Bảo). Sở Giao thông vận tải cũng cho biết, theo kế hoạch, cũng đang đẩy nhanh công tác thẩm định hồ sơ dự án, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để khởi công trong tháng 7/2021 dự án xây dựng đường vành đai thành phố Đà Lạt và hạ tầng khu dân cư. Đang tiến hành thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với 6 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư năm 2021 là dự án xây dựng đường Phúc Thọ - Đạ K’Nàng, xây dựng đường tránh Liên Nghĩa - Thạnh Mỹ, xây dựng cầu Mỏ Vẹt, xây dựng tuyến đường tránh Prenn - Xuân Thọ, xây dựng đường ĐT 722 và ĐT 729.
 
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản Sở được giao năm 2021 là 250,189 tỷ đồng, đến nay, Sở đã giải ngân được 20,178 tỷ đồng, đạt 8,07%. Đến ngày 6/4/2021, bổ sung 96 tỷ đồng, vậy tổng kế hoạch vốn 2021 được giao đến nay là 346,189 tỷ đồng cho 21 dự án thực hiện trong năm. 
 
Tuy nhiên, có thể nói rằng, so với nhu cầu thực tế hiện nay, nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh cũng vẫn còn hạn chế; việc huy động nguồn vốn phát triển hạ tầng chủ yếu là từ vốn ngân sách, chưa huy động được các nguồn vốn khác theo hình thức đối tác công tư, vốn xã hội hóa nên việc tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn chậm so với nhu cầu đề ra. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực hơn nữa để huy động các nguồn vốn đầu tư, song song đó, bám sát nhiệm vụ, kế hoạch đầu tư công năm 2021 để chủ động chỉ đạo, đôn đốc và phối hợp giải quyết các công việc liên quan trong triển khai các dự án nhằm đảm bảo kế hoạch đã đề ra, nỗ lực xây dựng và phát triển hiệu quả, đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông.
 
NGUYỄN NGHĨA