Nông dân huyện nghèo tiếp cận IoT

06:04, 01/04/2021

Còn nhiều hoài nghi đặt ra cho nông nghiệp Đam Rông khi địa phương này đề cập đến việc ứng dụng IoT (ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối internet) trong nông nghiệp...

Còn nhiều hoài nghi đặt ra cho nông nghiệp Đam Rông khi địa phương này đề cập đến việc ứng dụng IoT (ứng dụng mạng lưới thiết bị kết nối internet) trong nông nghiệp. Thế nhưng, trên mảnh đất nghèo này, đã có những người nông dân mạnh dạn, tiên phong đón đầu xu thế.
 
Ông Phí Văn Thìn và bảng điều khiển hệ thống tưới nước, bón phân cho diện tích sản xuất có ứng dụng IoT
Ông Phí Văn Thìn và bảng điều khiển hệ thống tưới nước, bón phân cho diện tích sản xuất có ứng dụng IoT
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đam Rông chia sẻ: Đam Rông là huyện nghèo, nền nông nghiệp địa phương còn đi sau rất nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh. Huyện đã xác định nông nghiệp là hướng đi để nông dân xóa đói, giảm nghèo bởi vậy đã dành sự đầu tư rất lớn trong nông nghiệp. Mặc dù vẫn chưa hết hẳn những khu vực phải “cầm tay chỉ việc” thông qua những hội nghị đầu bờ, song cũng đã có những khu vực nông dân đang tiến đến sản xuất nông nghiệp ứng dụng nghệ cao và còn có cả những nông dân bắt nhịp xu thế phát triển tiến tới các ứng dụng thông minh trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy hiện nay toàn huyện đã có 16 ha nhà kính, 60 ha sản xuất VietGAP và đặc biệt ở Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng và HTX nông nghiệp Đạ K’Nàng đã bắt đầu ứng dụng IoT trong sản xuất. Nông nghiệp Đam Rông đang ở những nấc thang khác nhau. Mỗi nấc thang cần những giải pháp phát triển riêng, linh hoạt. 
 
HTX nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng và HTX nông nghiệp Đạ K’Nàng là hai đơn vị ở Đam Rông đã bắt đầu đưa ứng dụng IoT vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, HTX nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng chiếm ưu thế hơn về cả diện tích và hiệu quả. HTX này được thành lập từ tháng 8/2020 với 10 thành viên và diện tích sản xuất trên 3 ha. Đây là diện tích được các thành viên HTX chuyển đổi từ diện tích cà phê bằng phẳng năng suất thấp sang sản xuất ớt chuông, cà chua, dưa leo baby trên giá thể. 
 
Ông Phí Văn Thìn - Chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện bà con là thành viên HTX đang tiến hành trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP (do Phòng NN&PTNT) huyện Đam Rông hỗ trợ thực hiện để nông sản đạt chất lượng và liên kết tiêu thụ ổn định với doanh nghiệp. Hiện HTX đang trong mùa sản xuất ớt chuông. Sản lượng đạt 3,5 - 4 kg/cây. Nhờ được chăm sóc tốt nên hiện lượng ớt chuông của HTX có khả năng cho thu từ 9 - 10 tháng. Ngoài ra, một phần nhỏ diện tích của HTX đã được ứng dụng phương pháp sản xuất thông minh. 
 
Ông Phí Văn Thìn chia sẻ: “Thông qua tìm hiểu các kiến thức sản xuất tôi đã biết đến công nghệ IoT. Tuy nhiên, mức đầu tư khoảng 140 triệu đồng/0,5 ha là quá sức đối với tôi. Bởi vậy, khi huyện có chương trình hỗ trợ cho nông dân về công nghệ IoT, trên cơ sở diện tích nhà kính đã có, những kiến thức chủ động tìm hiểu, tôi đã đăng ký và được Nhà nước hỗ trợ 40% để tôi mạnh dạn đầu tư”. Quá trình ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất đã cho người nông dân thoải mái hơn về thời gian, chính xác hơn về quy trình, sản phẩm chất lượng hơn. Bởi thông qua hệ thống thiết bị IoT kết nối với các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, độ pH,... để vận hành hệ thống tưới, làm mát, chiếu sáng, màn chắn... phù hợp. Nếu có yếu tố vượt giới hạn, hệ thống sẽ gửi cảnh báo bằng tin nhắn, email đến người quản lý. “Tuy nhiên, do diện tích ứng dụng chưa lớn nên chưa phát huy hết công năng của các trang thiết bị đầu tư. Bởi vậy hướng đi tới đây của HTX là thay thế dần diện tích cà phê năng suất thấp sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và mở rộng diện tích sản xuất trong nhà kính có ứng dụng IoT”, ông Phí Văn Thìn bày tỏ.
 
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Đam Rông vẫn tiếp tục hỗ trợ những “vùng lõm” trong sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích, năng suất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khuyến khích những nông hộ đủ nền tảng về kiến thức, cơ sở vật chất và tiềm lực kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng IoT. Nguồn vốn từ các chương trình cấp tỉnh phân bổ về huyện, cơ chế, chính sách của huyện và sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên môn ngành nông nghiệp là bạn đồng hành để những nông dân tiên tiến ở huyện nghèo đi lên bắt nhịp xu thế.
 
N. NGÀ - V. QUỲNH