Với chủ đề "Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên",...
Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”, Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay sẽ diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 31/5. Nhân hoạt động này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng.
Phóng viên:
Thưa ông, hiện nay vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ, ông đánh giá như thế nào?
|
Ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội |
Ông Bùi Quang Sơn: Trong thời gian qua, nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Đã quan tâm kiện toàn, tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hằng năm; phân định rõ trách nhiệm của các bộ phận trong công tác ATVSLĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ được đổi mới với nhiều hình thức phong phú, cách làm sáng tạo. Trong đó, đề cao ý thức tự kiểm tra một cách thường xuyên của cơ sở để chủ động phát hiện các thiếu sót, những nguy cơ mất an toàn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Mặt khác, quan tâm đầu tư công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, cải thiện điều kiện làm việc, tăng năng suất lao động, bảo đảm an toàn trong sản xuất. Các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; điều dưỡng phục hồi chức năng lao động; bồi dưỡng bằng hiện vật để chống độc hại; bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... đã được người sử dụng lao động quan tâm, thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhận thức, ý thức của người sử dụng lao động về ATVSLĐ còn hạn chế; công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về ATVSLĐ ở một số doanh nghiệp còn mang tính hình thức; việc tổ chức rút kinh nghiệm và thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động ở một số doanh nghiệp chưa được coi trọng đúng mức. Ý thức, nhận thức việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của một bộ phận người lao động còn hạn chế, chủ quan, làm bừa, làm ẩu, vi phạm quy trình an toàn, dẫn đến tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Mặt khác, số lượng doanh nghiệp cùng với lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, cùng với việc di chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, phần lớn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, không có tác phong công nghiệp. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên; số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, năng lực còn hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ kỹ thuật ở tất cả các ngành nghề, công việc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Thêm một nguyên nhân nữa, đó là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nên cũng chưa quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Phóng viên:
Thưa ông, vậy để nâng cao nhận thức cho chủ doanh nghiệp và người lao động về công tác ATVSLĐ thời gian qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai những giải pháp cụ thể nào?
Ông Bùi Quang Sơn: Trong thời qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tập trung chủ yếu vào các nhóm giải pháp như: Tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư, thực hiện tốt các nội dung chương trình ATVSLĐ tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 và tổ chức các hoạt động của Tháng ATVSLĐ hằng năm sát thực tiễn, từng môi trường lao động đi vào thực chất, hiệu quả. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và biểu dương, nhân rộng những điển hình làm tốt trong công tác ATVSLĐ;
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh và kiện toàn hàng năm khi có thay đổi về thành viên; ban hành kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm theo chỉ đạo của Trung ương; hằng năm tham mưu Hội đồng An toàn vệ sinh lao động tỉnh tổ chức đối thoại định kỳ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; cũng như tham mưu triển khai tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ hằng năm.
Mặt khác, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt định mức kinh phí hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho gần 100 doanh nghiệp với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ cho cán bộ cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã, 6 nhóm đối tượng lao động trong doanh nghiệp và lao động làm việc không theo hợp đồng khu vực phi chính thức (lao động làm nghề tự do).
Ngoài ra, tiếp tục triển khai một số hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật ATVSLĐ đến các địa phương cũng như các doanh nghiệp, cụ thể là tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho các nhóm đối tượng người lao động, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ sản xuất tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao nhận thức cho cả chủ sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ. Hướng dẫn các sở, ngành ở tỉnh, huyện, thành phố và cấp xã thực hiện chức năng phối hợp quản lý nhà nước về ATVSLĐ theo thẩm quyền, phạm vi quản lý; phân định trách nhiệm quản lý đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo thẩm quyền; kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại trong quá trình lao động, sản xuất.
|
Đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn đều thực hiện nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động |
Phóng viên:
Nội dung chính của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 là gì, thưa ông?
Ông Bùi Quang Sơn: Chủ đề tháng hành động năm 2021 là “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên”. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng phối hợp với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, trong đó, thực hiện một số nội dung như: Hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ năm 2021 theo Kế hoạch 909/KH-UBND của UBND tỉnh; xây dựng nội dung, chương trình, kịch bản tổ chức lễ phát động Tháng hành động ATVSLĐ năm 2021 tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn - thành phố Bảo Lộc. Song song với các hoạt động trên, tổ chức tuyên truyền trực quan tại địa bàn tổ chức lễ phát động, trên các trục đường chính của thành phố Đà Lạt bằng băng rôn, pano, áp phích, cờ phướn (từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/5/2021); phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành, địa phương đề xuất 10 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ATVSLĐ để tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những lĩnh vực, ngành nghề, công trình tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại.
Phóng viên:
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
THY VŨ (Thực hiện)