Tạo cơ chế quản lý thống nhất về công tác pháp chế

06:04, 28/04/2021

Sau gần 10 năm thi hành, Nghị định số 55 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế; củng cố, kiện toàn...

Sau gần 10 năm thi hành, Nghị định số 55 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác pháp chế; củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế; tăng cường năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế, tạo cơ chế quản lý thống nhất về công tác pháp chế.
 
Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.
Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác pháp chế.
 
Củng cố, hoàn thiện, hệ thống hóa pháp luật
 
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 55 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, UBND tỉnh Lâm Đồng có Văn bản số 5936 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 55 chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. 
 
Theo ông Nguyễn Quang Tuyến - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng, trên cơ sở kế hoạch công tác tư pháp hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành triển khai các mặt công tác. Theo đó, các sở, ban, ngành đã thực hiện tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và tính khả thi của văn bản, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực. Kết quả, từ sau ngày Nghị định số 55 có hiệu lực thi hành đến nay, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 767 văn bản QPPL, trong đó có 171 nghị quyết, 578 quyết định và 18 chỉ thị.
 
Cùng với đó, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với người làm công tác pháp chế tại các sở, ban, ngành tiến hành rà soát văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành. Qua công tác rà soát văn bản QPPL kịp thời tham mưu UBND tỉnh han hành các quyết định công bố danh mục văn bản QPPL do HĐND, UBND ban hành hết hiệu lực toàn bộ hoặc hết hiệu lực một phần và đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các quy định không phù hợp văn bản cấp trên và tình hình kinh tế - xã hội thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Công tác hệ thống hóa được thực hiện đúng thời gian, yêu cầu và đảm bảo chất lượng. Việc đăng tải kết quả Hệ thống hóa văn bản QPPL trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật thực hiện theo đúng quy định, do đó, các nghị quyết, quyết định QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành được đăng tải kịp thời lên hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật. 
 
Công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; bồi thường của Nhà nước; phổ biến, giáo dục pháp luật; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh được các ngành, các cấp quan tâm và triển khai đồng bộ. Qua đó, góp phần hoàn thành khối lượng công việc lớn, kịp thời thống nhất về cơ chế, chính sách, củng cố, hoàn thiện, hệ thống hóa pháp luật, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, tạo môi trường và hành lang pháp lý đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội thuận lợi, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân. 
 
Những khó khăn, vướng mắc
 
Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho hay, sau gần 10 năm thi hành Nghị định số 55, công tác pháp chế đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp với cơ quan chuyên môn, kết quả thực hiện đã đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trong đó phải kể đến những điểm bất cập về thể chế như việc thành lập Phòng Pháp chế hoặc bố trí công chức pháp chế chuyên trách. Do biên chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không được bố trí thêm và tại các thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đều ban hành không có Phòng Pháp chế. Vì vậy, việc thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thực hiện được. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh không có Phòng Pháp chế theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. 
 
Hay quy định về tiêu chuẩn người làm công tác pháp chế bắt buộc phải có trình độ cử nhân luật trở lên chưa phù hợp với thực tế tại địa phương vì chỉ đáp ứng đối với một số cơ quan như Tư pháp, Thanh tra; đối với các ngành như Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa - Thể Thao và Du lịch... thì quy định này thiếu tính khả thi. Quy định người làm công tác pháp chế được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, tuy nhiên sau 10 năm quy định trên vẫn chưa triển khai thi hành. Công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo hình thức kiêm nhiệm, trong khi đó khối lượng công việc chuyên môn nhiều nên không có thời gian để nghiên cứu sâu công tác tư pháp...
 
VIỆT HÙNG