Đã từng là địa phương cuối cùng của huyện Lâm Hà nằm sót lại trong danh sách xã nghèo theo Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay, xã Đan Phượng đang dần có những bước chuyển mình tích cực...
Đã từng là địa phương cuối cùng của huyện Lâm Hà nằm sót lại trong danh sách xã nghèo theo Chương trình 135 của Chính phủ, đến nay, xã Đan Phượng đang dần có những bước chuyển mình tích cực. Sự đổi thay đó, đến từ chính bàn tay của những người con xa quê với cây dâu, con tằm, và cả sự hài lòng trên quê hương mới.
|
Nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà Thuận |
Là xã thuần nông thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Lâm Hà, xã Đan Phượng có 14 dân tộc anh em từ nhiều vùng miền trên cả nước về cùng sinh sống và lập nghiệp, trong đó phần đông là người dân của huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội đi xây dựng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Ông Nguyễn Văn Mến - nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng, điểm qua vài nét như vậy và khẳng định: “Tuy ở nhiều miền quê khác nhau, nhưng bà con đều mang trong mình truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, và yêu thương đùm bọc lẫn nhau để vượt qua gian khó cho đến hôm nay”.
Ông Mến phấn khởi bảo, chưa bao giờ cuộc sống phát triển như bây giờ. Rời quê hương vào Lâm Đồng xây dựng cuộc sống mới từ năm 1985, ông chứng kiến từ những ngày đầu cái ăn còn thiếu thốn, ánh đèn điện còn là niềm khao khát của bao hộ dân, đến cuộc sống yên bình và đường liên xóm trải nhựa khang trang bên những vườn dâu, vườn cà phê xanh ngát hiện tại.
Năm 2021, thôn Đoàn Kết mà ông Mến làm Bí thư Chi bộ được xã Đan Phượng chọn thực hiện xây dựng điểm Khu dân cư kiểu mẫu. Toàn thôn hiện có 298 hộ và 833 khẩu, chỉ còn 1 hộ nghèo. Năm 2013, đây cũng là thôn đầu tiên của xã Đan Phượng tự xây dựng Nhà văn hóa thôn, từ việc tận dụng vật liệu thừa từ các công trình và sự chung sức, chung lòng của bà con nhân dân.
Bây giờ, con cháu trong thôn được học hành đến nơi đến chốn, rồi đi xa làm ăn, lập nghiệp, không nhiều người trẻ chịu ở nhà. Nhưng ông Mến chẳng mấy bận lòng về điều đó, bởi với nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Đan Phượng, thế hệ trẻ có tri thức cần được bay xa để học hỏi, rồi sau đó có trở về xây dựng quê hương hay không thì đó là lựa chọn của mỗi người.
Dẫn khách đi thăm vườn dâu tằm xanh tốt, bà Nguyễn Thị Thuận (69 tuổi, thôn An Bình) tỏ rõ sự mãn nguyện ở quê hương mới mà bà đã gắn bó gần 30 năm qua. Vẫn nhớ rõ những ngày đầu khốn khó, nhưng bà hào hứng hơn với câu chuyện của hiện tại, bởi với 6 sào dâu và 2 hộp tằm mỗi tháng mang lại thu nhập ổn định, bà Thuận bảo: “Nếu so với ở quê, cuộc sống ở đây đỡ vất vả hơn, làm ăn thuận lợi hơn. Cả gia đình tôi 3 thế hệ giờ cùng chung sống thoải mái trong một mái nhà, không còn lo đói khổ mà chỉ chăm lo làm ăn”.
Là xã thuần nông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã mang lại khởi sắc cho bức tranh kinh tế xã Đan Phượng. Cơ cấu nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng giảm diện tích cây lương thực có hạt, tăng diện tích rau, hoa và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó tăng mạnh ở cây dâu tằm và cây ăn quả.
Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn xã Đan Phượng giảm còn 2,86%. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả kế hoạch hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, đời sống vật chất, tinh thần và bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Quang An - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết: “Là địa phương thuần nông, đời sống kinh tế của bà con trong xã phụ thuộc chủ yếu vào giá cả nông sản nên thu nhập vẫn còn khá bấp bênh. Riêng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dù điều kiện đất đai, thổ nhưỡng không thuận lợi, nhưng bà con siêng năng làm thuê làm mướn những lúc nông nhàn, nên đời sống có sự cải thiện đáng kể”.
Để có được sự phát triển của xã Đan Phượng hôm nay, không thể không kể đến việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách, các nguồn hỗ trợ từ thành phố Hà Nội và nguồn lực tại địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình xã hội dân sinh, hạ tầng kinh tế với tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Nhiệm - Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng, việc phát huy sức dân có vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng cảnh quan môi trường, xây dựng địa phương giàu đẹp.
Trong năm 2020, xã Đan Phượng được đầu tư xây dựng 6 công trình đường giao thông với tổng kinh phí 4,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hơn 2 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 2 tỷ đồng. Hiện đã giải ngân 1,9 tỷ đồng, đạt 46%. Ngoài ra, còn xây dựng 7 công trình ao hồ nhỏ với tổng mức đầu tư là 142 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 71 triệu đồng, Nhân dân đóng góp 71 triệu đồng. Hiện đã giải ngân 100% theo khối lượng nghiệm thu thực tế.
“Khi nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người dân chuyển biến rõ rệt, ý thức làm chủ của người dân được nâng lên, Nhân dân sẽ tự giác, tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới bằng nhiều hình thức khác nhau, bộ mặt nông thôn từng bước khởi sắc, đường giao thông nông thôn thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện” - ông Nhiệm khẳng định. Năm 2017, xã Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới và hiện đang giữ vững 19/19 tiêu chí đạt chuẩn.
VIỆT QUỲNH