Điểm sáng ở làng công giáo

06:05, 18/05/2021

Cùng với sự tăng cường tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, đến nay bon Duệ, xã Đinh Lạc...

Cùng với sự tăng cường tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nếp sống văn minh, đến nay bon Duệ, xã Đinh Lạc (Di Linh) đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, diện mạo nông thôn từng bước được đổi mới. Làng công giáo Duệ là một trong những điểm sáng của huyện trong việc xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Di Linh. 
 
Bon Duệ duy trì và bảo tồn văn hóa cồng chiêng
Bon Duệ duy trì và bảo tồn văn hóa cồng chiêng
 
Bon Duệ hiện có 319 hộ với 1.505 khẩu, trong đó, gần 98% là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên và có 100% số hộ dân theo đạo Công giáo. Hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; thời gian qua, cùng với sự tăng cường công tác tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương và bằng những việc làm thiết thực của mỗi người dân, giờ đây bon Duệ đã có nhiều chuyển biến tích cực về mọi mặt. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã có nhiều thay đổi và từng bước được nâng cao, diện mạo nông thôn ngày càng được đổi mới. Trong đó, điều dễ nhận thấy nhất là những hủ tục giờ đây không còn nữa mà thay vào đó là nếp sống văn minh, lành mạnh đã và đang hiện hữu với bon làng.
 
Qua gặp gỡ, trao đổi với các già làng, người có uy tín... của bon, chúng tôi được biết, để có sự thay đổi như ngày hôm nay là cả một quá trình kiên trì, bởi bà con đã quen với nếp sống cũ, lạc hậu từ bao đời nay nên khó thay đổi. “Trước tình hình đó, với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền địa phương cùng với già làng, chi bộ, các ban, ngành, đoàn thể của bon đã lồng ghép tuyên truyền, giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu rõ về tác dụng cũng như lợi ích của việc thực hiện xây dựng đời sống văn hóa, nhất là những hệ lụy của vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng đến chất lượng dân số, sức khỏe của con cháu thông qua các buổi họp bon, sinh hoạt cồng chiêng và các lễ hội...”, ông K’Jôs người có uy tín nói.
 
Theo ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc: Các nội dung của cuộc vận động đã được đưa vào quy ước, hương ước của bon để giúp mỗi người dân, mỗi gia đình dựa vào đó mà phấn đấu thực hiện. Những năm qua, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đinh Lạc đã triển khai đến bon Duệ và Kao Kuil, mỗi thôn đăng ký xây dựng một mô hình điểm phù hợp để tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán không còn phù hợp trong đồng bào DTTS. Với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến bon, đến nay các mô hình đều mang lại hiệu quả thiết thực. 
 
Già làng K’ Tiếu chia sẻ: “Nhờ thực hiện cuộc vận động mà giờ đây nhận thức của người dân đã được nâng lên, các hủ tục đã bị loại bỏ. Khoảng 5 năm nay, trong bon chỉ có từ 1 - 2 trường hợp tảo hôn, riêng hôn nhân cận huyết thống hầu như không còn nữa. Những nét đẹp văn hóa như đan lát, văn hóa cồng chiêng được lưu giữ và thường xuyên tổ chức sinh hoạt, truyền dạy cho con cháu. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thoáng đãng, tạo điều kiện sinh hoạt đi lại của người dân được thuận lợi, nhất là các cháu học sinh mỗi khi đến trường”. 
 
Vợ chồng ông Đăng Bi Brol không chỉ được biết đến là gia đình khuyến học tiêu biểu của huyện, mà còn là người tiên phong ở huyện Di Linh trong việc xóa bỏ phong tục thách cưới tồn tại lâu đời trong cuộc sống cộng đồng người Kơ Ho. Gia đình ông Brol có 4 người con đều được cho ăn học đến nơi, đến chốn, có công ăn việc làm ổn định và đều đã lập gia đình. Nhận thức đã được nâng lên, bà con không chỉ chú trọng cho con cái được học cái chữ, mà họ còn tích cực tăng gia sản xuất, vận dụng các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhất là trong khâu chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao, quan tâm các mô hình chuyển đổi giống, mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao...  Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó; cũng có nhiều hộ đã có của ăn, của để, tích góp xây dựng nhà cửa khang trang và làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hiện tại trong bon Duệ không còn cảnh nhà tranh tre, dột nát, số gia đình đã có nhà xây kiên cố đạt trên 80%. 
 
Với những thành quả đã đạt được, đồng bào DTTS bon Duệ vẫn đang miệt mài từng ngày chung sức, phấn đấu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để xây dựng bon làng ngày càng phát triển, giàu đẹp. Kinh tế phát triển, người dân đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để bê tông hóa gần 2,4 km đường giao thông nông thôn. Nhân dân còn tích cực xây dựng cổng, hàng rào, sân bê tông, tạo cảnh quan môi trường, khuôn viên rộng rãi, thông thoáng, sạch đẹp và khang trang. 
 
NDONG BRỪM