Trong căn nhà nhỏ trên đường Ngô Quyền (Phường 6, TP Đà Lạt), tôi có vinh dự được tiếp chuyện cùng họa sĩ Phan Văn Gái (1959), người đã có một chặng đường dài vẽ tranh cổ động...
Trong căn nhà nhỏ trên đường Ngô Quyền (Phường 6, TP Đà Lạt), tôi có vinh dự được tiếp chuyện cùng họa sĩ Phan Văn Gái (1959), người đã có một chặng đường dài vẽ tranh cổ động. Có lẽ, ở TP Đà Lạt bây giờ, họa sĩ vẽ tranh cổ động có tay nghề chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Họa sĩ Phan Văn Gái phác thảo trên giấy về các đề tài tranh cổ động |
Cái duyên đến với nghề vẽ tranh cổ động được họa sĩ Phan Văn Gái chia sẻ: “Thời còn trai trẻ, mình từng đi bộ đội, nhập ngũ tại đơn vị C 200; trong thời gian đó thấy mình có năng khiếu về hội họa, chỉ huy của đơn vị đã đề nghị vẽ những bức tranh cổ động để đăng lên báo tường. Năm 1977, mình xuất ngũ với cấp bậc hạ sỹ; qua nhiều lớp bồi dưỡng về mỹ thuật, đến năm 1981 bắt đầu làm công tác văn hóa tại tỉnh Lâm Đồng, năm 2017 thì mình nghỉ chế độ do một cơn bạo bệnh”.
Thời kỳ đó, vẽ tranh cổ động được thực hiện chủ yếu bằng tay, thể hiện trên các pa nô, áp phích là các tấm xi măng được dựng tại các cửa ngõ, cơ quan, đơn vị trong thành phố. Một bức tranh cổ động thời ấy thường được thực hiện chừng 3 đến 4 ngày, ngày đầu họa sĩ sẽ làm nền và phác thảo chi tiết cho bức tranh, ngày thứ 2, thứ 3 họa sĩ sẽ thực hiện pha màu và hoàn thiện bức tranh. Sự khác nhau giữa vẽ tranh cổ động ngày xưa và bây giờ được họa sĩ Phan Văn Gái cho biết chính là điều kiện làm việc và công nghệ; thời xưa họa sĩ vẽ tranh cổ động chính là làm việc ngoài trời và trực tiếp bằng tay, còn bây giờ chủ yếu vẽ trên máy tính rồi được in phông bạt và phủ lên các pa nô, áp phích.
Mỗi dịp ngày lễ 30/4, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là một ký ức không phai nhòa của người họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động. Người họa sỹ dù đã có nhiều năm kinh nghiệm vẫn luôn trằn trọc, suy tư sao cho thể hiện thật ấn tượng, sau đó trình lên lãnh đạo để được duyệt về nội dung. Nội dung tranh cổ động dịp lễ 30/4 chủ yếu là hình ảnh anh giải phóng quân với đại thắng mùa Xuân năm 1975; hình ảnh xe tăng của ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, hình ảnh lá cờ Tổ quốc hiên ngang trong tay người chiến sĩ giải phóng quân tung bay trên nóc Dinh Độc Lập... Nhưng điều trân quý nhất đối với một người từng có thời gian trong quân ngũ và cũng như mọi con dân đất Việt chính là việc thống nhất nước nhà, non sông quy về một mối. Bằng tình cảm chân thành, kính trọng nhất đối với quê hương, Tổ quốc, họa sĩ Phan Văn Gái luôn cố gắng làm sao để thổi hồn vào bức tranh cổ động của mình, tiếp thêm sức mạnh cho người dân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Không chỉ thực hiện các đề tài về lễ 30/4; một đề tài khác mà họa sĩ Phan Văn Gái luôn khắc cốt ghi tâm chính là về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Năm 2015, Phan Văn Gái vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao giải Nhì khi thể hiện bức tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2015) với nội dung bức tranh cổ động là: Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
Rồi các đề tài khác mà họa sĩ thể hiện như sáng tác tranh cổ động về bảo vệ biển, đảo được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng tặng giấy khen là tác giả có tác phẩm xuất sắc vào năm 2014; rồi đến bức tranh cổ động về toàn quân tích cực trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được giải Ba của toàn quân và giải Ba của Quân khu 7; giải Nhất năm 2012 về vẽ tranh cổ động chào mừng Festival Hoa Đà Lạt...
Đạt được nhiều giải thưởng về tranh cổ động từ cấp quốc gia đến tỉnh, thành phố, tưởng rằng khi tuổi đã ngoại lục tuần, họa sĩ Phan Văn Gái có thể dành trọn tâm thức để sáng tác thì năm 2017, một cơn bạo bệnh đã làm đôi chân và cánh tay trái của ông không còn được linh hoạt như xưa; chiếc xe gắn máy ngày nào ông đi giờ phải chế thêm đôi lốp phía sau để phục vụ nhu cầu đi lại. Nhưng bằng tinh thần của một anh Bộ đội Cụ Hồ, một họa sĩ chuyên vẽ tranh cổ động, ông dứt khoát không đầu hàng số phận, vẽ chỉ còn bằng bàn tay phải của mình. Bức tranh cổ động gần đây nhất mà họa sĩ thực hiện chính là bức tranh về bảo vệ rừng và trồng rừng do đơn vị lâm nghiệp TP Đà Lạt đặt hàng và được treo ở đèo Tà Nung để cổ động người dân tích cực trong công cuộc trồng và bảo vệ rừng.
Ngoài đam mê tranh cổ động, họa sĩ Phan Văn Gái còn có một đam mê khác chính là vẽ tranh sơn dầu. Trong căn nhà nhỏ đầy ắp những bức tranh sơn dầu về tĩnh vật, chân dung và một đề tài khác chính là Đà Lạt hoài niệm với những bức tranh vẽ về xứ sở ngàn thông, nhà gỗ Đà Lạt, biệt thự cổ Đà Lạt...
Trong câu chuyện thăng trầm với người họa sĩ không may mắn về sức khỏe; Phan Văn Gái vẫn nhất quyết rằng vẽ tranh cổ động đã ngấm sâu vào máu huyết của mình rồi, hễ có cuộc thi nào về tranh cổ động hay đơn vị nào cần vẽ là anh lại hỳ hục ngồi vào bàn giấy để phác thảo ngay mà không chần chừ.
ĐỨC TÚ