Thành phố Đà Lạt hiện có hàng chục cơ sở thu mua phế liệu, tập kết vật liệu xây dựng nằm xen trong khu dân cư đông đúc nhưng nhiều chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức các điều kiện phòng chống cháy nổ, còn để tiếng ồn, bụi bặm ảnh hưởng tới người dân xung quanh.
Thành phố Đà Lạt hiện có hàng chục cơ sở thu mua phế liệu, tập kết vật liệu xây dựng nằm xen trong khu dân cư đông đúc nhưng nhiều chủ cơ sở chưa quan tâm đúng mức các điều kiện phòng chống cháy nổ, còn để tiếng ồn, bụi bặm ảnh hưởng tới người dân xung quanh.
Một cơ sở kinh doanh phế liệu nằm trong hẻm nối đường Lý Thường Kiệt và Trương Văn Hoàn (Phường 9) người dân phản ánh gây ô nhiễm môi trường |
Sáng ngày 2/5, chúng tôi tới con hẻm 6B trên đường Lý Thường Kiệt (Phường 9, TP Đà Lạt). Tại đây, ngay khu vực khu dân cư có tới 2 lô đất đối diện nhau tập kết, thu mua phế liệu. Theo quan sát, những ụ phế liệu chất đống ngổn ngang, cách bố trí hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ (PCCN), trong đó có một vị trí tập kết phế liệu lộ thiên ngoài trời, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí.
Cách đó khoảng 500m, trên đường Mê Linh cũng có 3 cơ sở ve chai tồn tại nhiều năm nay. Điểm chung là những nơi này có diện tích nhỏ nhưng lượng hàng hóa nhiều, chứa nhiều vật liệu dễ cháy như: giấy, nhựa, bìa carton, vỏ xốp, cao su... đặc biệt là vấn đề vệ sinh, bảo vệ môi trường chưa được các chủ cơ sở quan tâm.
Hiện trên địa bàn Phường 9 có trên 10 cơ sở kinh doanh phế liệu, vật liệu xây dựng thì có 2 cơ sở không có giấy phép. Hầu hết các cơ sở đều không có đề án bảo vệ môi trường, việc giữ gìn vệ sinh cảnh quan, đảm bảo PCCC còn rất sơ sài, có cơ sở thường xuyên gây tiếng ồn ảnh hưởng tới người dân trong khu dân cư.
Tương tự, địa bàn Phường 11, Phường 7, Phường 8,... các cơ sở kinh doanh phế liệu chủ yếu tập kết trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hùng Vương, Nguyễn Đình Chiểu,... nhưng nhìn chung không đảm bảo môi trường, đảm bảo phòng, chống cháy nổ theo quy định. UBND các phường nhìn chung đều có các biện pháp nhắc nhở, vận động một số cơ sở di dời khỏi nơi đông dân cư nhưng việc xử phạt hay vận động trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nhiều cơ sở tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng bị người dân phản ánh gây bụi bặm, tiếng ồn. Theo phản ánh của ông Ngô Tinh Trụ, nhà ở gần bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng số 128/6 (thôn Cầu Đất, xã Xuân Trường), các loại xe tải lớn thường xuyên chở cát, đá ra vào nhưng che chắn qua loa khiến bụi bặm bay qua nhà người dân. “Do bãi tập kết đá, cát ở trên cao nên nhiều lần họ đổ đá văng qua mái nhà phía dưới rất nguy hiểm. Tôi đã phản ánh nhưng tình trạng trên chưa được chủ cơ sở khắc phục”- ông Trụ bức xúc.
Còn tại đường Mai Anh Đào (Phường 8), đường Hùng Vương (Phường 11), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Phường 7),... nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng người dân cũng phản ánh thường chở cát, đá rơi vãi ra đường và gây ô nhiễm, tiếng ồn. Đặc biệt, bãi tập kết cát không được các chủ cơ sở che đậy hay có biện pháp bảo đảm nên mỗi khi có gió, cát lại phát tán gây ảnh hưởng môi trường, đời sống người dân kế bên.
Theo Công an TP Đà Lạt, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh phế liệu, tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố thực hiện các quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện. Tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở thời gian qua chưa xảy ra vấn đề phức tạp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến môi trường, mỹ quan đô thị, mất an toàn về phòng chống cháy nổ từ nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu, vật liệu xây dựng. Điển hình là việc còn nhiều cơ sở chưa có giấy phép hoạt động kinh doanh theo quy định; nhiều cơ sở không có giấy xác nhận về bảo vệ môi trường và hệ thống xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, giấy xác nhận đảm bảo an toàn PCCC. Ngoài ra, các cơ sở chủ yếu nằm xen kẽ trong khu dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống của các hộ xung quanh.
Nhằm tăng cường công tác quản lý các cơ sở thu mua phế liệu, bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, UBND TP Đà Lạt cho biết, sắp tới thành phố sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức đối với từng cơ sở, đặc biệt là việc phổ biến những quy định bắt buộc... Trong đó, thành phố sẽ tập trung kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, thắt chặt việc cấp phép cho cơ sở hoạt động thu mua phế liệu, bãi tập kết vật liệu xây dựng. Đưa yếu tố an toàn cháy nổ làm điều kiện cấp phép, kiên quyết không cấp phép khi cơ sở không thực hiện đúng các quy định về thẩm duyệt, nghiệm thu phòng chống cháy nổ, có biểu hiện tái phạm nhiều lần, không chấp hành các quy định của cơ quan chức năng.
C.PHONG