Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới

06:05, 31/05/2021

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 với chủ đề "Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới"...

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2021 với chủ đề “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Đẩy mạnh công tác kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm trên địa bàn toàn tỉnh nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn. 
 
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh kiểm tra bếp ăn của Công ty Nhôm Lâm Đồng
Đoàn kiểm tra của Sở Y tế tỉnh kiểm tra bếp ăn của Công ty Nhôm Lâm Đồng
 
BSCKII Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cho biết: Các đơn vị trong ngành y tế phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đã triển khai Tháng hành động vì ATTP nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP và giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn của các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kịp thời xử lý các sự cố mất ATTP. 
 
Thống kê tổng số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm (gọi tắt là cơ sở thực phẩm) do ngành Y tế quản lý trong toàn tỉnh là 7.079 cơ sở. Trong đó: Số cơ sở thực phẩm do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng quản lý là 450 cơ sở (gồm 113 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 6 cơ sở kinh doanh thực phẩm; 331 cơ sở dịch vụ ăn uống); số cơ sở thực phẩm do tuyến huyện, thành phố quản lý là 6.629 cơ sở.
 
Hàng năm triển khai công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong các dịp cao điểm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân; Tháng hành động vì ATTP; Tết Trung thu; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống định kỳ hàng tháng theo kế hoạch năm đã được Sở Y tế phê duyệt. Năm 2020, tuyến tỉnh thành lập 26 đoàn, trong đó: 4 đoàn kiểm tra liên ngành; 2 đoàn thanh tra chuyên ngành và 20 đoàn kiểm tra chuyên ngành. Kết quả, có 271 cơ sở được thanh tra, kiểm tra, tỷ lệ cơ sở đạt chiếm 95,9%. Tuy nhiên, vẫn còn 11 cơ sở vi phạm bị xử lý, cụ thể: Phạt tiền 6 cơ sở với tổng tiền phạt trên 48,7 triệu đồng và tiêu hủy 13 loại sản phẩm của 3 cơ sở; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng đối với 5 cơ sở vi phạm.
 
Trên phạm vi toàn tỉnh, năm 2020 có 303 đoàn thanh tra, kiểm tra (30 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh; 32 đoàn kiểm tra tuyến huyện, thành phố; 241 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn). Tổng số cơ sở kiểm tra 11.075 cơ sở, tỷ lệ cơ sở đạt chiếm 87,1%. Số cơ sở vi phạm có 1.424 cơ sở, trong đó xử lý phạt tiền 41 cơ sở với tổng tiền phạt gần 150 triệu đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn 2 cơ sở; tiêu hủy 27 loại sản phẩm của 32 cơ sở; chuyển hồ sơ cho ngành chức năng xử lý 5 cơ sở.
 
Năm 2020, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 251 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong tháng 5/2021, ghi nhận 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 29 người mắc. Cụ thể: Ngày 22/5, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đối với 1 cơ sở ở Đà Lạt. Cơ sở này cung cấp bữa ăn cho tiệc cưới của một gia đình thị trấn Lạc Dương có 350 người dự tiệc. Sau bữa ăn, có 29 ca mắc các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt nhẹ đã đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương. 
 
Đoàn điều tra vụ ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế và Phòng Y tế huyện Lạc Dương, Phòng Y tế Đà Lạt đã tiến hành điều tra vụ ngộ độc thực phẩm làm 29 người mắc, lấy 5 mẫu bệnh phẩm và 5 mẫu thực phẩm tại cơ sở (gỏi thập cẩm, bánh bao chiên, nước lẩu cá tằm, xôi hạt sen - đậu xanh, đùi gà rô ti) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh. 
 
UBND tỉnh đã ra quyết định phạt tiền 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 4 tháng (từ ngày 17/5/2021 đến ngày 17/9/2021) đối với cơ sở dịch vụ nấu ăn Kim Nhung (Phường 7 - Đà Lạt); buộc chủ cơ sở khắc phục hậu quả, phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm.
 
Về công tác khắc phục sự cố trong lĩnh vực ATTP, BSCKII Bùi Văn Độ cho biết thêm: Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế đã chỉ đạo cho Chi cục ATVSTP phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành xử trí, điều tra kịp thời tìm ra nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm nhằm hạn chế số ca bị mắc ngộ độc thực phẩm và tránh tình trạng lây lan trong cộng đồng. Triển khai các công tác tuyên truyền đảm bảo ATTP tại các tuyến dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức về kiến thức pháp luật, thực hành đảm bảo ATTP đến từng người dân.
 
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng triển khai hoạt động giám sát, phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ thực phẩm mất an toàn: Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của Nhân dân đối với hành vi vi phạm ATTP, tiếp tục duy trì số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm ATTP thuộc ngành Y tế. 
 
Năm 2020 đã tiến hành giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các sản phẩm có nguy cơ cao tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh. Tiến hành xét nghiệm tại labo các chỉ tiêu vi sinh 108 mẫu, kết quả 68/108 mẫu đạt (chiếm 62,9%); xét nghiệm nhanh 150 mẫu, kết quả 150/150 mẫu đạt (chiếm 100%). Giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo chuyên đề năm 2020 với tổng số mẫu đã lấy 68 mẫu. Giám sát mẫu bao gói sẵn trên địa bàn huyện Đức Trọng, kết quả có 33/56 mẫu đạt (chiếm 58,9%); có 10/19 mẫu không đạt về các chỉ tiêu vi sinh và 10/42 mẫu không đạt về phụ gia thực phẩm (chất bảo quản và màu thực phẩm). Giám sát các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với hai nhóm sản phẩm trà và trà atiso túi lọc tại thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc.
 
Mục tiêu chung của công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn toàn tỉnh năm 2021 là kiểm soát trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng. Nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn đủ năng lực quản lý và điều hành các hoạt động vì chất lượng vệ sinh ATTP, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế và khu vực. Nâng cao kiến thức, thực hành ATTP và ý thức trách nhiệm của các nhóm đối tượng: người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và người quản lý, lãnh đạo để tạo ra môi trường thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, phù hợp tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Từng bước đảm bảo phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm có hiệu quả và bền vững.
 
AN NHIÊN