Không chỉ là một nông dân dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Thanh Tùng (thôn Trung Hậu, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng) còn là một Trưởng thôn mẫn cán, một Giám đốc HTX năng động, luôn hết lòng vì công việc chung.
Không chỉ là một nông dân dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Thanh Tùng (thôn Trung Hậu, xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng) còn là một Trưởng thôn mẫn cán, một Giám đốc HTX năng động, luôn hết lòng vì công việc chung.
|
Anh Phạm Thanh Tùng bên vườn dâu xanh tốt của gia đình |
Chúng tôi hẹn gặp anh Phạm Thanh Tùng vào một ngày cuối tháng Tư, khi anh đang bận rộn chăm sóc vườn dâu cách nhà hơn chục km. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết, năm 1994, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự anh trở về địa phương, xây dựng gia đình và tập trung chăm lo, phát triển kinh tế với mong muốn làm giàu trên quê hương thứ hai. Lúc đầu, gia đình anh canh tác 3 ha đất để trồng cà phê và 3 sào đất trồng rau màu, tuy nhiên năng suất không cao, giá cả nông sản lại bấp bênh khiến kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Vốn là người luôn tìm tòi, học hỏi cái hay, cái mới, khó khăn của những năm đầu khởi nghiệp không làm anh nao núng. Anh lại tiếp tục mày mò, nghiên cứu để tìm ra cây trồng thích hợp với khí hậu của vùng đất Ninh Loan. Đến năm 2015, thấy mô hình trồng ổi không hạt ở một số địa phương cho kết quả khả quan, anh quyết định chuyển đổi 3 sào đất trồng rau màu sang trồng ổi không hạt với rất nhiều tâm huyết. Tuy vậy, qua hơn 3 năm thử nghiệm với giống cây trồng này, anh nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương lại một lần nữa không phù hợp nên cây ổi phát triển chậm, sâu bệnh nhiều, chất lượng quả kém, không đem lại hiệu quả cao...
Thêm một lần thất bại nữa nhưng anh vẫn không hề nản chí, anh lại loay hoay tìm hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Cho đến đầu năm 2018, may mắn mỉm cười khi anh được đi tham quan, học tập vùng trồng dâu nuôi tằm ở xã Quảng Trị, huyện Cát Tiên. Qua chuyến đi này, anh nhận thấy tiềm năng từ mô hình trồng dâu nuôi tằm khá phù hợp với vùng đất Ninh Loan, lại ít vốn, quy trình dễ áp dụng, cho thu nhập ổn định. Trở về sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm, anh đã mạnh dạn chuyển 3 sào đất sang trồng dâu, với giống dâu cao sản F7, sau 4 tháng trồng lá đã phủ xanh, khi chắc chắn đảm bảo nguồn thức ăn dồi dào cho tằm thì gia đình anh mới mua hộp tằm giống đầu tiên về nuôi. Sau 15 ngày lo lắng xen lẫn háo hức mong đợi, lứa tằm này đã cho thu hoạch 60 kg kén chất lượng tốt, với giá bán 150 ngàn đồng/kg, gia đình anh đã thu về hơn 8 triệu đồng.
Qua hơn 2 năm chuyển đổi, nhận thấy hiệu quả thu nhập từ nghề trồng dâu nuôi tằm cao gấp 3 lần so với trồng hoa màu trên cùng một diện tích canh tác, anh bàn với gia đình quyết tâm mở rộng sản xuất. Anh tiến hành chặt bỏ 1,5 ha diện tích cà phê già cỗi sang trồng giống dâu mới và nuôi giống tằm mới theo kỹ thuật nuôi hiện đại, vừa dễ nuôi lại cho chất lượng kén tốt hơn so với phương thức truyền thống. Với phương pháp mới, gia đình anh nuôi tằm dưới sàn xi măng hoặc trên dàn khung gỗ trải lưới không cần nong tre, rất tiết kiệm công chăm sóc. Cứ như vậy cho đến nay mỗi tháng gia đình anh nuôi luân phiên 2-3 hộp tằm giống, thu khoảng 200 kg kén chất lượng tốt, với giá kén ổn định gia đình anh thu nhập 28 triệu đồng/tháng.
Từ hiệu quả của nghề trồng dâu nuôi tằm mang lại, anh Tùng đã chủ động tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cà phê già cỗi và diện tích trồng lúa sang trồng dâu nuôi tằm. Năm 2019, địa phương có chủ trương thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp, anh Tùng đã đăng ký tham gia và được xã viên tín nhiệm bầu giữ chức Giám đốc HTX. Không phụ sự kỳ vọng của mọi người, bản thân anh đã năng động liên hệ tạo chuỗi liên kết bền vững với Công ty TNHH Sun Feel Việt Nam để cùng đầu tư bao tiêu sản phẩm từ nghề nuôi tằm cho bà con địa phương.
Đến nay trên địa bàn xã Ninh Loan đã có 70 hộ tham gia chuỗi liên kết nghề trồng dâu nuôi tằm với diện tích gần 40 ha dâu. Trong một năm, với 1 ha dâu sẽ nuôi được 20 hộp tằm giống và thu hoạch khoảng 1 tấn kén tơ. Sau khi trừ chi phí nhân công và tiền giống, người nông dân sẽ thu lợi hơn 100 triệu đồng. Có thể nói mô hình đã thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp đời sống của nhiều bà con ngày càng được nâng cao.
Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Phạm Thanh Tùng còn là một Thôn trưởng, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, công an viên vô cùng nhiệt tình, trách nhiệm của thôn Trung Hậu, xã Ninh Loan. Anh luôn gương mẫu đi đầu và tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; bản thân anh còn tích cực tham gia công tác tuần tra của tổ an ninh, giữ vững ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
NHẬT MINH