Những năm qua, phong trào thanh niên lập nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện những tấm gương vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Những năm qua, phong trào thanh niên lập nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện những tấm gương vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đoàn viên Đoàn Quốc Cường ở xã Hòa Trung, huyện Di Linh là một trong những điển hình tiêu biểu về tấm gương thanh niên vượt khó phát triển kinh tế.
|
Trồng hoa cúc đem lại thu nhập 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh Đoàn Quốc Cường |
Chúng tôi được Đảng ủy xã Hòa Trung giới thiệu và dẫn đến tham quan mô hình chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng hoa cúc của anh Đoàn Quốc Cường (Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã), ấn tượng đầu tiên là tuy vườn hoa chỉ khoảng 1 sào nhưng do được trồng trên diện tích đất theo hình bậc thang nên trông khá đẹp mắt. Đó là kết quả của quá trình chăm chỉ làm ăn, vươn lên bằng chính sự cần cù của anh Cường.
Gia đình anh Đoàn Quốc Cường trước đây chỉ độc canh 1,2 ha cà phê, sản lượng cao nhất chỉ đạt khoảng 4,5 tấn/ha/năm. Vài năm trở lại đây, do giá cả vật tư, phân bón tăng cao, còn giá thị trường mặt hàng cà phê thì xuống thấp nên gia đình anh Cường gặp không ít khó khăn về chi phí tái đầu tư sản xuất. Trước tình hình đó, năm 2017, anh Đoàn Quốc Cường đã bàn bạc với bố mẹ và mạnh dạn chuyển đổi khoảng 1 sào diện tích cà phê già cỗi sang trồng hoa cúc.
Anh Đoàn Quốc Cường cho biết: Trước đây, anh đã có thời gian 2 năm phụ giúp ông Phan Đình Hải ở Đà Lạt canh tác hoa cúc, nên anh Cường đã có cơ hội học hỏi kiến thức kỹ thuật lẫn kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa cúc... Vì vậy, khi bắt tay vào nghề trồng hoa, anh Cường không gặp phải những trở ngại, khó khăn. “Một năm thường trồng 3 vụ là hợp lý nhất, nhưng do tôi làm tốt công tác xử lý, cải tạo đất nên tôi trồng 4 vụ/năm và trồng theo hình thức gối đầu. Chi phí đầu tư thấp, còn giá cả và thị trường đầu ra khá ổn định, nên tôi chọn hoa cúc làm cây trồng trong phát triển kinh tế của mình”, anh Đoàn Quốc Cường nói.
Cũng theo anh Đoàn Quốc Cường, để hoa cúc cho bông đẹp, chất lượng thì người trồng cần phải làm tốt khâu chăm sóc, nhất là thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện các loại sâu bệnh hại như bệnh nấm, trĩ, ruồi đục lá, bông, để kịp thời phòng trừ... Còn về đầu ra, hiện tại các sản phẩm hoa của anh đều cung cấp cho thị trường Di Linh, Bảo Lộc, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, với giá cả thị trường dao động từ 20 - 25 ngàn/bó. Còn hoa chùm có giá bán từ 15 - 18 ngàn đồng/bó.
Theo anh Cường hạch toán, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm, tương đương 4 tấn cà phê nhân thu được trên 1 ha canh tác cà phê, nhưng chi phí đầu tư, công chăm sóc thấp và nhẹ nhàng hơn nhiều so với canh tác cà phê.
Để có được thành quả kinh tế như ngày hôm nay, anh Đoàn Quốc Cường luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước; đồng thời, tích cực ứng dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Với ý chí nghị lực của một đoàn viên trẻ tuổi mong muốn thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, thời gian tới, anh cường sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống gia đình.
Ông Trần Ngọc Thiệu - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Trung cho biết: “Anh Đoàn Quốc Cường là đoàn viên, thanh niên năng động, chịu khó trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, anh Cường còn hăng hái, tích cực vận động hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên trong xã làm theo, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức khoa học - kỹ thuật cho bà con có nhu cầu tham gia trồng hoa để cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc”.
NDONG BRỪM