Trở về Lộc Bắc, "cái nôi" nuôi dưỡng phong trào cách mạng tại Lâm Đồng để thấy được vùng đất chiến tranh, khói đạn một thời giờ đã "thay da đổi thịt", đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
Trở về Lộc Bắc, “cái nôi” nuôi dưỡng phong trào cách mạng tại Lâm Đồng để thấy được vùng đất chiến tranh, khói đạn một thời giờ đã “thay da đổi thịt”, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
|
Đồng bào dân tộc thiểu số Lộc Bắc trồng điều xen canh cây chè cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. |
Nơi chiến công vang dội
Trong không khí kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước cận kề, chúng tôi tìm về xã Lộc Bắc để được gặp gỡ, trò chuyện với những người con năm xưa đã từng dành cả tuổi thanh xuân tham gia cách mạng.
Như được sống lại những năm tháng chiến tranh gian khó nhưng hào hùng, già K’Rao (77 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Lộc Bắc), nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã say sưa kể cho chúng tôi nghe thời điểm cùng chính quyền, quân và dân trong xã anh dũng chiến đấu, góp phần giải phóng quê hương, đất nước.
Thời điểm năm 1962, già K’Rao tình nguyện tham gia cách mạng lúc vừa tròn 18 tuổi. Già kể, Lộc Bắc lúc bấy giờ trở thành tâm điểm đánh phá của thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ Pháp thuộc, kinh tế địa phương phần lớn là tự cung, tự cấp và khép kín. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, trải qua 15 năm xây dựng, Lộc Bắc dần trở thành căn cứ cách mạng và bảo vệ hậu cứ vững chắc, nhiều lần lực lượng du kích xã được Tỉnh ủy Lâm Đồng, Huyện ủy K1 chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng địa phương đánh hàng chục trận chiến ác liệt, tiêu diệt nhiều đối tượng địch, chư hầu và quân ngụy.
“Ngày xưa chỉ biết đánh và đánh thôi, lúc ấy khổ lắm! Khó khăn, chịu đựng cái đói, phải ăn bột mì xà bu, củ rừng, lá bép. Do tập quán sản xuất, canh tác chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên những năm mưa thuận gió hòa thì được mùa, lương thực cơ bản đủ ăn, còn những năm thời tiết, thiên tai bất thường thì mất mùa, thường thiếu ăn 2 đến 4 tháng. Đói khổ lắm nhưng ai cũng một lòng chung thành với Đảng, với Nhà nước” - già K’Rao xúc động nói.
Một trong những trận chiến già K’Rao nhớ rõ là trận đánh ác liệt đêm 27 tới rạng sáng ngày 28/3/1975. Cùng tiếng súng xung phong giải phóng miền Nam, giải phóng tỉnh nhà, tại đồi B’Trú (Thôn 4, xã Lộc Bắc) suốt nhiều ngày đêm, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Lộc Bắc hỗ trợ lương thực phục vụ chiến trường, mở đường tiến công, sát cánh cùng lực lượng vũ trang tỉnh dồn dập bắn pháo 130 ly vào các cứ điểm trọng yếu của địch, giúp các đơn vị thuận lợi tấn công, tiến tới giải phóng hoàn toàn thị xã B’Lao.
Là người con của vùng đất anh hùng, ông K’Tư, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc cho biết: Trong cuộc kháng chiến gian khổ, xã Lộc Bắc và Lộc Bảo được gọi chung là Lộc Bắc để thực hiện nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Sau giải phóng, vào năm 1994, hai xã được tách ra và lấy tên là Lộc Bắc và Lộc Bảo để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của người dân trong vùng. Và, với đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Lộc Bắc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào ngày 20/10/1994.
“Nếu như trong hai cuộc kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, bà con xã Lộc Bắc đã có nhiều chiến công được ghi nhận thì những năm hòa bình, người dân tiếp tục cùng nhau chung tay đẩy lùi cái nghèo, cái đói, kiên trì, bền bỉ phấn đấu để đạt nhiều thành quả đáng khích lệ”- ông K’Tư nhận định.
Quê nghèo đổi thay
Theo lãnh đạo UBND xã Lộc Bắc, những năm đầu sau giải phóng, phương thức canh tác chủ yếu của bà con là phát rừng làm rẫy với những công cụ thô sơ như rìu, xà gạc, dùng gậy chọc lỗ để trỉa hạt đậu, ngô… nên đời sống khó khăn trăm bề, nhưng qua từng năm, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với các Chương trình hỗ trợ 30a, 135 và các dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản, nhờ đó bộ mặt buôn làng có nhiều khởi sắc.
Người dân dần bắt đầu thích nghi với đời sống định canh, định cư, từng bước ổn định sản xuất, phát triển kinh tế vườn hộ, trồng cây công nghiệp dài ngày như: chè, cà phê, cây ăn trái, nhận khoán và bảo vệ rừng… để tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, từ khi địa phương tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, Lộc Bắc từng bước đổi thay rất nhanh, giao thông đi lại thuận tiện, sản xuất được cơ giới hóa, không còn cảnh cày, cuốc như ngày xưa.
Hiện xã Lộc Bắc có 1.512 hộ với 4 thôn, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70%. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 3,30%. Năm 2020, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/năm. Đây là con số khá ấn tượng đối với một xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông.
Đến cuối năm 2020, xã đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và phấn đấu cuối năm 2021 về đích nông thôn mới.
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bắc K’Tư cho biết mặc dù còn nhiều hạn chế, thách thức không nhỏ nhưng với quyết tâm cao, được sự hỗ trợ từ Đảng bộ, chính quyền cấp trên, Lộc Bắc sẽ tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ra những phương hướng, kế hoạch đúng đắn, hợp lòng dân để phấn đấu về đích xã nông thôn mới cuối năm 2021.
C.PHONG