Phải luôn thay đổi để trở nên phù hợp với từng thời giá nông sản, đó là phương châm, cũng là cách làm kinh tế của ông Cao Văn Hưng, một cựu chiến binh tiêu biểu về phát triển kinh tế tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm).
Phải luôn thay đổi để trở nên phù hợp với từng thời giá nông sản, đó là phương châm, cũng là cách làm kinh tế của ông Cao Văn Hưng, một cựu chiến binh tiêu biểu về phát triển kinh tế tại xã Lộc Nam (Bảo Lâm).
|
Cựu chiến binh Cao Văn Hưng luôn phát huy tinh thần tương thân tương ái với đồng đội, đồng chí |
Qua giới thiệu của ông Trần Ngọc Biên, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bảo Lâm, chúng tôi đến xã Lộc Nam tìm gặp cựu chiến binh Cao Văn Hưng. Ông Hưng tâm sự: “Tôi sinh năm 1948. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi có 3 năm đi lính ở Yên Thế - Bắc Giang. Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình, tôi xuất ngũ trở về địa phương. Tại quê nhà, Phủ Lý - Hà Nam, tôi cùng với các dân quân du kích địa phương tham gia trực chiến, chở gạo phục vụ kháng chiến”.
Năm 1986, ông tình nguyện đi kinh tế mới, vào Vùng III, khu vực Đạ Tẻh - Cát Tiên bây giờ. Bốn năm sau, ông Hưng ngược lên Lộc Nam, rồi chọn nơi đây để định cư. Vốn bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông nhanh chóng ổn định cuộc sống, đồng thời tìm tòi những hướng đi mới để làm giàu. Nhiều năm qua, ông Hưng luôn phát huy phẩm chất của một người lính, luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp chăm sóc hợp lý, đúng quy trình nhờ đó mà cây trồng luôn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. “Hiện tại, vợ chồng tôi còn lại khoảng 1 ha đất trồng đa canh để phát triển kinh tế, sau khi đã chia đất rẫy cho các con có thêm điều kiện làm ăn. Trên diện tích này, tôi trồng sầu riêng, chuối, bơ, mít..., với mục đích lấy ngắn nuôi dài, lấy cây này bù cho cây nọ”, ông Hưng cho biết.
Theo ông, với mô hình trồng cây đa canh, gia đình lúc nào cũng có nguồn thu nhập. Riêng nguồn thu từ cây sầu riêng, mỗi năm ông Hưng thu về hơn 300 triệu đồng. “Điều đáng quý ở ông Hưng là không chỉ chăm lo phát triển kinh tế cho gia đình, ông còn luôn sẵn sàng hỗ trợ những đồng đội gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm, giống... để vươn lên xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, ông Hưng cũng tích cực tham gia các phong trào của Hội Cựu chiến binh xã Lộc Nam và các phong trào thi đua khác của địa phương. Ông Hưng là thành viên tích cực của mô hình 8 + 1 (nghĩa là 8 người hỗ trợ 1 người) và mô hình 5 + 1 (5 người hỗ trợ 1 người), do Hội Cựu chiến binh xã Lộc Nam phát động”, bà Lê Thị Bằng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lộc Nam, chia sẻ.
Theo bà Bằng, trong Hội Cựu chiến binh xã Lộc Nam, ông Hưng như một người anh cả, tận tình, chu đáo với đồng đội, đồng chí. Phát triển kinh tế rất quyết liệt, tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ thì rất nhiệt tình. Bằng kinh nghiệm của mình, cứ thấy đồng đội, đồng chí nào gặp khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, ông đi đến tận nơi để hướng dẫn, truyền đạt những kinh nghiệm, khuyên bảo nên trồng cây này, không nên trồng cây kia... Nhờ đó, ông Hưng luôn được các đồng đội, đồng chí yêu mến. Nhiều năm nay, nhà của ông trở thành nơi để các đồng đội bàn bạc việc làm ăn, ôn lại kỷ niệm chiến trường, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống. “Tôi rất mừng và tự hào vì có những người hội viên như ông Hưng. Qua những việc làm của ông Hưng cho thấy tình đồng chí, đồng đội rất cao, không chỉ trong thời chiến, còn lan tỏa trong thời bình và cả trong việc làm ăn phát triển kinh tế”, bà Bằng tâm sự.
TRIỀU KA