Dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát (Phường 11, TP Đà Lạt) được cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất năm 2009 nhưng tới giờ phần lớn diện tích vẫn để cỏ hoang mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất đồng thời tác động tiêu cực tới tâm lý người dân trong vùng dự án.
Dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát (Phường 11, TP Đà Lạt) được cơ quan chức năng ra quyết định thu hồi đất năm 2009 nhưng tới giờ phần lớn diện tích vẫn để cỏ hoang mọc um tùm, gây lãng phí tài nguyên đất đồng thời tác động tiêu cực tới tâm lý người dân trong vùng dự án.
|
Ông Lê Văn Sơn trên mảnh đất rộng 9,2 sào của gia đình nằm trong vùng dự án “treo” suốt 12 năm qua |
Theo báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, Dự án Xây dựng Khu dân cư số 6, Trại Mát do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung (gọi tắt là Công ty Kiên Trung) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận lần đầu ngày 18/10/2007, quy mô dự án có diện tích 75,8 ha với mục tiêu xây dựng khu dân cư đô thị mới để phục vụ tái định cư và kinh doanh bất động sản.
Tới năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định thu hồi đất với diện tích 73,61 ha. Từ năm 2009 tới 2011, UBND tỉnh ra các quyết định phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ với tổng chi phí trên 107 tỷ đồng cho 157 hộ gia đình/cá nhân và 2 tổ chức trên diện tích bị thu hồi 41,16 ha.
Trong khi đó, quá trình triển khai Công ty Kiên Trung mới chi trả được 29,5 tỷ đồng cho 47 hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức. Tính tới năm 2019, Công ty đã đầu tư khoảng gần 90 tỷ đồng vào dự án. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, nguyên nhân dự án thực hiện chậm tiến độ, kéo dài do: Thiếu quyết tâm và năng lực nhà đầu tư hạn chế, gặp khó khăn về tài chính, thay đổi đơn giá đất bồi thường, hỗ trợ; phải điều chỉnh quy hoạch, tăng số đối tượng tái định cư, chưa thể thống nhất giá đền bù, hỗ trợ giữa các bên,...
Do đó, chủ đầu tư dự án trên đã nhiều lần để hết hạn tiến độ đầu tư, có tới 6 lần xin được điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án trong giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 tới cuối năm 2017. Và gần đây, nhà đầu tư tiếp tục xin gia hạn tiến độ đầu tư, còn thời gian hoàn thành thực tế tới thời điểm nào vẫn là một dấu hỏi với người dân nơi đây?
Bức xúc về sự chậm trễ của dự án này, ông Lê Văn Sơn (70 tuổi, Phường 11) cho biết, gia đình ông đã định cư tại khu vực vùng dự án treo đã trên 30 năm. Từ khi cơ quan chức năng có quyết định thu hồi 9,2 sào đất của gia đình để giao nhà đầu tư thực hiện dự án đến nay đã 12 năm ròng. Suốt thời gian chờ đợi được đền bù, ông Sơn cho hay không dám đầu tư nhà kính, sản xuất rau, hoa công nghệ cao, chỉ có thể trồng rau màu bình thường ngoài trời, trong khi đất đai vùng dự án không thể sang nhượng, vay tiền để làm ăn, khó khăn đủ đường.
“Chúng tôi rất bức xúc vì dự án kéo dài quá lâu, nhà đầu tư năng lực có vấn đề mới quá nhiều lần thất hứa như vậy nhưng không hiểu sao các ngành chức năng không thu hồi dự án. Chúng tôi đi không được, ở cũng bất an, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề”- ông Sơn giãi bày.
Cũng theo ông Sơn, dự án này năm 2019 chủ đầu tư thỏa thuận đơn giá với người dân đền bù khoảng 105 triệu đồng/sào (1.000 m2), nhưng tới giờ đất đai biến động rất lớn thì mức giá đền bù đưa ra chỉ khoảng gần 900 triệu đồng/sào. Trong khi người dân tại đây cho hay đất nông nghiệp, có sổ đỏ giá thị trường xung quanh khu vực nằm ngoài dự án khoảng trên dưới 10 tỷ đồng/sào. “Với đơn giá mới để cho người dân và nhà đầu tư tìm được tiếng nói là rất khó” - ông Sơn nói và dự đoán dự án sẽ còn tiếp tục “giậm chân tại chỗ”.
Cùng là hộ dân có đất nằm trong dự án, gia đình ông Hồ Minh Tâm (56 tuổi) cho biết chủ đầu tư dự án thu hồi, đền bù hơn 2 sào đất gia đình ông từ năm 2010. Hiện ông Tâm còn lại 4 sào chưa đền bù. “Gia đình tôi có 2 vợ chồng và 3 người con, nếu nhận được hết tiền đền bù cách đây hơn 10 năm, được bố trí tái định cư chúng tôi đã sinh sống ổn định. Còn giờ giá đền bù quá chênh lệch, thỏa thuận với chủ đầu tư không đi tới đâu. Chúng tôi chỉ mong dự án nếu không triển khai được thì Nhà nước thu hồi để thoát cảnh dự án treo bao nhiêu năm qua”- ông Tâm nói.
Về việc dự án triển khai tiếp tục hay không, theo Văn bản chỉ đạo số 3260/UBND-XD ngày 21/5/2021, UBND tỉnh đã chấp thuận về mặt chủ trương việc gia hạn tiến độ đầu tư Dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát thêm 24 tháng, bắt đầu từ ngày ký văn bản (21/5/2021). UBND tỉnh nhấn mạnh đây là lần điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đầu tư cuối cùng đối với Công ty Kiên Trung. Nếu hết thời gian trên chủ đầu tư không triển khai dự án đúng tiến độ cam kết thì UBND tỉnh sẽ thu hồi dự án theo quy định.
Ngoài ra, thực hiện Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ ngày 12/6/2020 về quản lý và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh cùng quá trình kiểm tra thực tế dự án ngày 7/4/2021, UBND tỉnh cũng có văn bản chấp thuận chủ trương đưa 10,92 ha thuộc đất quy hoạch rừng phòng hộ cảnh quan, hiện trạng có rừng tự nhiên ra khỏi Dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát.
“Công ty Kiên Trung tập trung nguồn lực thực hiện dự án theo đúng các văn bản cam kết với UBND tỉnh ngày 11 và 18/5; đồng thời sớm liên hệ với các sở, ngành, UBND TP Đà Lạt để hoàn tất các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, ứng kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng... Trước mắt thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng 2,67 ha phục vụ công tác tái định cư và trồng cây xanh trong vùng đất đã được bàn giao” - Văn bản số 3260 của UBND tỉnh nêu rõ.
Hi vọng với việc gia hạn tiến độ cuối cùng lần này, cùng sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lâm Đồng, các sở, ngành, địa phương liên quan, Dự án Khu đô thị mới số 6 Trại Mát sẽ không thêm một lần lỡ hẹn, người dân trong vùng dự án có thể thoát cảnh trông ngóng, sống bất an hơn chục năm qua.
C.THÀNH