Khoảng 5 năm trở lại đây, diện mạo thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) có nhiều chuyển biến rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm thay đổi thói quen canh tác lâu nay của bà con.
Khoảng 5 năm trở lại đây, diện mạo thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) có nhiều chuyển biến rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa được giữ gìn, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm thay đổi thói quen canh tác lâu nay của bà con.
|
Đồng bào DTTS ở Đạ Nhar quan tâm phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm |
Thôn Đạ Nhar có 313 hộ /1.200 khẩu, chiếm 27,5% dân số xã Quốc Oai, đây là thôn duy nhất của xã có đông đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên sinh sống. Trước đây, những vườn điều già cỗi cho thu nhập khá thấp nhưng đây lại là cây trồng chiếm diện tích tương đối lớn trong quỹ đất nông nghiệp tại thôn. Từ năm 2016, công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi vườn điều già cỗi được cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc một cách sát sao, đến nay người dân đã chuyển đổi được trên 130 ha điều già cỗi sang trồng các loại cây khác phù hợp như: dâu tằm, cao su, cà phê, tràm lấy gỗ, cây ăn quả, điều ghép...
Địa phương trực tiếp phân công cán bộ xuống địa bàn để hướng dẫn, giúp đỡ bà con sản xuất, triển khai các mô hình cây, con giống năng suất, chất lượng, hiệu quả để bà con thay thế giống cũ. Hỗ trợ 530 triệu đồng/150 lượt hộ thực hiện chuyển đổi cây trồng, mở 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với trên 600 lượt người tham gia. 35 hộ dân đã thành thục kỹ năng trồng dâu nuôi tằm, trong đó 15 hộ đang nuôi cho thu nhập ổn định. Giai đoạn 2016 - 2020, địa phương tập trung đầu tư kinh phí để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên với tổng kinh phí đầu tư là: 5.968,5 triệu đồng/ 1.026 lượt hộ.
Với 0,5 ha điều già cỗi, mỗi năm gia đình K’Hàn không lời lãi bao nhiêu, thậm chí có những năm hầu như không có thu. Được sự động viên của cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương, K’Hàn đã mạnh dạn đưa cây sầu riêng và mít Thái vào trồng rồi lắp đặt hệ thống tưới nước. Đây là một mô hình nông nghiệp mới hứa hẹn tại địa phương bởi vì trước đây bà con chỉ trông chờ vào đất trời.
Ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch UBND xã Quốc Oai cho biết: Việc xóa đói giảm nghèo, chăm lo phát triển kinh tế được địa phương quan tâm thực hiện, hằng năm UBND xã xây dựng kế hoạch chăm sóc 120 ha cao su tập trung tại Tiểu khu 525; tổ chức 3 đợt công tác dân vận giúp dân chăm sóc cao su tập trung số lượng 550 lượt người tham gia; đến nay cao su bước sang năm thứ 6, năm 2020 đã triển khai mở miệng cạo mủ trên 40 ha, năm 2021 sẽ khai thác diện tích còn lại. UBND xã luôn quan tâm tạo điều kiện cho các hộ dân đồng bào DTTS được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Tổng nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đến nay khoảng 6.584 triệu đồng/179 lượt hộ vay, qua đó giúp bà con có kinh phí bước đầu tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng, sửa chữa nhà ở. Nhìn chung các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, không có tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn. Nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, lao động sản xuất nên số hộ nghèo trong thôn còn 20 hộ, chiếm tỷ lệ 6,69% (giảm 20,01% so với năm 2016), hộ cận nghèo còn 41 hộ, chiếm tỷ lệ 13,71% (giảm 11,1% so với năm 2016).
Đến nay, 100% hộ đồng bào DTTS trong thôn được sử dụng điện lưới quốc gia; có trên 95% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 30% số hộ được sử dụng nước sạch. 4 tuyến đường dân cư và vào khu sản xuất trong thôn đã và đang được bê tông hóa, các tuyến đường còn lại trong thôn đi lại thuận tiện trong cả hai mùa mưa và nắng.
Bản sắc văn hóa luôn được bảo tồn và phát huy, trong đó có văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước; các hoạt động văn hóa, thể thao vùng đồng bào DTTS được duy trì và phát triển, có sân thể thao để thanh niên chơi bóng chuyền; nhà văn hóa là nơi bà con sinh hoạt hội họp, biểu diễn văn nghệ, cồng chiêng. Trong thôn Đạ Nhar có đội cồng chiêng thường xuyên tập luyện để biểu diễn tại địa phương và tham gia lễ hội cồng chiêng do huyện, tỉnh tổ chức; các đội văn nghệ của học sinh, thanh niên, phụ nữ, nông dân trong thôn tích cực tham gia tập luyện, biểu diễn trong các dịp liên hoan, hội thi...
Theo UBND xã Quốc Oai, hiện nay chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt 19/19 tiêu chí, cơ bản các tiêu chí đã đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên tại vùng đồng bào DTTS vẫn còn một số tồn tại như: vệ sinh môi trường còn hạn chế; tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn 3 cứng, tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh chưa đảm bảo còn cao. UBND xã đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang nhà ở sân vườn; triển khai mô hình trồng cây cảnh dọc tuyến đường thôn, vệ sinh môi trường hàng tháng, tạo cảnh quan môi trường nông thôn mới.
ĐỨC TÚ