Đúng mùa thu hoạch, dưới chân đồi Ma Bó là từng mảng màu vàng rực với những bông lúa lặng lẽ cúi đầu...
Đúng mùa thu hoạch, dưới chân đồi Ma Bó là từng mảng màu vàng rực với những bông lúa lặng lẽ cúi đầu. Trên cánh đồng, người nông dân mỉm cười khi chứng kiến thành quả từ việc thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, áp dụng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt để tạo ra các sản phẩm hữu cơ, an toàn.
|
Sử dụng máy móc hỗ trợ trong thu hoạch |
Tập tành làm lúa hữu cơ
Đó là chia sẻ của bà Ma Thúy (thôn Ma Bó, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng) từ vụ Đông xuân năm nay. Trên tay nâng niu những bông lúa vàng rực, bà Ma Thúy khẳng định: “Lúa nhà mình đẹp hơn nhiều so với các hộ xung quanh. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình làm được lúa đạt như thế này, năng suất chắc chắn cao hơn những vụ trước”.
Đối với người dân tộc thiểu số ở thôn Ma Bó nói riêng và cả xã Đa Quyn nói chung, lúa nước là loại cây có từ thời cha ông để lại. Lúa là nguồn lương thực đảm bảo cho đời sống của người dân khỏi những đói kém. Thế nhưng, từ bao đời theo lối canh tác truyền thống, người dân gieo sạ một cách tùy ý, mạnh ai nấy làm. Cây lúa mọc lên, cũng theo tự nhiên mà sinh trưởng, ít được săn sóc cẩn thận, sử dụng phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật tùy vào túi tiền người dân thời điểm đó.
“Lần này làm khác hoàn toàn. Ngày xưa làm xong không có nhổ cỏ hay dặm lại gì hết, vì gieo xuống xong còn phải đi làm thuê, làm cà phê... Năm nay mình làm theo hướng dẫn của Hội Nông dân xã, chịu khó nhổ cỏ, bỏ phân, xịt thuốc theo đúng thời gian hướng dẫn. So sánh với những hộ xung quanh cùng làm thì lúa của mình cũng đẹp nhất, mọi người đều khen, mình vui lắm”, bà Ma Thúy thật thà chia sẻ.
Chị Ma Thạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đa Quyn nói rằng, những người như Ma Thúy, từ nhỏ đã theo cha mẹ ra đồng, lên nương. Họ cũng dành cả cuộc đời mình gắn bó với nông nghiệp, thế nên để thay đổi thói quen sản xuất truyền thống là rất khó. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã cũng phải dành nhiều thời gian thuyết phục người dân tham gia vào tổ sản xuất lúa hữu cơ. Cụ thể từng hộ dân với diện tích, số lượng lúa giống, số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đều được ghi chép cẩn thận, chi tiết trong cuốn sổ tay của Ma Thạnh. Rồi chị cũng là người nhắc nhở người dân thường xuyên theo dõi sinh trưởng của cây, bắt ốc, dặm lúa, bón phân theo đúng ngày giờ. Bên cạnh đó là ghi nhận phản hồi của người dân liên quan đến những vấn đề sâu bệnh trên cây để kịp thời can thiệp của tổ tư vấn kỹ thuật.
“Người ít thì 2, 3 sào, người nhiều nhất cũng chỉ có 1,4 ha. Vấn đề không nằm ở số lượng mà chủ yếu là khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho người dân tham gia với mong muốn phát triển kinh tế cho gia đình, từ chính mảnh đất và nghề trồng lúa từ bao đời của cha ông để lại. Và thật đáng mừng trước kết quả có được cũng như sự hào hứng của nông dân”, chị Ma Thạnh chia sẻ.
Tiến đến xây dựng thương hiệu
Đó là mục tiêu của Dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ của Chi hội nghề nghiệp lúa hữu cơ Tà Năng - Ma Bó thực hiện trên diện tích đất trồng lúa của 2 xã Đa Quyn, Tà Năng. Dự án do Hội Nông dân huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư với kinh phí khoảng 5 tỷ đồng nhằm sản xuất lúa hữu cơ, liên kết Nhân dân sản xuất lúa của hai xã Đa Quyn và Tà Năng để tạo vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Dự án bắt đầu từ vụ Hè thu năm 2020 với sự tham gia của 85 hộ dân, diện tích khoảng 85 ha. Quá trình chăm sóc, nông dân chỉ được sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học. Sau khi thu hoạch, 70% số thóc sẽ được vận chuyển tới công ty để xay xát và đưa đi tiêu thụ, 30% còn lại sẽ được xay xát tại chỗ và bán trực tiếp tại địa phương. Theo tính toán, dự kiến một năm sẽ canh tác được 2 vụ, năng suất trung bình đạt 5 - 6 tấn/ha. Ở vụ Đông xuân năm nay, có trường hợp cá biệt lên đến 12 tấn/ha.
Anh Nguyễn Quang Trúc - Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp cho biết, chương trình có liên kết sản xuất giữa người nông dân, chính quyền địa phương, nhà khoa học, và các doanh nghiệp. Mục tiêu cuối cùng xây dựng thương hiệu lúa hữu cơ, hướng đi bền vững cũng như khẳng định, nâng cao giá trị hạt lúa do đồng bào Chu Ru sản xuất.
Lý giải về việc chọn vùng đất Đa Quyn, Tà Năng, anh Nguyễn Quang Trúc giải thích: Đây là vùng tập trung diện tích lúa lớn ở khu vực 5 xã vùng Loan. Người dân đã quen với lối canh tác truyền thống, nhưng cũng là lối canh tác không có sự can thiệp quá nhiều của các yếu tố hóa học. Điều này được lý giải thêm bởi người dân trồng thuận tự nhiên một phần do điều kiện kinh tế của bà con chưa cao, họ cũng không có tư tưởng “ép” sản lượng bằng mọi cách. Chính vì thế, qua kiểm tra, đất ở đây không nhiều dư lượng hóa chất, không ô nhiễm, chỉ cần xử lý bằng các biện pháp như vôi, ủ phân chuồng... là có thể cải thiện được.
“Nếu như làm đúng quy trình hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp, năng suất trung bình sẽ không thua kém sản lượng bình thường mà thậm chí là cao hơn. Khi thu mua, chúng tôi cam kết giá đầu vào cao hơn, trung bình từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với giá thị trường. Bây giờ là thời điểm vừa làm vừa cải tạo để có thu nhập cho bà con và sau 3 - 5 năm thì mình có được sản phẩm hữu cơ, tiến đến làm chứng nhận cho sản phẩm. Tôi không dám bàn tới tương lai xa nhưng kết quả hiện tại cho thấy hướng đi của mình là đúng đắn”, anh Trúc cho biết thêm.
Tất cả quy trình sản xuất lúa được theo sát bởi cán bộ Hội Nông dân địa phương. Người dân từ việc cảm thấy khó chịu khi phải tuân thủ quy định khắt khe nay đã nở nụ cười khi nhìn thấy thành quả. Mọi giá trị tạo ra, không chỉ là những sản phẩm có chất lượng cao, nó còn chứa đựng cái tâm chân chính của đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng sâu, vùng xa.
HỒNG THẮM