Ngày về Đưng K'Si

05:06, 18/06/2021

Định cư trên vùng đất mới, vượt qua bao khó khăn, trắc trở, giờ đây cuộc sống của các hộ vùng đồng bào dân tộc Cill ở thôn Đưng K'Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đã dần ổn định, no ấm. Nhà cửa khang trang, với những cung đường bê tông phẳng lì uốn lượn dưới những tán Mai anh đào...

Định cư trên vùng đất mới, vượt qua bao khó khăn, trắc trở, giờ đây cuộc sống của các hộ vùng đồng bào dân tộc Cill ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương đã dần ổn định, no ấm. Nhà cửa khang trang, với những cung đường bê tông phẳng lì uốn lượn dưới những tán Mai anh đào...
 
Giao thông thuận tiện, người dân có thể giao thương buôn bán
Đưng K'Si hôm nay, khang trang, sạch đẹp trẻ em nô đùa, vui tươi, phấn khởi
 
Ngày chúng tôi về lại Đưng K’Si cũng là lúc bà con nơi đây đang tích cực hỗ trợ, phối hợp cùng các đơn vị địa phương tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 tại chốt kiểm soát dịch nằm trên Quốc lộc 27C. Tự hào trong những câu chuyện về thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais Liêng Jrang Ha Thuyên dẫn chúng tôi vào thôn để “mục sở thị” cuộc sống đổi thay. Quả đúng vậy, Đưng K’Si hiện lên với những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, thiết kế theo lối truyền thống của người bản địa. Một vùng quê nằm yên bình bên dòng sông nhỏ, Đưng K’Si nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của núi rừng.
 
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, anh A Den - Trưởng thôn Đưng K’Si bảo rằng, những năm gần đây, các hộ trong thôn bắt đầu nhận khoán bảo vệ rừng, ngoài số tiền hằng năm thu về từ hái cà phê, thì bà con cũng có đồng ra, đồng vào khi thực hiện nhiệm vụ này, vừa bảo vệ môi trường sống, vừa có khoản thu nhập kha khá cho những tháng chờ đến mùa hái cà phê. “Bản thân mình cũng thế. Mỗi người đều tự kiếm công việc riêng để có thêm nguồn thu nhập trong gia đình. Ngày trước người dân chỉ bó hẹp trong mấy sào cà phê, nhưng rồi mọi thứ khấm khá hơn khi bà con đã biết cùng nhau làm thêm ở ngoài, người trẻ thì đi các thành phố lớn làm thuê, làm mướn, còn trung niên ở nhà lấp đầy thời gian rảnh bằng việc nhận khoán bảo vệ rừng hay buôn bán”, Trưởng thôn Đưng K’Si chia sẻ. 
 
Nằm thu mình dưới rừng thông xanh mát, 100% hộ trong thôn Đưng K’Si đang nhận khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trung bình nhận khoán là 35 đến 40 ha/hộ. Thay vì ngày xưa, người dân sống tự do, cuộc sống khó khăn khiến họ bắt buộc phải lên rừng chặt cây lấy củi đem bán, thì giờ đây anh A Den và bao người dân trong thôn đều vui mừng khi việc bảo vệ rừng đã trở thành nguồn thu nhập ổn định với 2 triệu đồng/tháng.
 
Từng là thôn nghèo nằm trong Chương trình 135, người dân Đưng K’Si trước đây chỉ biết trồng bắp, đậu và lên rừng hái măng, kiếm củi. Từ những chương trình hỗ trợ của Nhà nước, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Đến nay, thu nhập chính của người dân thôn Đưng K’Si từ nhận khoán bảo vệ rừng và cà phê, nhiều người còn buôn bán, các hủ tục dần được đẩy lùi để xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
 
Tám năm định cư ở vùng đất mới, hiện thôn Đưng K’Si đã có 123 hộ, với 502 nhân khẩu; trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 100%, cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc. Thu nhập trong thôn đã đạt 60 triệu đồng/hộ/năm và chỉ còn 1 hộ nghèo.
 
Đường sá trong thôn khang trang, với 100% được bê tông hóa, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong vùng đóng góp một phần kinh phí để hoàn thiện. Anh A Den kể, nhiều năm nay, nhận thức của bà con đã được thay đổi, họ không còn ích kỉ, ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước mà chính bà con đã cùng nhau chia sẻ, kêu gọi đóng góp nguồn kinh phí nhỏ để cùng địa phương xây nên những con đường kiên cố. Con đường hoàn thành trong niềm phấn khởi của người dân thôn Đưng K’Si, giao thương, buôn bán đi lại thuận tiện, mùa cà phê bà con không còn phải vất vả đẩy qua những đoạn đường đất đỏ, trẻ em đến trường cũng vì thế mà vui vẻ, rộn ràng hẳn lên. 
 
Trong tiệm tạp hóa nhỏ, ông Bon Tô Xa Nga (58 tuổi) dành thời gian rảnh rỗi cuối tuần ngồi tính toán chi li số tiền trong tháng gia đình chi tiêu và những khoản thu về sau đó. Ông Xa Nga chia sẻ: “Không chỉ gia đình tôi mà hầu hết cuộc sống bà con trong vùng ngày trước rất vất vả, mỗi nhà cũng chỉ trông chờ vào mấy sào cà phê, đường sá đi lại khó khăn nên làm gì cũng khó. Những năm sau này, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhận thêm bảo vệ rừng, mở một quán tạp hóa nhỏ nên cũng có thêm nguồn thu nhập trong gia đình. Riêng từ 3 ha cà phê, trung bình hằng năm, gia đình hái được 11 - 12 tấn với tổng thu nhập bình quân khoảng hơn 70 triệu đồng/năm, chưa kể các khoản thu nhập khác”.
 
Không còn là thôn nghèo, bộn bề lo toan thiếu ăn, thiếu mặc, Đưng K’Si hôm nay tự hào với diện mạo mới. Ở đó, bức tranh về thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với những gam màu tươi sáng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, niềm tin với Đảng, chính quyền không ngừng được tăng cường, củng cố.
 
THÂN THU HIỀN