Bảo tồn đa dạng sinh học để phát triển bền vững

04:07, 14/07/2021

Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ: "Nguồn gen là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật...

Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ: “Nguồn gen là tài sản quốc gia, là vật liệu di truyền cho chọn tạo giống sinh vật, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh...”. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen càng trở nên cấp thiết trong điều kiện biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học bị đe dọa nghiêm trọng. 
 
Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào góp phần bảo tồn và lưu giữ nguồn gen hiệu quả
Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào góp phần bảo tồn và lưu giữ nguồn gen hiệu quả
 
Lâm Đồng là tỉnh có nguồn tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú và giàu có. Với địa hình tương đối phức tạp, thời tiết ôn hòa, lượng mưa lớn, độ ẩm cao đã tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật, các loài cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc á nhiệt đới và ôn đới ngay trong vùng nhiệt đới cận xích đạo. Với trên 60% diện tích tự nhiên là rừng, Lâm Đồng có nhiều kiểu thảm thực vật, hiện đã xác định có trên 3.490 loài thực vật rừng và trên 393 loài nấm. Sự đa đạng, phong phú được thể hiện không chỉ ở sự có mặt của những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm với nguồn gen đặc hữu, cá biệt riêng có, mà còn ở nguồn gen thực vật, cây dược liệu đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao.
 
Luôn quan tâm và coi việc bảo tồn, lưu trữ nguồn gen trên địa bàn tỉnh là cấp thiết, từ năm 2017 UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó chú trọng việc bảo tồn các loài bản địa có giá trị cao như: Chuối La Ba, dâu tằm, Thông đỏ, Đẳng sâm, các loài lan rừng, Trà mi Đà Lạt, Trà hoa vàng; các loài vật nuôi như: Bò lai bò rừng, gà, heo thuần chủng, vịt trời, các loài chim, thú đặc hữu tại Lâm Đồng... Hiện nay, tại một số trung tâm, viện nghiên cứu trong tỉnh như Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng khoa học và công nghệ Lâm Đồng, Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng... đang bảo tồn, lưu giữ 781 nguồn gen rau, hoa, cây ăn quả; 74 nguồn gen nấm dược liệu; 81 nguồn gen giống dâu; 47 nguồn gen giống tằm; 74 nguồn gen chè; 100 nguồn gen cây rừng các loại.
 
Trong thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ của tỉnh đã góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: Nghiên cứu tuyển chọn nhân giống 21 loài trà mi bản địa, tuyển chọn 2 loài (thông caribe và bạch tùng) bổ sung tập đoàn cây trồng rừng kinh tế tại Lâm Đồng; chọn lọc được 6 cây bơ đầu dòng có năng suất cao và phẩm chất trái tốt làm cây đầu dòng; chọn lọc được 3 giống cà phê chè lai và 2 giống cà phê chè thuần có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh... Năm 2019, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các đơn vị liên quan xác định và đề xuất các giải pháp khai thác, bảo tồn loài thực vật có hình thái tương tự sâm Ngọc Linh trên địa bàn các huyện: Đam Rông, Lạc Dương; đồng thời, đang triển khai các nghiên cứu khoa học về tình hình phân bố và trữ lượng cây sói rừng, tuyển chọn bộ giống Artichoke chất lượng cao. Năm 2020, đã đề xuất nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp nhà nước về bảo tồn và phát triển các chủng loài nấm ăn và nấm dược liệu tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà.
 
Tuy là tỉnh được đánh giá cao về sự đa dạng sinh học hệ sinh thái, đa dạng về loài và đa dạng về nguồn gen, nhưng hiện nay nguồn gen đang bị suy thoái nghiêm trọng và nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Thực trạng này là do các nguyên nhân: Khai thác trái phép và quá mức nguồn tài nguyên sinh học; sự phân mảnh và suy thoái của các hệ sinh thái do phá rừng làm đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng với quy mô lớn; cháy rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng; ô nhiễm môi trường; du nhập và xâm lấn của các loại ngoại lai; biến đổi khí hậu; phát triển du lịch thiếu kiểm soát. Để bảo tồn nguồn gen, bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng hiệu quả và phát huy cao nhất giá trị nguồn gen, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết đang xây dựng Đề án khung bảo tồn nguồn gen của tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành sẽ nhanh chóng tiến hành thu thập, bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm, có giá trị đặc biệt về khoa học và ứng dụng; tiến hành đánh giá tiềm năng, tư liệu hóa nguồn gen và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quỹ gen cấp tỉnh phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học; điều tra, sưu tập, bổ sung và bảo tồn các nguồn gen thực vật có giá trị như lan hài, huỳnh đường, lá phong, đa tử trà, đỗ quyên, thông 2 lá dẹt, địa lan, các loài nấm dược liệu, nấm ăn...; xây dựng các mô hình bảo tồn, mô hình phát triển các nguồn gen; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về nguồn gen của các họ thực vật đặc hữu với những loài nguy cấp, quý hiếm. Từ đó khai thác phát triển các nguồn gen có giá trị ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng.
 
QUỲNH UYỂN