Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hướng đến ''chuẩn mực, lành mạnh, tích cực''

04:07, 14/07/2021

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 17/6/2021, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận...

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 17/6/2021, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, bộ quy tắc này đã chỉ ra những chuẩn mực ứng xử trên môi trường mạng, để người sử dụng biết cách ứng xử phù hợp… Để giúp bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về bộ quy tắc này, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Minh Hải - Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng về những vấn đề quan trọng của bộ quy tắc này. 
 
Ông Huỳnh Minh Hải - Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh
Ông Huỳnh Minh Hải - Quyền Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh
PV: Thưa ông, ông có thể đánh giá tính cấp thiết của việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội trong bối cảnh hiện nay?
 
Ông Huỳnh Minh Hải: Bộ quy tắc này được xem là “thể chế mềm”, điều chỉnh mọi hành vi, ứng xử trên mạng xã hội của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng đến mục đích cuối cùng là xây dựng mạng xã hội Việt Nam lành mạnh, tích cực; đồng thời là “áo giáp” đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội…
 
Có thể nói, mạng xã hội ở Việt Nam trở thành một kênh thông tin được người dân rất quan tâm, dành nhiều thời gian để sử dụng. Nhờ mạng xã hội mà người dân dễ kết nối, giao lưu với nhau, là kênh để học hỏi tri thức, khai thác thông tin, bày tỏ tình cảm và thư giãn. Tuy nhiên, môi trường số cũng có những hạn chế, những tác hại không nhỏ, đặc biệt là với trẻ em, thanh thiếu niên, những người hiểu biết hạn chế, dễ bị dẫn dụ tin vào những thông tin thiếu kiểm chứng, xấu, độc, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội.
 
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành là cần thiết, điều chỉnh các hành vi nhằm mang lại tính lành mạnh, trong sáng, tích cực của mạng xã hội ở Việt Nam. Bộ quy tắc này, đã tập hợp nhiều nội dung cần thiết, gần gũi với đời sống của Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng năm 2018, là phương thức để mỗi người dân nhận thấy quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trên mạng xã hội. Đồng thời, với việc yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội, đây được cho là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả, “truyền thông đen”,… qua đó sẽ tác động đến nhận thức và hành động của người dân, cùng chung tay xây dựng môi trường mạng xã hội Việt Nam ngày càng lành mạnh, thân thiện, văn minh, hiện đại; không còn tin giả, tin không chính thống, hướng đến giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc con người Việt Nam, giúp mạng xã hội trở thành công cụ hữu ích cho người dân giao lưu xã hội, văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm, nơi thể hiện tình cảm cá nhân.
 
PV: Trước sự cần thiết đó, ông có thể khái quát sự thiết thực quan trọng mà bộ quy tắc này đem lại?
 
Ông Huỳnh Minh Hải: Như tôi đã nói, bộ quy tắc đã tổng hợp nhiều quy định của Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng giúp dễ theo dõi, ngoài ra còn có những hành vi theo quy định pháp luật là không bắt buộc và không vi phạm nhưng bộ quy tắc đưa vào để khuyến khích người sử dụng mạng xã hội thực hiện để sử dụng mạng xã hội hiệu quả, giảm thiểu những tác động tiêu cực và góp phần xây dựng không gian mạng lành mạnh. Đây là ý nghĩa thiết thực nhất mà bộ quy tắc hướng tới.
 
PV: Đáng chú ý, bộ quy tắc này khuyến cáo cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội nên sử dụng danh tính thực, chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy?
 
Ông Huỳnh Minh Hải: Bộ quy tắc không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên quy định sử dụng danh tính thực chỉ là khuyến cáo, không bắt buộc. Tuy nhiên, nếu người dùng vì mục đích trong sáng thì không nên e ngại việc dùng danh tính thực, việc dùng danh tính thực giúp các cơ quan Nhà nước bảo vệ quyền lợi của người dùng tốt hơn. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định bảo vệ danh tính, xử lý vi phạm hành chính, thậm chí là hình sự đối với hành vi thu thập, sử dụng, phát tán trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác nên người dùng cũng không nên quá lo lắng khi dùng danh tính thực.
 
Việc chia sẻ thông tin cũng cần phải tỉnh táo, chỉ chia sẻ thông tin từ nguồn chính thống (nguồn từ các cơ quan nhà nước) trong phạm vi cho phép. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước đều có website, thậm chí là tài khoản mạng xã hội và nhiều kênh thông tin khác như báo, đài kịp thời đưa thông tin đến Nhân dân, do đó cũng không thật sự cần thiết các cá nhân sử dụng mạng xã hội nhanh chóng chia sẻ, cung cấp thông tin thiếu suy nghĩ dễ dẫn đến thông tin không chính thống, thông tin sai quy định pháp luật.
 
PV: Thưa ông, bộ quy tắc còn quy định gì đối với việc quản lý, trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền của người sử dụng?
 
Ông Huỳnh Minh Hải: Nhà cung cấp dịch vụ không được thu thập thông tin của người dùng. Ngoài việc thực hiện các nội dung quy định quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân thì các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước còn phải thực hiện nội quy của cơ quan, tổ chức về việc cung cấp thông tin lên mạng xã hội.
 
Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm thông báo tới cơ quan chủ quản để kịp thời có hướng xử lý, trả lời, giải quyết khi có những ý kiến, thông tin trái chiều, thông tin vi phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý. 
 
Đặc biệt, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội còn hướng dẫn cụ thể về ứng xử của cơ quan nhà nước và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội. Trong đó, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội được yêu cầu phải tôn trọng quyền được bảo vệ thông tin của người sử dụng, không thu thập thông tin cá nhân và cung cấp thông tin của người sử dụng dịch vụ cho bên thứ ba khi chưa được phép của chủ thể thông tin. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng phải hướng dẫn người sử dụng mạng xã hội, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của “người yếu thế” trong xã hội sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh nhằm tránh bị khai thác, lạm dụng, bạo lực về tinh thần trên mạng xã hội; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn, phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
DIỄM THƯƠNG (Thực hiện)