Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' tạo sức lan tỏa sử dụng hàng Việt

04:07, 28/07/2021

Sau nhiều năm phát động và thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tại Lâm Đồng, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, hướng tới dùng hàng Việt Nam chất lượng cao với ưu điểm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp. 

Sau nhiều năm phát động và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại Lâm Đồng, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, hướng tới dùng hàng Việt Nam chất lượng cao với ưu điểm an toàn, chất lượng, giá cả phù hợp. 
 
Hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp của Lâm Đồng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ qua quá trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hàng nông sản, tiểu thủ công nghiệp của Lâm Đồng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ qua quá trình thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
 
Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Cuộc vận động từ năm 2009 đến nay đạt hiệu quả tương đối tốt. Cùng đó đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, đặc thù, thế mạnh của từng địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nhân của tỉnh trong thực hiện Cuộc vận động; tham gia sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, sản phẩm đặc hữu, sản phẩm OCOP của tỉnh.
 
Thông qua các hội nghị, hội thảo, trong các buổi sinh hoạt của các chi hội đoàn thể, các buổi họp dân ở khu dân cư...; các địa phương, cơ sở, khu dân cư lồng ghép tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, động viên, khơi dậy lòng yêu nước, từng bước hình thành ý thức, văn hóa tiêu dùng của người dân. 
 
Cuộc vận động đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối, dịch vụ nhận thức đầy đủ, tích cực hơn trong tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, chú trọng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm sản xuất trong nước và của địa phương Lâm Đồng đã được người tiêu dùng đánh giá cao. Nhiều thương hiệu hàng hóa đặc hữu, thế mạnh của Đà Lạt, Lâm Đồng trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: rau, hoa, củ - quả, chè, cà phê, bơ, dâu, sầu riêng; các sản phẩm trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp: lụa tơ tằm, tranh thêu tay... và các sản phẩm du lịch của địa phương được người tiêu dùng lựa chọn. Đặc biệt, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” với các sản phẩm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Hàng Việt đang chiếm ưu thế tại các cơ sở kinh doanh, buôn bán trong tỉnh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng nguồn thu từ xuất khẩu các sản phẩm đặc hữu của Lâm Đồng, giảm nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh... Qua đó, càng khẳng định rõ hơn Cuộc vận động là chủ trương hết sức đúng đắn, phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, đất nước trong thời kỳ hội nhập, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số nơi nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, ban, ngành còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Cuộc vận động. Một số nơi có triển khai nhưng thiếu quan tâm thường xuyên, chưa sâu sát trong tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động kịp thời. Công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động đôi nơi chưa đồng bộ, chưa sâu. MTTQ một số địa phương, cơ sở và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa phối hợp tốt trong công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng Cuộc vận động và tham gia giám sát kết quả thực hiện Cuộc vận động.
 
Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường; đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều mặt hạn chế. Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” chưa nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu của Nhân dân vùng sâu, vùng xa...
 
Để đẩy mạnh và tạo sức lan tỏa Cuộc vận động trong thời gian tới, ông Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh nhấn mạnh: MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người uy tín tiêu biểu trong dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, đồng thuận hưởng ứng Cuộc vận động. Tăng cường phát động các phong trào thi đua yêu nước, động viên Nhân dân thực hiện Cuộc vận động bằng những hành động cụ thể như ưu tiên mua sắm, tiêu dùng, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước; vận động các doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của hàng Việt, hàng sản xuất tại tỉnh... Cụ thể hóa các nội dung thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và việc bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”... hàng năm để tuyên truyền, vận động Nhân dân trên địa bàn khu dân cư thực hiện. Tiếp tục chủ động xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện Cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện Cuộc vận động của MTTQ, các đoàn thể tỉnh gắn với công tác biểu dương, khen thưởng. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và các cấp trong công tác giám sát, phản biện các nội dung liên quan đến Cuộc vận động, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
 
NGUYỆT THU