Khi mùa mưa bão, nghỉ hè và việc đang ở nhà phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra cùng lúc khiến công tác cảnh báo và phòng, chống đuối nước trẻ em được đẩy lên mức cao, nhất là ở địa bàn có địa hình đồi núi phức tạp như Đam Rông.
Khi mùa mưa bão, nghỉ hè và việc đang ở nhà phòng, chống dịch bệnh COVID-19 diễn ra cùng lúc khiến công tác cảnh báo và phòng, chống đuối nước trẻ em được đẩy lên mức cao, nhất là ở địa bàn có địa hình đồi núi phức tạp như Đam Rông.
|
Giáo dục kỹ năng phòng, tránh đuối nước là một trong những nội dung được các nhà trường triển khai |
Theo thống kê từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông, năm 2020, trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 vụ đuối nước khiến 6 trẻ em tử vong thương tâm. Hiện nay, Đam Rông có 800 hồ, ao, sông suối với quy mô vừa và nhỏ. Cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đã cắm biển cảnh báo ở 50 ao, hồ có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Song điều đó vẫn chưa đủ để đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất là cho trẻ em.
Ông Dương Tất Phong - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện đã quán triệt và có nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban liên quan và các địa phương thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống đuối nước ở trẻ em dịp này. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội với tư cách là ngành trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để không xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm.
Theo đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh giới các khu vực có nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em như: Hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông, các sông, suối, ao, hồ…, đặc biệt là các hồ tự phát tích trữ nước tưới tiêu cho nông nghiệp. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu các địa phương kiên quyết yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện rào chắn, cảnh báo tại các hồ chứa nước. Đối với khu vực có nguy cơ gây đuối nước trẻ em thuộc các công trình công cộng, các địa phương phải đặt biển cảnh báo an toàn.
Ông Trương Văn Sáng - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Long, huyện Đam Rông cho biết: Đạ Long hiện có 5 hồ chống hạn, 2 đập tràn và 2 con suối là những khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước. Bởi vậy, cứ bắt đầu vào mùa mưa, lãnh đạo xã đã cử lực lượng cắm biển cảnh báo ở các khu vực nguy hiểm. Đồng thời, yêu cầu các hộ gia đình cắm biển cảnh báo ở các hồ chống hạn của họ. Mặt trận Tổ quốc xã và các đoàn thể, các đơn vị trường học, các điểm nhóm tôn giáo đã phối hợp để tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các em nhỏ, không tắm sông, tắm suối, không chăn thả gia súc ở các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét.
Hiện tại, các xã trên địa bàn cũng đã thành lập đội tuần tra cứu hộ, làm rào chắn tại các khu vực có nguy cơ đuối nước cao, làm nắp đậy có khóa các dụng cụ chứa nước trong cộng đồng, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, chuẩn bị các phương tiện và phương án để sẵn sàng xử lý khi xảy ra tai nạn đuối nước ở trẻ em… Lãnh đạo huyện Đam Rông cũng đã chỉ đạo rõ, các địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo huyện nếu để xảy ra đuối nước ở trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, các lực lượng khác, tùy vào chức năng nhiệm vụ của mình cũng triển khai các nhiệm vụ nhằm phòng, tránh đuối nước ở trẻ em. Cụ thể, Công an huyện đẩy mạnh tuyên truyền nội dung này trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, công tác dân vận. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các phương án về lực lượng và thiết bị để xử lý khi có tình huống xảy ra. Anh Trần Đức Phát - Phó Bí thư Huyện đoàn Đam Rông cho biết: Ban chỉ đạo hoạt động hè và Hội đồng Đội huyện cũng đã thực hiện các hoạt động phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung này nhằm tránh được các vụ đuối nước xảy ra ở trẻ em.
Nguyên nhân xảy ra những vụ đuối nước thương tâm ngoài những nguyên nhân khách quan do thiên tai, thời tiết thì đa phần nằm ở sự xao nhãng, bất cẩn, thiếu sự giám sát trông coi của người lớn đối với trẻ em khi sống trong môi trường nhiều rủi ro. Bởi vậy, bên cạnh những giải pháp nêu trên, tuyên truyền vẫn là giải pháp chủ yếu được các đơn vị và địa phương thực hiện. Theo đó, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động trên hệ thống truyền thanh cơ sở, các địa phương cũng đã lồng ghép tuyên truyền qua các buổi họp xóm, thôn, thông qua đội ngũ già làng, người có uy tín… để nâng cao ý thức của người dân nói chung và trẻ em nói riêng về phòng, tránh đuối nước.
Việc cảnh báo và phòng, chống đuối nước trẻ em được đẩy lên mức cao nhất với nhiều giải pháp được triển khai quyết liệt, đồng bộ sẽ giúp người dân, đặc biệt là các em học sinh hiểu rõ mối nguy hiểm để chủ động phòng, tránh được tai nạn do đuối nước.
NGỌC NGÀ