Dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K'Long A và B, xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ tháng 9/2016 với tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng...
Dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A và B, xã Đạ Pal (huyện Đạ Tẻh) được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư từ tháng 9/2016 với tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm này mới bố trí được khoảng 50% tổng vốn đầu tư. Việc chậm giải ngân vốn, thời gian kéo dài đồng nghĩa với việc cả trăm người dân hiện phải sinh hoạt trong cảnh tạm bợ, ngóng chờ dự án hoàn thành để sớm an cư, lạc nghiệp.
|
Tại Tôn K’Long, dân cư sống thưa thớt và theo từng cụm, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn |
Nhiều hạng mục còn dang dở
Chúng tôi về thăm Tôn K’Long, xã Đạ Pal trong những ngày cuối tháng 6 - vùng đất khó khăn cách trung tâm huyện chừng 20 km. Đi cùng chúng tôi là một cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh. Xuất hiện trước mắt chúng tôi, Tôn K’Long như một ngôi làng thu nhỏ với 325 hộ dân được chia theo từng cụm và phần lớn là những ngôi nhà tạm bợ. Thi thoảng giữa những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp lại xuất hiện một hai nóc nhà kiên cố.
Trên con đường còn làm dang dở dẫn vào nhà trưởng thôn, chị Võ Thị Chi, Trưởng thôn Tôn K’Long cho hay: Các hạng mục về nước, điện, đường, cơ sở vật chất của dự án chưa đồng bộ. Bà con nơi đây đa số sinh hoạt còn thiếu thốn, mong chờ dự án sớm hoàn thành từng ngày.
Mặc dù trạm y tế thôn thuộc dự án đã được bàn giao, nhưng cho tới nay nguồn nhân lực là con người và trang thiết bị chưa có nên mỗi lần bà con đau bệnh đều phải ra Trung tâm Y tế huyện”. Chị Chi cho biết thêm, đến nay vẫn còn một số hộ chưa có điện, nguồn nước sinh hoạt phập phù chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước dẫn từ vùng giáp ranh là xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm nhưng lúc được lúc không.
Đạ Pal là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây Bắc huyện Đạ Tẻh. Tháng 8/2003, Đạ Pal được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Triệu Hải. Hiện toàn xã có 746 hộ với 2.438 nhân khẩu. Thôn Tôn K’Long có 325 hộ, trong đó 184 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên thuộc đối tượng giãn dân và 141 hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ nơi khác di dân tự do tới.
Trước năm 2016, đời sống bà con nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Để ổn định người dân địa phương tại chỗ, xóa bỏ tập tục du canh, du cư của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực phát triển Tôn K’Long, năm 2016, UBND tỉnh có Quyết định phê duyệt Dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A và B.
Hoàn thành dự án trong năm 2022
Ông Hoàng Văn Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật và Quản lý chất lượng, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Công trình công cộng huyện Đạ Tẻh cho biết: Với tổng diện tích dự án rộng tới hơn 1.203 ha, trong đó có 445,65 ha thuộc xã Quảng Trị và 758,05 ha thuộc xã Đạ Pal, khu vực này được kỳ vọng ổn định dân cư tại chỗ, là nơi ăn ở, sản xuất phát triển cho 325 hộ dân. Cụ thể, dự án sẽ xây dựng 8 tuyến nhánh đường giao thông, dài trên 6 km; xây mới 2.300 m đường dây điện trung thế 3 pha, 6.459 m đường dây hạ thế; xây mới 1 phân hiệu mẫu giáo, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế cơ sở,... với tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 tới năm 2019.
“Tuy nhiên, tới thời điểm này, tổng vốn được phân bổ cho dự án mới trên 15 tỷ đồng (đạt 48,33% so với tổng mức đầu tư) với các hạng mục đã hoàn thành như phân hiệu trường mẫu giáo, trạm y tế và một số tuyến nhánh đường giao thông. Các hạng mục đang triển khai thực hiện là các tuyến đường nhánh số 5, 7 và chưa triển khai thực hiện là các tuyến nhánh còn lại và hệ thống điện”, ông Hiếu nói.
Theo ông Phạm Xuân Tiện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đạ Tẻh: Qua khảo sát và làm việc, thời gian qua UBND huyện cũng đã tập trung hỗ trợ người dân về nước sinh hoạt, nước sản xuất thông qua ao hồ nhỏ, nhưng về lâu dài cần phải có công trình quy mô lớn để phục vụ người dân như công trình thủy lợi. Về sản xuất kinh tế, địa phương khuyến khích bà con phát triển cà phê và cây ăn trái nhằm trước mắt ổn định cuộc sống cho người dân Tôn K’Long. Cùng với đó, vận động người dân tự chủ động dành dụm, đầu tư nguồn kinh phí vào sản xuất. Mặc dù là còn đó những khó khăn trước mắt nhưng địa phương không thể để bà con có tâm lý trông chờ ỷ lại hoàn toàn vào hỗ trợ của Nhà nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng đánh giá, vướng mắc hiện nay của dự án nói trên là do tổng vốn ngân sách địa phương phân bổ tăng so với quyết định đầu tư dự án nên sẽ phải kéo dài sang năm 2021. Đồng thời, nguồn vốn sẽ không giải ngân được do thời gian thực hiện dự án đã hết và nguồn vốn phân bổ vượt quá cơ cấu vốn dự án được phê duyệt. Ngoài ra, riêng phần kinh phí ngân sách Trung ương chưa được phân bổ, các hạng mục đường nhánh, hệ thống điện vì vậy chưa thể triển khai thực hiện. Để có cơ sở tiếp tục dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh 2 nội dung gồm: điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2019 thành giai đoạn 2017 - 2022 và điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn quyết định đầu tư.
Theo đó, tới ngày 28/6, UBND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A và B đến hết ngày 31/12/2022. Đồng thời, UBND tỉnh đồng ý điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn với tổng mức đầu tư không thay đổi.
Như vậy, dự án ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn thôn Tôn K’Long A và B kéo dài thời gian hoàn thành đã một năm rưỡi và nếu không có thay đổi gì thì dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022.
THÂN THU HIỀN